Nhân dân Bình Lục mong muốn Luật Đất đai (sửa đổi) sớm hoàn thiện để phát huy nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội

Là huyện sản xuất nông nghiệp, đang trong quá trình đô thị hóa, đất đai được xác định là nguồn lực quan trọng để Bình Lục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển, công tác quản lý và sử dụng đất vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế. Nhiều nơi, đất nông nghiệp còn bị bỏ hoang, nhiều hộ dân chưa được cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Nhân dân Bình Lục mong muốn Luật Đất đai sửa đổi sớm hoàn thiện để phát huy nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế  xã hội
Hội nghị lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của UBMTTQ xã Bối Cầu.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2023 với nhiều nội dung đổi mới sẽ đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, góp phần phát huy nguồn lực đất đai cho sự phát triển kinh  tế -  xã hội. Vì thế, trong quá trình tổ chức triển khai lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo Luật do Ban Thường trực UBMTTQ huyện tổ chức thực hiện đã thu được nhiều ý kiến chất lượng, góp ý vào dự thảo luật quan trọng này.

Bà Ngô Thị Khanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) huyện cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBMTTQ tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 9/2/2023, Ban Thường trực UBMTTQ huyện Bình Lục đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Với mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp và toàn dân đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và thi hành Luật Đất đai, Ban Thường trực UBMTTQ huyện yêu cầu các địa phương tổ chức lấy ý kiến đảm bảo dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm theo đúng phương thức tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Nhân dân Bình Lục mong muốn Luật Đất đai sửa đổi sớm hoàn thiện để phát huy nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế  xã hội
Ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch UBMTTQ xã Vũ Bản, huyện Bình Lục tổng hợp các nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần ý kiến đóng góp của nhân dân.

Trong thời gian một tháng, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Thông qua hai hình thức tổ chức hội nghị và xin ý kiến bằng văn bản toàn huyện có gần 700 ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo Luật. Có ý kiến cho rằng, ở mục 4 - Điều 49 quy định: “Tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất......”  giờ “nên giới hạn đối tượng nhận quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đặc biệt là các tổ chức kinh tế. Bởi vì, tại Điều 171 của Dự thảo Luật đã quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp...điểm này khác so với Luật Đất đai năm 2013 (hạn mức không quá 10 lần). Quy định như dự thảo đã tạo điều kiện thuận tiện áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa...”

Hay, nhiều ý kiến cho rằng, tại Điều 68 quy định: Cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện lấy ý kiến các phòng, ban, ngành có liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, điểm dân cư, niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng, tổ chức hội nghị, hội thảo và phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình, cá nhân đại diện cho các xã, phường, thị trấn; nội dung lấy ý kiến gồm báo cáo thuyết minh, hệ thống bản đồ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Vì, cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện lấy ý kiến cần đăng tải trên trên trang thông tin điện tử của UBND huyện, chứ không cần ghi là Cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Nên, trong quy định này cần sửa “Cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện” thành “Ủy ban nhân dân cấp huyện”; trưng bày “tại nơi công cộng” sửa thành tại “điểm sinh hoạt công cộng”

Nhân dân Bình Lục mong muốn Luật Đất đai sửa đổi sớm hoàn thiện để phát huy nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế  xã hội
Nhiều tổ chức, cá nhân mong muốn những vướng mắc trong việc tích tụ đất nông nghiệp được giải quyết sau khi Luật Đất đai mới được sửa đổi phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Theo ông Trần Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Bình nghĩa, nhiều cán bộ xã thống nhất góp ý sửa đổi nội dung khoản 1 Điều 131 của Dự thảo Luật theo quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW: Cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh (cần độc lập với UBND tỉnh) quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý giá cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai. Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình cơ quan quản lý giá đất cùng cấp quyết định. Hội đồng thẩm định giá đất gồm người đứng đầu cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất”. Bổ sung vào Khoản 2, Điều 130, người dân đề nghị “Việc định giá đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt…”

Nhân dân Bình Lục mong muốn Luật Đất đai sửa đổi sớm hoàn thiện để phát huy nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế  xã hội
Cánh đồng mẫu của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Ninh.

Theo ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch UBMTTQ xã Vũ Bản, hiện nay vấn đề đất đai được người dân quan tâm nhiều hơn cả bởi nó tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của họ. Tuy nhiên, nhiều hạn chế trong công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại như hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai chưa đảm bảo tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn bất cập, sai phạm; thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm phát triển. Giá đất được xác định thường thấp hơn giá thị trường nên người dân không đồng tình ủng hộ trong nhiều dự án giải phóng mặt bằng… Ở nông thôn, tình trạng người dân bỏ ruộng cấy ngày một nhiều.

Ông Khanh mong muốn, những ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ giúp các cơ quan Trung ương tham gia nghiên cứu, ban hành Luật có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn để  hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có như thế, nguồn lực đất đai mới được quản lý, khai thác, sử dụng đảm bảo tiết kiệm, bền vững và hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy