Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của các xã trên địa bàn Bình Lục có những chuyển dịch đáng kể. Nhiều mô hình chuyển đổi giống cây trồng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao giá trị trên đồng ruộng. Tại xã Đồng Du, một số hộ dân đã và đang mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, qua đó khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Khu ruộng trồng nho trong nhà lưới theo công nghệ Nhật Bản 2,2 ha của HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du (xã Đồng Du, Bình Lục) đã bước sang năm thứ 3 bắt đầu cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt so với trước đây. Với giống nho chủ lực Hạ Đen (diện tích trồng trên 1,5 ha), quả đạt 0,4 kg/chùm, đủ tiêu chuẩn xuất bán vào hệ thống các siêu thị. Năng suất nho vụ đầu tiên của năm nay dự kiến đạt 12 tấn, tăng gấp 3 lần so với cả năm 2021. Với giá bán bình quân của nho Hạ Đen 150 nghìn đồng/kg, mô hình đạt giá trị sản xuất gần 2 tỷ đồng. Riêng giống nho Mẫu Đơn (có diện tích 0,5 ha), có giá bán lên đến 450 nghìn đồng/kg, vụ này đạt khoảng 3 - 4 tấn. Không những vậy, sau thời gian sản xuất HTX rút kinh nghiệm và áp dụng kỹ thuật cho nho ra gối lứa trong khoảng thời gian 3 tháng. Như vậy, tránh tình trạng nho cho thu quả rộ tập trung, không thuận lợi cho khâu tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với việc đưa cây nho về địa phương, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du còn đưa cây thanh long ruột đỏ vào sản xuất trên diện tích 1,5ha. Hiện cây thanh long cũng bắt đầu vào thời điểm cho quả nhiều, ước đạt 2 tấn/sào. Giá bán quả thanh long ruột đỏ ngay tại vườn hiện ở mức khoảng 20 nghìn đồng/kg. Như vậy, ngay với cây thanh long cũng đang cho thấy hiệu quả vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác.
Được biết, toàn bộ diện tích trồng nho và trồng thanh long đều nằm trên vùng đất bãi ven sông Châu vốn trước đây chủ yếu trồng ngô và một số loại rau màu truyền thống. HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du thuê lại của người dân đầu tư phát triển sản xuất bắt đầu từ năm 2019. Quá trình sản xuất, nho và thanh long của HTX áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap, công nghệ tưới nhỏ giọt tiên tiến…Với hướng chuyển đổi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giống cây trồng mới giúp hình thành mô hình sản xuất cho giá trị kinh tế cao tại địa phương.
Hiện nay, giá trị sản xuất bình quân trên diện tích canh tác tại HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du cao gấp hàng chục lần trước đây. Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du cho biết: Diện tích sản xuất của HTX đang phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng đất bãi địa phương. Chất lượng sản phẩm nho chủ lực được khẳng định qua việc đạt tiêu chuẩn an toàn, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP. Tới đây, HTX sẽ hướng đến áp dụng khoa học- kỹ thuật nâng cao hơn nữa năng suất, hiệu quả của diện tích nho và thanh long, đủ lượng cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng bảo đảm ổn định về đầu ra của sản phẩm, nhằm giúp cho mô hình phát triển bền vững hơn.
Bên cạnh mô hình chuyển đổi trồng nho, thanh long, những năm qua, xã Đồng Du còn thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng hướng đến nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân. Đơn cử, mô hình chuyển đổi trồng hoa hồng sang trồng sen và một số loại cây trồng khác tại HTX An Bài trên diện tích 5ha đang phát huy tốt hiệu quả. Hay mô hình chuyển đổi trồng bưởi diễn, bưởi đào của người dân theo quy mô tập trung lên đến hàng chục ha. Hội Cựu chiến binh xã Đồng Du đang chỉ đạo thực hiện mô hình trồng bưởi gọn vùng đạt tiêu chuẩn an toàn có diện tích 7,5 ha. Tại mô hình có 37 hội viên cựu chiến binh tham gia, chiếm hơn 71% số hộ trồng bưởi trong mô hình. Trong đó, hơn 3 ha trồng giống bưởi đào bản địa chất lượng quả ngon, thu sớm từ đầu tháng 8 có giá bán cao hơn 10 - 20% so với bưởi chính vụ. Giá trị trên diện tích trồng bưởi của xã hiện đang cao gấp 5 lần so với sản xuất cây màu truyền thống trước đây.
Theo ông Nguyễn Văn Cát, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đồng Du, chuyển đổi cây trồng là chủ trương đúng đắn đang được địa phương áp dụng hiệu quả. Việc Hội Cựu chiến binh xã đứng ra chỉ đạo mô hình trồng bưởi nhằm mục đích tạo sức lan tỏa để hội viên, người dân cùng học hỏi, áp dụng. Đây là điển hình của phong trào “Dân vận khéo” trong quá trình tập hợp hội viên cùng tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Với các mô hình chuyển đổi cây trồng, nhất là trên vùng đất bãi ven sông Châu đã tạo nên bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp của Đồng Du. Quan trọng hơn, các mô hình phát triển kinh tế giúp thay đổi tập quán, cách làm manh mún, nhỏ lẻ của người dân. Hiện nay, nhiều hộ có diện tích đất ít, không còn nhu cầu sản xuất đã cho thuê lại ruộng đất để chuyên tâm phát triển ngành nghề, dịch vụ khác có thu nhập cao hơn. Đây là cơ hội để chính quyền địa phương xây dựng được các mô hình tập trung ruộng đất, qua đó tạo thuận lợi cho việc đổi mới cơ cấu giống cây trồng, đưa khoa học - kỹ thuật, cơ giới vào sản xuất. Theo người dân vùng bãi Đồng Du, nếu cứ trông vào sản xuất cây ngô, rau màu, mỗi hộ với diện tích chưa đến 1 sào, hiệu quả đem lại không đáng kể. Cho thuê như hiện nay đất đai được khai thác tốt hơn, nhiều hộ dân chuyển dịch sang làm dịch vụ và các ngành nghề khác phù hợp, hiệu quả hơn.
Có thể thấy, qua thực tế ở Đồng Du, chủ trương chuyển đổi cây trồng đang được cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh. Từ đó hình thành nên các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường. Được biết, xã Đồng Du đang tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân cho HTX Thanh Hà (TP Hà Nội) thuê lại gần 20 ha đất cấy lúa để triển khai xây dựng mô hình trồng rau mầm tập trung theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn gắn du lịch sinh thái, trải nghiệm. Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đồng Du cho biết: Chúng tôi xác định sản xuất nông nghiệp là hướng đi trọng tâm trong phát triển kinh tế địa phương. Do vậy, xã đang từng bước lựa chọn và phát triển các mô hình chuyển đổi nhằm không ngừng nâng cao giá trị, hiệu quả trong sản xuất.
Chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, giá trị kinh tế cao của Đồng Du đã chứng minh hiệu quả. Điều này khẳng định hướng đi đúng mà huyện Bình Lục lựa chọn trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Những mô hình chuyển đổi tại địa phương sẽ tạo diện mạo mới trên đồng ruộng, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Mạnh Hùng