Bình Lục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Những năm qua, huyện Bình Lục đã phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế về giao thông, vị trí địa lý để thu hút đầu tư, điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp, thúc đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), làng nghề. Theo đó, giá trị sản xuất CN - TTCN trên địa bàn huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được duy trì, phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn. 

Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016-2025, bảo đảm toàn diện, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, thời gian qua, huyện Bình Lục đã tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động, thực hiện điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn để thu hút đầu tư. Huyện mở rộng và lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Trung Lương với diện tích 57 ha và định hướng phát triển thành khu công nghiệp. Thời điểm này, huyện cũng đã hoàn tất thủ tục đề xuất mở rộng Cụm Công nghiệp Bình Lục nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, huyện Bình Lục còn quan tâm triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn có tiềm năng. Cụ thể, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, hộ gia đình tại làng nghề được hưởng các cơ chế ưu đãi về vốn vay, đất đai; đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ, khuyến kích thành lập hợp tác xã tại các làng nghề để các thành viên hỗ trợ nhau trong sản xuất…

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Bình Lục hiện có 258 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, có 17 doanh nghiệp nằm trong các cụm công nghiệp: Bình Lục, Trung Lương, An Mỹ - Đồn Xá. Ngoài ra, toàn huyện còn có khoảng 7.500 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể ở các lĩnh vực, ngành nghề: Cơ khí; may mặc, chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất gỗ; hàng thủ công mỹ nghệ… Huyện cũng duy trì hiệu quả hoạt động của 11 làng nghề truyền thống, làng nghề TTCN, thường xuyên tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động địa phương.

Nhờ đó, lĩnh vực CN - TTCN của huyện phát triển tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Giá trị sản xuất công nghiệp trong 5 năm trở lại đây không ngừng tăng cao (bình quân tăng trên 21%/năm). Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid -19 nhưng giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện vẫn đạt trên 4.360 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện ước đạt 2.665 tỷ đồng, đạt trên 51% kế hoạch năm. 

Bình Lục đẩy mạnh phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp
Sản xuất tại Công ty TNHH Zhong Xin Hoa Sen, Cụm Công nghiệp Bình Lục.

Được biết, để đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, trong những năm qua, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Lục đã tích cực tham mưu với UBND huyện chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, phòng, ban chuyên môn tổ chức hội chợ hàng tiêu dùng; khảo sát quy hoạch làng nghề và làng truyền thống, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh của làng nghề... 

Ông Zhang Hua Di, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Zhong Xin Hoa Sen – doanh nghiệp chuyên sản xuất bút chì xuất khẩu tại Cụm Công nghiệp Bình Lục cho biết: Vào đầu tư tại Cụm Công nghiệp Bình Lục từ năm 2016, công ty luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ và hỗ trợ về nhiều mặt từ cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng của tỉnh, huyện về mặt bằng sản xuất, môi trường, thủ tục đầu tư, hạ tầng kỹ thuật, giới thiệu lao động… Kinh doanh ổn định, ngày càng phát triển, hiện công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động địa phương. Chúng tôi vẫn đang phát triển thị trường rất tốt tại Mỹ với mức doanh thu tăng 20-30%/năm. Tôi rất mong muốn trong thời gian tới Cụm Công nghiệp Bình Lục sẽ được phê duyệt mở rộng để Zhong Xin Hoa Sen có thêm quỹ đất mở rộng quy mô, tăng dây chuyền sản xuất. 

Cũng như Công ty TNHH Zhong Xin Hoa Sen, hầu hết các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Bình Lục đều đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là của UBND huyện trong công tác đào tạo nghề, đáp ứng nguồn nhân lực giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định. Nhìn từ thực tế công tác đào tạo nghề cho thấy, trong những năm gần đây, ngoài các ngành nghề truyền thống, như thêu ren, đan lát, hằng năm huyện Bình Lục đều xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho từng xã trong việc bố trí nguồn ngân sách đào tạo nghề; chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp mở các lớp đào tạo nghề may công nghiệp, điện dân dụng, cơ khí… cho lao động nông thôn nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các làng nghề, doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp… Gắn phát triển CN-TTCN với làng nghề, hằng năm, huyện Bình Lục còn quan tâm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, như: mở hội chợ thương mại, hội chợ về công nghệ để giới thiệu sản phẩm, thương hiệu cho các làng nghề, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Về định hướng phát triển CN-TTCN trên địa bàn, ông Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Lục khẳng định: Tập trung giải phóng mặt bằng các dự án khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông theo quy hoạch tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, phát triển mạnh CN-TTCN là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Theo đó, trong thời gian tới, huyện Bình Lục sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp lớn, dự án đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường, các dự án có công nghệ hiện đại, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đề xuất bổ sung quy hoạch Cụm Công nghiệp Trung Lương vào quy hoạch phát triển KCN tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2025 với diện tích 300 ha, sau năm 2025 sẽ mở rộng với diện tích trên 500 ha; tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm phát huy lợi thế về kết nối giao thông khu vực và liên vùng để thu hút đầu tư vào các cụm, khu công nghiệp; tăng cường các mô hình liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc 10 cam kết của tỉnh đối với các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn… 

Bình Lục phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lấp đầy các cụm, khu công nghiệp đạt 90% trở lên; giá trị sản xuất CN-TTCN tăng bình quân 18,2%/năm; số lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp đạt từ 15.000 lao động trở lên. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong cơ cấu kinh tế của huyện giai đoạn 2020 - 2025 đạt trên 42%.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.