Để các thiết chế văn hóa thực sự là “sợi dây” kết nối cộng đồng

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của các thiết chế văn hóa trong đời sống văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân, nhiều năm qua, công tác quản lý và tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở luôn được các cấp ủy, chính quyền ở Bình Lục đặc biệt quan tâm. Nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa, phát huy tốt vai trò kết nối cộng đồng, từng bước xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở; từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân theo định hướng của Đảng chính là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Bình Lục trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao.

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ tiện ích hiện đại, nhiều chủ trương, chính sách mới đã được ban hành và nhiều chương trình, đề án được quan tâm, đầu tư, triển khai thực hiện ở các địa phương trong tỉnh. Tuy vậy, quá trình hiện đại hóa nông thôn vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn; đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa.

Để các thiết chế văn hóa thực sự là “sợi dây” kết nối cộng đồng
Nhà văn hóa xã Tràng An.

Nhận thức rõ vấn đề đó, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Bình Lục luôn đặt mục tiêu phát triển về giá trị văn hóa, giá trị xã hội phù hợp với từng giai đoạn cụ thể ở địa phương. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch” và “Phát huy giá trị văn hóa đồng chiêm trong xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025”; xây dựng các mục tiêu chiến lược, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, xây dựng được hệ giá trị văn hóa, tiêu biểu cho những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương, quê hương, hòa chung với dòng chảy văn hóa của dân tộc. Trên cơ sở xây dựng các thể chế, thiết chế và cụ thể hóa những giá trị văn hóa cốt lõi đó trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tạo niềm tin của nhân dân đối với sự chỉ đạo, quản lý của chính quyền trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người văn hóa.

Hiện, toàn huyện có 38 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng (trong đó, có 22 di tích cấp quốc gia và 16 di tích cấp tỉnh). Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được đẩy mạnh. Thông qua các hoạt động xã hội hóa về nguồn lực, công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm; nhiều giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể cũng được khôi phục và phát huy trong đời sống hiện đại. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh. Công tác xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa và các danh hiệu văn hóa ngày càng lan tỏa, đem lại những hiệu ứng tích cực, hình thành nếp sống văn hóa, văn minh ở khu dân cư. Kết quả, toàn huyện đã có 96,3% khu dân cư đạt và giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa, số gia đình văn hóa đạt 92%. Hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa nghệ thuật của nhân dân.

Theo ông Phạm Minh Khánh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Lục, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho lĩnh vực văn hóa; trong đó, nguồn lực xã hội hóa chiếm khoảng 70%. Cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm đầu tư. Tính đến năm 2022, toàn huyện đã đầu tư xây mới 5 nhà văn hóa xã, 2 sân vận động trung tâm xã, xây mới và sửa chữa 10 nhà văn hóa thôn; hoàn thiện lắp đặt nội thất và hệ thống âm thanh cho 8 nhà văn hóa xã và 55 nhà văn hóa thôn, bảo đảm theo đúng tiêu chí trong xây dựng NTM; phấn đấu năm 2023, tiếp tục hoàn thiện việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa trung tâm của xã An Lão và thị trấn Bình Mỹ.

Cùng với việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất văn hóa, các hoạt động văn hóa, thể thao cũng được các địa phương quan tâm tổ chức. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Theo đó, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể thao thường xuyên đạt 32,2%, gia đình tập luyện thể thao thường xuyên đạt 25%. 17/17 xã, thị trấn đã đạt cả 2 tiêu chí về văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển rộng khắp, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Các câu lạc bộ ở các loại hình văn hóa được thành lập ngày càng nhiều, hoạt động của các nhà văn hóa cơ sở được tăng cường. Hiện, toàn huyện đã thành lập được 48 câu lạc bộ hát dân ca, 23 câu lạc bộ thơ và 168 câu lạc bộ thể thao; góp phần tạo điều kiện để nhân dân cùng hưởng thụ và sáng tạo văn hóa…

Những kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa của Bình Lục trong năm qua khẳng định sự quan tâm, đầu tư của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với lĩnh vực văn hóa đã đi đúng và trúng theo định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện. Đó là hiệu quả tất yếu của quá trình chuyển đổi từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ huyện đến cơ sở. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa và lan tỏa những giá trị tích cực của văn hóa trong xây dựng NTM nâng cao, trong khi điều kiện ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, thiết nghĩ, thời gian tới Bình Lục cần có một chiến lược đầu tư “dài hơi”, tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Đồng thời, quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho văn hóa, đặc biệt ở cấp cơ sở, coi đây chính là những hạt nhân nòng cốt trong công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Cần những giải pháp “đòn bẩy”

