Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, công tác dân số trên địa bàn huyện Bình Lục đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) là một sự kiện truyền thông có ý nghĩa quan trọng được huyện Bình Lục tổ chức hằng năm và được triển khai tại tất cả các xã, thị trấn nhằm giảm mức sinh tại các đơn vị có mức sinh cao, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng dân số và phát triển.
Năm 2024, huyện Bình Lục đã hoàn thành chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt 1, diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5/2024; mỗi xã tổ chức 3-4 vòng chiến dịch. Để thực hiện chiến dịch đạt hiệu quả, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn tham mưu UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch và triển khai phát động chiến dịch; thông báo thời gian, địa điểm tổ chức cung cấp dịch vụ cho các đối tượng đăng ký sử dụng các dịch vụ của chiến dịch.
Đồng thời, chỉ đạo cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số các xã, thị trấn tiến hành rà soát, lập danh sách đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ chưa sử dụng biện pháp tránh thai; tư vấn, vận động đối tượng đăng ký thực hiện dịch vụ KHHGĐ trước, trong và sau chiến dịch; bảo đảm thuốc thiết yếu, trang thiết bị, dụng cụ y tế, phương tiện tránh thai phục vụ chiến dịch đầy đủ và kịp thời.
Tổ chức cấp phát trên 10.000 tờ rơi, tài liệu truyền thông; treo hơn 50 băng zôn, khẩu hiệu tại các nơi tập trung đông dân cư, nơi diễn ra chiến dịch và phối hợp với ngành văn hóa, thông tin huyện tăng cường thời lượng phát sóng tin, bài tuyên truyền về chiến dịch, tầm quan trọng của chăm sóc SKSS/KHHGĐ trước, trong chiến dịch trên hệ thống loa truyền thanh huyện và các xã, thị trấn. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện tại 100% đơn vị triển khai chiến dịch. Kết quả, toàn huyện đã tổ chức hơn 100 buổi nói chuyện chuyên đề SKSS/KHHGĐ; có gần 4.000 người trong độ tuổi sinh sản áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại...
Theo kế hoạch, năm 2024, Bình Lục tổ chức 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; mỗi đợt từ 3-4 vòng chiến dịch/xã; mỗi vòng từ 1- 2 ngày. Trong đó, đợt 2 sẽ diễn ra từ tháng 7 đến hết tháng 10. Việc tổ chức tốt Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân nói chung, của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nói riêng về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời, giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc SKSS/KHHGĐ an toàn, chất lượng.
Theo đánh giá của ông Phạm Văn Quang, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Bình Lục, thời gian qua, công tác dân số nói chung, chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ nói riêng đã đạt được kết quả quan trọng. Hằng năm, huyện đều đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch giao về công tác dân số và phát triển. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, chăm sóc SKSS nói riêng được quan tâm, tăng tỷ lệ bà mẹ mang thai được thực hiện khám thai định kỳ để chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm; việc tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thường xuyên được quan tâm.
Để thực hiện hiệu quả công tác dân số và phát triển, hằng năm, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân huyện ban hành các kế hoạch phối hợp triển khai công tác tuyên truyền về công tác dân số và phát triển, chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, thực hiện các mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”. Đến năm 2023, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của huyện đạt 0,79%, giảm 0,1% so với năm 2022; tỷ suất sinh đạt 14,33‰, giảm 0,12‰ so với năm 2022. Số người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 118,6%; tỷ lệ giới tính khi sinh 117 nam/100 nữ.
Trên địa bàn huyện duy trì thường xuyên hoạt động truyền thông chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại 17/17 xã, thị trấn vào ngày 25 hằng tháng tại trạm y tế, qua đó giúp phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi, trẻ sơ sinh, bảo đảm sức khỏe cho trẻ khi chào đời. Điều này giúp nâng cao và cải thiện chất lượng dân số, cũng như hạn chế hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra cho trẻ, giảm nhẹ gánh nặng cho xã hội.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó, duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3, giúp nhau phát triển kinh tế” 1 lần/tháng tại 17/17 xã, thị trấn và duy trì câu lạc bộ truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại trường THCS các xã Đồng Du, La Sơn, Bối Cầu. Duy trì hoạt động của 30 Câu lạc bộ “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” tại 5 xã An Lão, Hưng Công, Bối Cầu, Bình Nghĩa, Đồng Du; câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại 10 xã, thị trấn; mô hình truyền thông chuyên biệt cho vị thành niên, thanh niên tại các trường: THCS An Lão, THCS An Nội, THCS Bình Nghĩa, THPT Nguyễn Khuyến, THPT Bình Lục B.
Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song thực tế công tác dân số ở Bình Lục vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn ở mức cao; nhận thức của một bộ phận người dân về thực hiện các biện pháp KHHGĐ còn hạn chế. Công tác phối hợp tuyên truyền, triển khai công tác dân số và phát triển tại một số địa phương chưa chặt chẽ; kinh phí hỗ trợ tại một số xã, thị trấn còn thấp, chưa đáp ứng nhiệm vụ công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới…
Xác định nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, huyện Bình Lục tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, tập trung vào chính sách dân số và phát triển. Trong đó, tăng cường các hoạt động nhằm đưa dần mức sinh về mức sinh thay thế, thực hiện Cuộc vận động Mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hãy dừng lại ở 2 con để nuôi dạy con tốt; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở cộng đồng; chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số.
Năm 2024, huyện phấn đấu giảm tỷ số giới tính khi sinh 1,3 điểm phần trăm so với năm 2023; giảm sinh 0,05‰ so với năm 2023; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 30%, tỷ lệ trẻ em sơ sinh được sàng lọc đạt 40%; tổng tỷ suất sinh 2,36 con/phụ nữ.
Hoàng Hải