Đổi thay trên quê hương Cao Cát

Tự hào có Khu lưu niệm Cát Tường – nơi ghi dấu Bác Hồ về thăm Hà Nam, động viên nhân dân đắp đập chống hạn cứu lúa năm 1958 nằm trên địa bàn, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, những năm qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Cao Cát, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, chung sức, đồng lòng xây dựng và đổi mới quê hương. 

76 tuổi đời, 55 năm tuổi đảng nhưng bà Nguyễn Thị Vượng, người con của quê hương Cao Cát vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Nhớ lại cuộc sống trước kia, bà Vượng bồi hồi chia sẻ: Thời ấy, đất nước có chiến tranh, nên cuộc sống của người dân gặp nhiều gian khó. Thời điểm những năm 50 (thế kỷ XX), đường thôn xóm đều là đường đất, nhỏ hẹp. Mùa mưa đến, từ trong làng tới ngoài đồng nước ngập mênh mông, người dân đi lại phải dùng thuyền. Một năm, nông dân chỉ cấy một vụ chiêm nhưng năng suất thấp lắm, chỉ được vài chục kg/sào. Vì vậy, cái đói, cái nghèo hiện hữu khắp nơi. Tôi còn nhớ, làm ruộng ngày ấy vất vả và cực nhọc vô cùng. Từ làm đất, cấy, gặt… đều làm thủ công, dựa hoàn toàn vào sức người. Cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau; gánh lúa, thồ lúa từ đồng về; gánh phân, thồ phân từ nhà ra đồng; đập lúa, tuốt lúa trong đêm… là những hình ảnh quen thuộc ở làng quê thời đó. Trong làng, nhà dân phần lớn là nhà gianh, nền đất, vách đất, mỗi khi mùa mưa bão về chỉ lo nhà dột, nhà sập... 

Đổi thay trên quê hương Cao Cát
Đường thôn Cao Cát được đầu tư xây dựng bảo đảm tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp.

Giờ thì khác lắm rồi – bà Vượng cười, ánh mắt rạng rỡ. Đường làng, đường đồng đều được bê tông, to rộng. Nhiều gia đình trong thôn đã xây được nhà cao tầng to, đẹp. Giờ nông dân không còn lo đói, mà lo sao cho gia đình có những bữa ăn ngon để bảo đảm sức khỏe… Đặc biệt, nhờ đồng ruộng được quy hoạch; hệ thống kênh mương được quan tâm đầu tư, xây dựng; các khâu sản xuất từng bước được cơ giới hóa… nông dân được giải phóng sức lao động, năng suất, hiệu quả cây trồng được nâng lên. Có thể nói, thực hiện tốt đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Cao Cát được nâng lên rõ rệt, cảnh sắc làng quê đổi thay, khởi sắc rõ nét.

Cùng chúng tôi đi trên con đường quê rộng rãi, phẳng nhẵn đồng chí Nguyễn Văn Hường, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Cao Cát cho biết: Năm 2018, thôn Cát Tường và thôn Cao Cái sáp nhập thành thôn Cao Cát. Hiện, thôn Cao Cát có 610 hộ dân với trên 2.000 khẩu. Hưởng ứng các phong tràothi đua yêu nước, năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%; 96% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; trên 80% hộ gia đình xây dựng được nhà mái bằng, nhà cao tầng kiên cố. Đến nay, 100% đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa, có hệ thống đèn điện thắp sáng vào ban đêm. Nhiều tuyến đường được trồng hoa, cây cảnh bảo đảm sáng, xanh, sạch, đẹp… góp phần tô điểm cảnh sắc, cảnh quan môi trường nông thôn. 

Về Cao Cát, qua tìm hiểu được biết: Như bao miền quê khác, hiện phần lớn lao động chính trong thôn đi làm cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trên địa bàn thôn có một công ty may xuất khẩu giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động. Tuy lực lượng lao động chính đi làm cho các công ty, doanh nghiệp, nhưng thôn Cao Cát không có tình trạng bỏ ruộng. Trên 160 ha đất nông nghiệp của thôn được cấy 100% diện tích cả hai vụ xuân và mùa. Điều đáng ghi nhận, nhờ hệ thống thủy nội đồng được quy hoạch, đầu tư xây dựng (70% hệ thống mương máng đã được kiên cố hóa); đường trục chính ra đồng đã bê tông hóa được trên 4km, những năm qua, người dân thôn Cao Cát chủ động đưa cơ giới hóa vào sản xuất góp phần quan trọng trong việc giải phóng sức lao động, bảo đảm lịch thời vụ, nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng. Đến thời điểm này, nông dân Cao Cát không còn phải lo cảnh đường khó, ruộng xa bởi khâu làm đất, khâu vận chuyển đã được cơ giới hóa 100%, gặt máy đạt 100%, cấy máy đạt khoảng 30% diện tích, gieo sạ đạt khoảng 60% diện tích... Đặc biệt, để nâng cao giá trị kinh tế, những năm gần đây người dân Cao Cát chủ yếu cấy giống lúa Bắc thơm số 7, vụ mùa cấy khoảng 10% diện tích lúa nếp… 

Phát huy kết quả đạt được, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, thời gian tới, thôn Cao Cát chú trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Cùng với đó, hưởng ứng và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", nỗ lực giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”. 

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy