Ở nông thôn ngày trước (khoảng những năm sáu mươi của thế kỷ XX về trước) cầy, bừa, cuốc, liềm, gầu tát nước ... là những vật dụng hết sức thân thiết, gắn bó chặt chẽ với nỗi vất vả, nhọc nhằn của người nông dân.
Hình ảnh người nông dân sáng sáng vác cầy, vác bừa dong trâu ra đồng; rủ nhau tát nước gầu sòng buổi sáng trăng; kĩu kịt gánh lúa nặng trĩu vai giữa trưa hè nắng đổ; cùng nhau đập lúa đêm đêm ... là hình ảnh rất đỗi quen thuộc, thân thương ở mỗi làng quê.
Đồng ruộng được quy hoạch, các khâu sản xuất được cơ giới hóa, những nông cụ sản xuất xưa chỉ còn trong ký ức, trong chuyện kể của những người làm ruộng thuở trước. Có rất ít gia đình nông dân còn lưu giữ được một vài nông cụ trong gian bếp nhỏ của gia đình như “vật kỷ niệm” về một thời gian khó.
Những nông cụ sản xuất xưa như: Cầy, bừa, gầu tát nước… gác trên gác bếp có ý nghĩa nhắc nhở những thế hệ nông dân thời đại mới về thời kỳ làm ruộng đầy vất vả, cực nhọc của ông bà trước kia. Những nông cụ giúp nông dân nuôi con cháu ăn học trưởng thành, trở thành những bác sĩ, kỹ sư, những người có ích ... góp phần xây dựng, đổi mới quê hương.
Ông Chu Văn Tuân (trái ảnh), nông dân xã Văn Xá (Kim Bảng) vẫn giữ được chiếc gầu sòng tát nước thuở trước.
Chiếc cối đá dùng để đập lúa ngày xưa giờ được người dân sử dụng trồng cây cảnh.
Bao năm qua chiếc bừa được ông Chu Quang Măng, một hộ nông dân ở Kim Bảng cất kỹ trên gác bếp.
Ông Măng miêu tả lại động tác đi cầy xưa
Ông Phạm Văn Cương (áo vàng) nông dân xã Thanh Sơn, Kim Bảng miêu tả cách sử dụng nông cụ sản xuất xưa.
Vợ chồng ông Măng bên chiếc đòn gánh gánh gồng nuôi con ăn học một thời
Phạm Hiền
Phạm Hiền