Theo ông Phạm Minh Khánh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bình Lục, việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, những năm qua đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa tinh thần ngày càng cao của người dân, thiết nghĩ, thời gian tới, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách quan tâm đầu tư xây dựng, tu sửa các thiết chế văn hóa trên cơ sở có lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm. Việc đầu tư xây dựng, tu sửa các thiết chế văn hóa cần bảo đảm tính đồng bộ, hợp lý, phát huy tối đa chức năng của các thiết chế văn hóa và  nhu cầu, nguyện vọng của người dân, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và thực hiện theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, có chính sách thích hợp về đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại các thiết chế văn hóa được thực hiện đồng bộ và bảo đảm các yêu cầu: cán bộ vừa được đào tạo về đạo đức, vừa được đào tạo về chuyên môn, có kỹ năng, tâm huyết với nghề. Đặc biệt, những người làm về công tác văn hóa, văn nghệ thì phải có chuyên môn được đào tạo về ngành văn hóa, văn nghệ hoặc ngành gần với văn hóa để nguồn nhân lực hoạt động tại các thiết chế văn hoá có thể phát huy tốt nhất năng khiếu, sở trường của mình. Trong quá trình đào tạo cán bộ cũng cần có chế độ đãi ngộ hợp lý với nguồn nhân lực làm việc tại các thiết chế văn hóa, bảo đảm nguồn thu nhập cho người lao động yên tâm công tác, cống hiến.

Để các thiết chế văn hóa thực sự là “sợi dây” kết nối cộng đồng
Một tiết mục văn nghệ quần chúng do người dân Thôn 1, xã Bối Cầu (Bình Lục) biểu diễn.

Bên cạnh đó, đa dạng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa như: hoạt động tuyên truyền, cổ động; hoạt động giáo dục; hoạt động văn nghệ quần chúng; hoạt động của các hiệp hội, câu lạc bộ; hoạt động vui chơi, giải trí; hoạt động bảo tồn, lưu giữ các di sản, giá trị văn hóa... Song song với việc đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của thiết chế văn hóa, phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia của quần chúng nhân dân, đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thực hiện phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Công tác xã hội hóa huy động được sự tham gia về sức người, đóng góp về sức của, khơi dậy mọi tiềm năng của mọi tầng lớp nhân dân. Công tác xã hội hóa đặc biệt hiệu quả khi áp dụng trong xây dựng các mô hình văn hóa, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động của các thiết chế văn hóa, hướng các hoạt động tại các thiết chế văn hóa thực hiện đúng mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra; tạo điều kiện nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các thiết chế văn hóa…

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bí thư Huyện ủy Bình Lục Lê Xuân Huy khẳng định: Muốn xây dựng NTM thực chất, hiệu quả, bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, cần phải thực hiện tốt chủ trương, đường lối phát triển văn hóa của Đảng. Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Vì vậy, đầu tư phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các địa phương cần lựa chọn, sử dụng hiệu quả nhất các thiết chế văn hóa truyền thống và thiết chế văn hóa mới. Văn hóa không chỉ là những giá trị, những cái trừu tượng, vô hình, mà còn là hoạt động, sản phẩm cụ thể; là phương thức sinh hoạt, phương thức ứng xử của cá nhân, cộng đồng, gắn liền với hành vi, suy nghĩ, cách ứng phó của con người với môi trường tự nhiên, xã hội. Do vậy, để người dân phát huy và khẳng định vai trò chủ thể của mình trong việc vận hành các thiết chế văn hóa ở cơ sở, trong thực hành, thích nghi và sáng tạo các yếu tố văn hóa mới, cần tạo điều kiện để người dân được tham gia  xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, bước đi xây dựng NTM.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các ngành, các cấp và các tổ chức liên quan, cộng đồng làng xã, cá nhân nhằm tạo sự đồng thuận của cộng đồng, dòng họ, gia đình và các chủ thể văn hóa để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng NTM. Phát huy giá trị của hương ước, quy ước cộng đồng, quy ước NTM nhằm góp phần bồi đắp ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân. Có chính sách đầu tư hợp lý và chính sách bồi dưỡng cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa, nghệ nhân văn hóa dân gian. Xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch nông thôn, chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động không gian sản xuất nông nghiệp với quan điểm phát triển bền vững môi trường sinh thái và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa vùng…

 Nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa hiện nay là một trong những nội dung cần chú ý trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Việc phát huy giá trị văn hóa của các thiết chế văn hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi sự quan tâm của các ngành, các cấp, sự phối hợp, ủng hộ của quần chúng nhân dân. Đã đến lúc, chúng ta cần chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa; từng bước khẳng định vai trò, vị thế của công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế quốc dân và sự phát triển của nền văn hóa giai đoạn hiện nay.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.