Bình Lục chú trọng đầu tư phát triển thư viện ở các trường tiểu học

Những năm gần đây, trên cơ sở xác định: phát triển văn hóa đọc, tạo thói quen đọc sách trong học sinh là một biện pháp giáo dục tích cực để phát triển toàn diện học sinh, cũng như xây dựng các mô hình trường học thân thiện, trường học hạnh phúc, trường học lấy học sinh làm trung tâm… huyện Bình Lục đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thư viện trong các trường tiểu học trên địa bàn ngày càng hoàn thiện.

Hiện nay, trong 17 trường tiểu học trên địa bàn huyện, 100% thư viện đã hoàn thành xây dựng và được công nhận đạt chuẩn và đạt thư viện tiên tiến; trong đó, số thư viện xuất sắc chiếm tới gần 76,5% và có 15 thư viện thân thiện được xây dựng theo mô hình RtR (Room to Read). Hệ thống thư viện trong các trường tiểu học của huyện được xây dựng bảo đảm, gồm có: thư viện nhà trường, thư viện xanh, thư viện lớp học, thư viện điện tử hoạt động tương đối hiệu quả. Với sự quan tâm đầu tư từ nhiều phía, các thư viện đều bảo đảm đủ diện tích theo quy định của thư viện tiên tiến, thư viện xuất sắc. Theo đó, mỗi thư viện đều có phòng đọc của giáo viên, học sinh; có kho sách, cùng hệ thống thiết bị chuyên dùng trong thư viện để đựng sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa; biểu đồ phát triển kho sách, biểu đồ theo dõi tình hình bạn đọc; có máy vi tính kết nối mạng, quạt điện...

Tại Trường Tiểu học Tràng An, công tác xây dựng thư viện trường học được triển khai đồng bộ cùng với hoàn thiện các điều kiện của trường đạt chuẩn mức độ 2. Thầy giáo Nguyễn Xuân Trường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đến tháng 6/2021, các tiêu chuẩn của thư viện xuất sắc đã được nhà trường nỗ lực thực hiện tốt. Trong đó, nhà trường đã mua sắm và kêu gọi ủng hộ, vận động xã hội hóa để có được số lượng lớn sách, báo, tạp chí, tranh ảnh giáo dục với chủng loại phong phú, đa dạng. Thư viện được xây dựng đồng nhất, đúng quy cách, đầy đủ trang thiết bị; nhà trường tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng tốt thư viện phục vụ cho các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Bình Lục chú trọng đầu tư phát triển thư viện ở các trường tiểu học
Một tiết học thư viện của cô và trò Trường Tiểu học Tràng An (Bình Lục). Ảnh: Hà Trần

Được biết, những năm qua, cùng với quan tâm phát triển thư viện trường học, Trường Tiểu học Tràng An còn đẩy mạnh phát triển tủ sách lớp học, thư viện xanh. Mỗi lớp có một tủ sách thân thiện, huy động học sinh tự nguyện đóng góp và trao đổi các loại sách, báo, tạp chí. Trong khuôn viên sân trường có 2 tủ sách “Thư viện xanh” đáp ứng tốt nhu cầu đọc sách trong các giờ ra chơi của học sinh. Tại thư viện nhà trường, các đầu sách, tài liệu đã cơ bản phục vụ tốt yêu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh. Nhà trường thực hiện có nền nếp quy định tổ chức 1 tiết đọc thư viện luân phiên theo từng tuần cho học sinh các lớp. Cách quản lý, khai thác sách ở thư viện nhà trường cũng được thực hiện bài bản, hoàn toàn trên hệ thống máy tính và bằng công nghệ quét mã vạch. Sách được quản lý thông qua mạng nên việc mượn, trả sách rất chặt chẽ, không có hiện tượng mất sách. Hằng ngày, mặc dù số giáo viên đến thư viện tìm tài liệu và đọc sách khá cao, nhưng việc thống kê lượng sách mượn bằng chép tay trước đây đã được thay thế bằng công nghệ quét mã vạch nên rất nhanh và hiệu quả. Không những thế, nhà trường còn xây dựng được một kho mở trong thư viện để học sinh tự vào quét thẻ đọc và chọn sách theo sở thích, nhu cầu.

