Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động ở Bình Lục

Tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, nhất là lao động ở khu vực nông thôn luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương ở Bình Lục nhiều năm qua.

“Việc tìm người”…

Đó là một thực tế đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Bình Lục hiện nay. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, tranh thủ những chính sách kích cầu phục hồi nền kinh tế của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã tập trung đầu tư mở rộng sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng lao động là rất lớn. Mặc dù, đối tượng tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông nhưng hầu hết các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp (CCN) của Bình Lục hiện nay đều gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động. 

Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động ở Bình Lục
Lao động làm việc tại Công ty TNHH Zhong Xin Hoa Sen (CCN Bình Lục, xã Trung Lương). Ảnh: Mạnh Hùng

Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất bút chì xuất sang thị trường Mỹ, năm 2022, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của thị trường, Công ty TNHH Zhong Xin Hoa Sen (CCN Bình Lục, xã Trung Lương) đã triển khai dự án đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất, nâng tổng diện tích nhà xưởng lên gần 30 nghìn mét vuông. Nhu cầu tuyển dụng lao động cho dây chuyền sản xuất mới rất lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài 140 lao động hiện có, việc tuyển lao động của công ty cũng đang gặp khó khăn.

Ông Zhang Hua Di, Giám đốc Công ty chia sẻ: Mặc dù, công ty cũng đã rất quan tâm, chú trọng đến chính sách đãi ngộ cũng như tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp để thu hút người lao động, nhưng hiện nay, do nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh rất lớn, tính cạnh tranh cao; chưa kể các doanh nghiệp của các tỉnh lân cận nên việc tuyển lao động của công ty phục vụ cho việc mở rộng sản xuất hiện nay rất khó khăn. Với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng; vào những lúc cao điểm, tăng ca, thu nhập của người lao động sẽ vào khoảng 8-9 triệu đồng/người/tháng; đối tượng tuyển dụng của công ty chủ yếu là lao động phổ thông, không quá khắt khe về độ tuổi lao động nhưng việc tuyển lao động cũng vẫn đang là bài toán khó đối với công ty.

Theo ông Trần Minh Khuê, cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bình Lục, tình trạng “khát” lao động đang diễn ra khá phổ biến ở hầu  hết các doanh nghiệp trong các CCN của huyện. Để giữ chân người lao động, hạn chế tình trạng “nhảy việc”, nhiều công ty đã có những chính sách đãi ngộ quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, như: chế độ nghỉ dưỡng, tăng ca, khen thưởng… Đời sống người lao động vì thế cũng đã được cải thiện rất nhiều. Nếu như trước đây, người lao động lo tìm việc thì bây giờ doanh nghiệp lại lo đi tìm và giữ chân lao động…

Nỗ lực giải bài toán “cung - cầu” lao động

Được biết, hiện toàn huyện có 3 CCN, bao gồm: CCN Bình Lục (30,6 ha); CCN Trung Lương (10,6 ha); CCN An Mỹ - Đồn Xá (10,6 ha), với khoảng gần 20 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, nâng tổng số doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) đăng ký hoạt động trên địa bàn lên 257 đơn vị. Tổng số lao động trong độ tuổi trên địa bàn hiện nay xấp xỉ 80 nghìn người; trong đó, lao động tham gia lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên 55 nghìn người; lao động trong CCN gần 8 nghìn người. Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, để giải quyết hiệu quả bài toán lao động - việc làm, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền Bình Lục đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về cung - cầu lao động. 

Căn cứ các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành, triển khai thực hiện quyết liệt các định hướng của cấp trên, tiếp tục thực hiện đề án mở rộng các CCN, làng nghề truyền thống, đề án xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phát triển nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất theo chuỗi hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển ngành nghề, mở rộng dịch vụ nông thôn, đề án đổi mới tích tụ ruộng đất gắn với tổ chức lại đồng ruộng... tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Thông qua công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả như: mô hình nhà lưới (xã Đồng Du, Hưng Công, An Ninh); mô hình “sông trong ao” (xã Tiêu Động); chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản (Vũ Bản, La Sơn, Đồn Xá, An Đổ); nhiều mô hình lúa cá (xã An Đổ); và nhiều nghề khác như: nghề trồng nấm, nghề nuôi ong, nuôi gà, trồng cây ăn quả… Điển hình, một số lao động sau khi học nghề đã thành lập trang trại, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ với thu nhập cao. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích phát triển dạy nghề được mở rộng đến các doanh nghiệp, làng nghề. Thông qua công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề trên địa bàn huyện. Các làng nghề đã tạo việc làm cho 1.768 lao động. 

Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, giai đoạn 2010-2020, toàn huyện đã GQVL mới cho 33,5 nghìn lao động, GQVL thêm cho 35,8 nghìn lao động và xuất khẩu trên 1 nghìn lao động. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, toàn huyện đã tạo việc làm mới cho 2.875 lao động, tạo việc làm thêm cho 2.591 lao động. Có thể nói, những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn ở huyện Bình Lục, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ. 

Theo ông Bùi Văn Việt, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Lục, để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, bất cập hiện nay về vấn đề lao động việc làm, Bình Lục đang khẩn trương triển khai Đề án Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trọng tâm là lao động nông nghiệp thực hiện thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 4609/QĐ-UBND ngày 11/10/2021 của UBND huyện Bình Lục. Trong đó, tập trung vào nhóm giải pháp nâng cao năng lực dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, GQVL; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác dạy nghề; đẩy mạnh công tác giới thiệu, GQVL sau đào tạo; đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, GQVL; tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ tiếp cận cung lao động; thực hiện phối kết hợp đào tạo tại doanh nghiệp, CCN… để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ; nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt lao động cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục hồi kinh tế nhanh và bền vững. 

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy