kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Bình Lục nỗ lực bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, làng có nghề

Bình Lục nỗ lực bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, làng có nghề

Nhiều năm gần đây, cùng với những bất ổn về thị trường, những tác động tiêu cực của dịch bệnh, một số làng nghề ở Bình Lục hiện nay bị suy giảm cả về qui mô hoạt động, hiệu quả kinh tế lẫn sắc thái văn hóa. Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng có nghề có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn ở Bình Lục.

Khi nghề không nuôi nổi người…

Theo báo cáo kết quả hoạt động của các làng nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề năm 2021 của huyện Bình Lục, hiện toàn huyện có 11 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), làng có nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, có 4 làng nghề truyền thống, 5 làng nghề TTCN, 2 làng có nghề với hơn 1.500 lao động. Doanh thu từ làng nghề bình quân mỗi năm đạt khoảng trên 82 tỷ đồng. Mặc dù, theo Quyết định 24/2015/QĐ-UBND ngày 05/10/2015 của UBND tỉnh Hà Nam thì cơ bản các làng nghề của Bình Lục đều bảo đảm các tiêu chí, tuy nhiên, nếu nhìn vào tổng thể bức tranh làng nghề của Bình Lục trong những năm qua có thể thấy rất nhiều gam màu xám. Bởi hầu hết các làng nghề đều có qui mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, trình độ lao động không đồng đều. Việc xây dựng và đăng ký thương hiệu hàng hóa, kiểu dáng sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên rất khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. 

Rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Bình Lục một thời đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường trong nước và quốc tế như: Sản phẩm dũa Đại Phu (An Đổ), sừng mỹ nghệ Đô Hai (An Lão) nay cũng đã bị mai một. Sản phẩm làm ra không tìm kiếm được đầu ra ổn định, chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của các đầu mối thu gom của các tỉnh mang đi hoàn thiện tại Trung Quốc nên thường bị ép giá. Thị trường đầu ra vốn đã khó nay lại càng thu hẹp, trong khi nguyên liệu đầu vào tăng cao, cộng với giá điện, giá xăng dầu liên tục tăng dẫn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm giảm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng. 

Bình quân thu nhập của người lao động ở các làng nghề hiện chỉ dao động từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập thấp nên rất nhiều lao động vì gánh nặng mưu sinh đã phải từ bỏ nghề cha truyền con nối để đi tìm kiếm cơ hội việc làm khác có thu nhập cao hơn. Một số làng nghề vì thế đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” như: Nghề tre đan Gòi Thượng (An Nội), nghề thêu ren Bạch Xa (Đồng Du)… Các làng nghề còn lại như: Dũa Đại Phu (An Đổ), sừng mỹ nghệ Đô Hai (An Lão), chế biến gỗ ở Bói Kênh (An Lão), Cầu Gỗ (Đồng Du) và Thượng Đồng (Trung Lương)… cũng ngày càng thu hẹp cả về qui mô sản xuất lẫn thị trường tiêu thụ sản phẩm. Điều đó, chứng minh khi đời sống vật chất của người dân không được bảo đảm bằng nghề thì việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống là điều rất khó khăn. 

Nỗ lực bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống làng có nghề
Sản phẩm rượu Vọc của Cơ sở Đức Toàn, xã Vũ Bản (Bình Lục). Ảnh: Thu Minh

Đâu sẽ là lời giải cho bài toán làng nghề?

Vẫn biết, văn hóa chính là điều làm nên giá trị khác biệt của các sản phẩm làng nghề truyền thống, là ưu thế cạnh tranh khi hội nhập nhưng nếu sản phẩm không đem lại giá trị kinh tế và thu nhập ổn định cho người lao động thì bài toán làng nghề rất khó tìm thấy lời giải thỏa đáng. 