Hơn thế, các hoạt động mang tính bề nổi, như tổ chức các hội thi, triển lãm, giới thiệu sách… cũng được nhà trường duy trì tổ chức nhằm tạo cho học sinh một sân chơi bổ ích, giúp các em giao lưu, học hỏi, rèn luyện kỹ năng trong việc chọn lựa và có cách đọc sách hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền, giới thiệu những cuốn sách hay, đưa phong trào đọc sách trở thành một nét đẹp văn hóa, thói quen hằng ngày cho cán bộ, giáo viên và học sinh toàn trường. Việc tổ chức các hoạt động triển lãm, giới thiệu sách được xem là một trong những hoạt động chủ điểm của nhà trường, góp phần xây dựng thư viện nhà trường thành thư viện xuất sắc trong năm học 2020 - 2021.

Bằng việc quan tâm đầu tư, kêu gọi xã hội hóa, thực hiện có nền nếp hoạt động luân chuyển sách, đến nay, trong hệ thống thư viện các trường tiểu học trên địa bàn huyện Bình Lục đã có được khối lượng sách, báo, tạp chí tương đối lớn. Theo thống kê, trong các thư viện ở các trường tiểu học hiện có trên 90.000 đầu sách các loại, như: sách nghiệp vụ, tài liệu tham khảo, sách giáo khoa, cùng gần 32.000 các ấn phẩm báo, tạp chí, tập san… phù hợp và đáp ứng tốt nhu cầu tìm đọc của học sinh cấp tiểu học. Bên cạnh đó, thư viện các nhà trường còn có đầy đủ các loại bản đồ, tranh ảnh giáo dục và băng, đĩa giáo khoa; các văn bản, nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, tài liệu hướng dẫn của ngành phù hợp với cấp học và nghiệp vụ quản lý giáo dục cấp học.

Đối với các loại sách bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, sách nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học và các tài liệu bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ ở thư viện các nhà trường không chỉ đáp ứng đủ chủng loại, mà với mỗi đầu sách nghiệp vụ của giáo viên; đặc biệt, các loại sách hướng dẫn thực hiện chương trình, sách giáo viên, tài liệu giảng dạy đều bảo đảm có đủ cho mỗi giáo viên 1 bản và lưu trữ tại thư viện 4 bản… Hệ thống thư viện phát triển tương đối đồng đều về cả số lượng và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh được đọc sách và duy trì thói quen đọc sách. Không những thế, các nhà trường còn khá tích cực trong việc tổ chức nhiều hoạt động, hình thức vận động học sinh đọc sách, như: phát thẻ đọc cho học sinh được đọc sách tại thư viện nhà trường trong giờ ra chơi; luân chuyển sách từ thư viện nhà trường đến tủ sách các lớp học và thư viện xanh; giao học sinh tự quản các tủ sách, thư viện xanh; thi kể chuyện và đọc thơ trong các buổi sinh hoạt tập thể và sinh hoạt lớp…

Ông Trần Đình Cảnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bình Lục cho biết: Hằng năm, phòng đã chủ động tham mưu UBND huyện trong việc chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trong đó có đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho thư viện các nhà trường; tham mưu UBND huyện đầu tư kinh phí từ 100 - 150 triệu đồng/đơn vị để các nhà trường xây dựng các danh hiệu thư viện tiên tiến và từ 150 - 200 triệu đồng/đơn vị để xây dựng thư viện xuất sắc. Đối với các nhà trường, các chỉ tiêu xây dựng các danh hiệu thư viện được chỉ đạo đưa vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ từng năm học. Trong quá trình xây dựng thư viện trường học theo các mức độ, Phòng GD&ĐT thành lập đoàn kiểm tra, hỗ trợ cụ thể cho các trường.

Để phát triển thư viện, các nhà trường đã thường xuyên bổ sung các loại sách hằng năm theo quy định; duy trì "tủ sách giáo khoa dùng chung" để bảo đảm mỗi học sinh có 1 bộ sách giáo khoa. Đồng thời, tăng cường các hoạt động thư viện; bố trí luân chuyển sách giữa các trường để các giáo viên, học sinh có nhiều đầu sách đọc, tránh nhàm chán. Thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện Bình Lục tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, phối hợp đầu tư để các nhà trường xây dựng thư viện trường học; chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thư viện theo quy định; phấn đấu sớm có 100% trường tiểu học có thư viện xuất sắc.

Thanh Hà 

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.