Mặc dù được xác định là vùng trọng điểm về phát triển nông nghiệp của tỉnh nhưng Bình Lục vẫn xây dựng một lộ trình cho du lịch đồng chiêm. Giấc mơ du lịch đồng chiêm không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là chìa khóa giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của vùng đất này.
Bình Lục là vùng quê mang những điển hình về đặc điểm, tính chất đồng chiêm vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đó là vùng đất được hình thành qua nhiều thế kỷ, là dấu vết của một vùng biển cũ. Những biến đổi của lịch sử, địa chất đã làm cho vùng đất Bình Lục có một bề dày trầm tích văn hóa đồng chiêm. Đó là một hệ thống di sản vật thể tồn tại hàng nghìn năm. Đó là những tập quán, phong tục mang đặc trưng vùng miền, tạo nên cốt cách con người nơi đây… Hơn tất cả, từ cuộc sống ấy đã tạo nên một bề dày lịch sử và một chiều sâu văn hóa cho đất và người Bình Lục. Để rồi, ở vùng đất này có những con người đi vào lịch sử, có những giai thoại sống để đời trong tâm thức dân gian…
Khai thác, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa ấy không phải là việc riêng của một ngành, một cấp nào, mà là trách nhiệm của cộng đồng người Bình Lục hôm nay và mai sau. Đây là một trong những mục tiêu đặt ra với Bình Lục trong quá trình xây dựng nông nghiệp, nông thôn thời gian qua. Nếu kinh tế là điểm tựa cho sự phát triển, thì văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội lực của Bình Lục. Với mục tiêu ấy, Huyện ủy – HĐND – UBND huyện Bình Lục đã tổ chức Hội thảo khoa học bàn về văn hóa đồng chiêm, trong đó vấn đề phát triển du lịch đồng chiêm được đề cập đến như một câu chuyện của hiện thực và tương lai.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch được coi là một trong những dòng sản phẩm du lịch hỗ trợ cho các dòng sản phẩm du lịch chính như du lịch sinh thái – tâm linh, văn hóa – lễ hội… Khu vực được xác định phát triển sản phẩm này là các địa phương phía đông tỉnh, gồm Bình Lục, Lý Nhân, phía đông thị xã Duy Tiên. Bí thư Huyện ủy Bình Lục Lê Xuân Huy cho rằng, phát triển du lịch nông thôn sẽ thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững cho Bình Lục. Huyện sẽ cùng với ngành văn hóa thể thao và du lịch phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch phù hợp với điều kiện của địa phương. Những di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh, lễ hội ở Bình Lục sau khi được quan tâm tôn tạo, phục dựng đã hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Khu Từ đường Nguyễn Khuyến là nơi hấp dẫn du khách, một điểm đến thú vị đối với các tầng lớp nhân dân từ học sinh, trí thức đến văn nghệ sỹ, nông dân. Mỗi năm có hàng nghìn lượt người thăm viếng, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ. Chiêm ngưỡng phong cảnh nông thôn Bắc Bộ tiêu biểu và điển hình đi vào thơ văn Việt Nam. Từ đây, du khách có thể đến thăm Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được xây dựng nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao của Bác Hồ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Lục trong phát triển nông nghiệp. Đó là một công trình quy mô, được xây dựng theo kiến trúc truyền thống. Toàn huyện hiện có 29 lễ hội truyền thống, là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu như chèo, chầu văn, dân ca giao duyên vùng ngã ba sông Móng… Bình Lục được biết đến là quê hương của Trống đồng Ngọc Lũ, một hiện vật tiêu biểu nhất của nền văn hóa Đông Sơn, biểu tượng của nền văn minh Việt cổ…
Gần đây, nhiều di tích được ngành văn hóa bảo tồn, phát huy giá trị của di sản thông qua việc trùng tu, tôn tạo, đề nghị các cấp xếp hạng di tích. Vì thế, trong tổng số 376 di tích có 22 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh. Trong tương lai, với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, lấy nông nghiệp làm trọng, văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, việc đưa du lịch đồng chiêm trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng đối với Bình Lục sẽ trở thành hiện thực. Biểu tượng núi Quế - sông Ninh sẽ dẫn dắt du khách tìm về với những giá trị lịch sử văn hóa sâu bền của Bình Lục. Đó là sự tồn tại của các di tích có tuổi đời nghìn năm, trăm năm. Theo ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng Hà Nam, vùng đất này đã và đang lưu giữ những dấu ấn vật chất của nhiều giai đoạn lịch sử. Thí dụ chùa Cao, tên chữ Hán là Khánh Long tự, được xây dựng gần đỉnh núi Quế (xã An Lão). Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, chùa được xây thời Lý, năm Kỷ Mão 1099 đời vua Lý Nhân Tông. Năm 2021, trong quá trình điền dã, Bảo tàng Hà Nam phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện mở rộng khảo sát trên đỉnh núi An Lão và xác định được quy mô ngôi chùa.
Cũng thời gian này, việc khảo sát các di tích khác như đình Cả, chùa Chợ được thực hiện và cho thấy kết quả đáng quan tâm. Trong đó, đình Cả là trung tâm của thái ấp Quắc Hương, thuộc xóm Trung, Thôn 3, xã Vũ Bản, cách sông Ninh khoảng 500m về phía Đông. Theo truyền thuyết, đình Cả được làm trên nền nhà cũ của Thái sư Trần Thủ Độ ngay sau khi ông mất, có địa thế cao và rộng. Mặt bằng tổng thể đình có hình chữ Tam, quay theo hướng chính Nam. Gian chính giữa có bức đại tự “Nguyên đế Trần triều”. Dấu tích kiến trúc hiện nay cho thấy đình được trùng tu lớn vào thời Nguyễn (từ thời Duy Tân đến thời Bảo Đại).
Ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng Hà Nam khẳng định: “Các di vật thuộc loại hình ngói úp của thời Trần ở khu vực đình đã cho thấy khả năng dưới lòng đất nơi đây vẫn còn chứa đựng nhiều dấu tích của thời Trần. Thực hiện khai quật, nghiên cứu khảo cổ sẽ góp phần nhận diện các giá trị lịch sử văn hóa của di tích, đóng góp tư liệu vào việc nghiên cứu điền trang thái ấp Quắc Hương nói riêng và của thời Trần nói chung, đồng thời, có thể góp phần dựng lại diện mạo lịch sử của di tích đình Cả”.
Với tiềm năng vốn có và những điều kiện xã hội thuận lợi, giấc mơ du lịch đồng chiêm của Bình Lục đã và đang trở thành hiện thực. Tuy nhiên, để du lịch phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Bình Lục cần xây dựng đề án cho phát triển du lịch, đánh giá thực trạng và đưa ra những giải pháp cụ thể. Vai trò của các cấp, các ngành đối với văn hóa và du lịch cần thể hiện rõ nét hơn thông qua việc hoạch định, ban hành các chủ trương, cơ chế chính sách cho phát triển lĩnh vực này.
Giang Nam