Điểm qua một số làng nghề tiêu biểu của Bình Lục, có thể thấy, hầu hết các làng nghề truyền thống đều có bề dày lịch sử, có sản phẩm nổi tiếng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, các nghề thủ công đang đứng trước một thách thức rất lớn, khi hàng hóa tiêu dùng do máy móc hiện đại sản xuất ngày càng nhiều, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đa dạng. Bị các sản phẩm công nghiệp lấn át, nhiều làng nghề thủ công truyền thống đã bị thu hẹp cả về qui mô và thị trường tiêu thụ. Cái khó về “đầu ra” cho sản phẩm thủ công truyền thống đã trở thành  “rào cản” trong quá trình phát triển của các làng nghề. 

Trước thực tế trên, để giúp các làng nghề tháo gỡ khó khăn, từ năm 2011 đến nay, nhiều chủ trương, quyết sách của tỉnh, của huyện đã được triển khai, thực hiện. Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2015; Kế hoạch số 588/KH-UBND của UBND tỉnh, Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 19/7/2011 của UBND huyện Bình Lục về củng cố, phát triển các ngành nghề TTCN và làng nghề truyền thống và mới đây là Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030…

Đặc biệt, trong phương hướng nhiệm vụ và những giải pháp cơ bản bảo tồn và phát triển làng nghề năm 2022 và những năm tiếp theo, Bình Lục đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương có làng nghề truyền thống. Trong đó, trọng tâm là xây dựng cơ sở vật chất để bảo đảm chất lượng sản phẩm tham gia chương trình OCOP cho sản phẩm rượu Vọc Long Tửu, rượu hạ thổ Vọc Long, gạo chất lượng cao Bắc thơm số 7 của Công ty TNHH Lương thực Long Vũ, sản phẩm đậu cove, hành dọc của HTX nông sản Cát Lại (Bình Nghĩa).  

Tuy nhiên, để khôi phục và phát triển làng nghề theo hướng bền vững, thời gian tới, huyện Bình Lục sẽ sớm xây dựng qui hoạch tổng thể các làng nghề truyền thống. Quan tâm đầu tư đối với những làng nghề có tiềm năng và có khả năng mở rộng thị trường để nâng vị thế cạnh tranh. Trong đó, tập trung mở rộng làng nghề có thế mạnh như: Nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai (An Lão), dũa An Đổ. Đồng thời, mở rộng các làng nghề chế biến lương thực; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường mở các lớp đào tạo nghề truyền thống và các nghề mới cho các lao động trẻ địa phương để thu hút họ tham gia sản xuất tại các làng nghề trên tinh thần “ ly nông không ly hương”. 

Nỗ lực bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống làng có nghề
Sự phát triển của làng nghề truyền thống, làng có nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn Bình Lục hôm nay. Trong ảnh: Đường về xã An Đổ. Ảnh: Nguyễn Oanh

Về phía các làng nghề cần chủ động, linh hoạt trong tìm kiếm thị trường. Kết hợp sản xuất giữa truyền thống và hiện đại để tạo ra những sản phẩm tinh xảo đặc trưng về chất lượng, phong phú về mẫu mã; quan tâm xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm,... Để không bị lép vế trước những sản phẩm công nghiệp hiện đại, các làng nghề buộc phải thay đổi tư duy cũng như phương thức sản xuất truyền thống nhỏ, lẻ, tăng cường sự liên kết giữa các hộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, nhằm giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và các vấn đề về đào tạo nghề, xử lý ô nhiễm môi trường…

Làng nghề truyền thống chính là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Không chỉ tạo ra các sản phẩm vật chất cho xã hội, làng nghề còn tạo ra linh hồn văn hóa, các giá trị chuẩn mực ứng xử, chuẩn mực giao tiếp; đồng thời, góp phần giáo dục thế hệ trẻ lòng tự tôn với các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống một cách bền vững là một việc làm cần thiết, một hướng đi cần có sự quan tâm, đầu tư thiết thực cả về cơ chế, chính sách và nguồn lực tài chính chứ không chỉ là những giải pháp trên giấy.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy