kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Hai phương án lương tối thiểu vùng 2021

Hai phương án lương tối thiểu vùng 2021

Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 23/6 bàn thảo việc chưa tăng lương tối thiểu vùng hoặc xem xét điều chỉnh tăng 2,5% từ ngày 1/7/2021.

Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia diễn ra tại Quảng Ninh với 15 thành viên của ba bên, gồm đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp VCCI.

Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đề xuất hai phương án lương tối thiểu vùng năm 2021. Phương án một, khuyến nghị thực hiện tiếp mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm sau. Lương tối thiểu vùng vẫn giữ nguyên với mức áp dụng lần lượt cho vùng I là 4,42 triệu đồng, vùng II đạt 3,92 triệu, vùng III với 3,43 triệu và vùng IV là 3,07 triệu đồng.

Phương án hai lùi 6 tháng so với thông lệ hàng năm. Từ 1/7/2021, điều chỉnh tăng 2,5% để duy trì mức sống tối thiểu cho người lao động. Nếu thực hiện phương án này, mức tăng dao động từ 80.000 đến 110.000 đồng, tương ứng từ vùng I đến IV lần lượt là 4,53 triệu; 4,02 triệu; 3,52 triệu và 3,15 triệu đồng.

Hai phương án lương tối thiểu vùng 2021
Máy móc của một công ty gia công hàng may mặc bọc nylon, tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch. Ảnh: Ngọc Thành.

Phiên họp bàn về vấn đề tiền lương diễn ra trong bối cảnh Covid-19 đang tác động sâu sắc đến nền kinh tế. Theo thống kê của Tổng liên đoàn đến hết tháng 5, cả nước có gần 7.000 doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch. Trong đó, 182 đơn vị giải thể, hơn 5.000 cơ sở ngừng việc, gần 1.800 doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm quy mô lao động, chủ yếu thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, dệt may, da giày, giáo dục, hàng không... Tổng cộng hơn 461.000 lao động thuộc khu vực chính thức bị ảnh hưởng trực tiếp việc làm, thu nhập và đời sống.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn cho biết hội đồng chưa quyết việc tăng hay chưa, hoặc tăng ở mức nào. Quyết định sẽ dựa vào việc đánh giá "sức khỏe doanh nghiệp" và trên cơ sở bảo vệ quyền lợi người lao động, nhất là trong bối cảnh đại dịch.

Đại diện VCCI, ông Hoàng Quang Phòng đề xuất chưa tính đến việc tăng lương "để bồi dưỡng sức cho doanh nghiệp có thể vực dậy sau đại dịch". Ông Phòng phân tích, thị trường cung ứng hiện đang đứt gãy do Covid-19 vẫn còn phức tạp ở nhiều nước. Doanh nghiệp trong nước hợp đồng mới chưa có và hợp đồng cũ cũng chưa thực hiện xong, mối lo lớn nhất hiện là duy trì sản xuất và trả lương công nhân. Ông kêu gọi người lao động cùng chia sẻ với doanh nghiệp.

Lắng nghe ý kiến các bên, thành viên hội đồng thống nhất chưa chốt phương án mà sẽ cần đến các phiên thảo luận sau. Năm 2020, lần đầu tiên sau 6 năm thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia, các thành viên đạt được sự đồng thuận ngay trong phiên đàm phán thứ hai, thay vì phải trải qua 3-4 lần họp như những năm trước.

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa luận, trả lương cho người lao động. Mức lương này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.

Hoàng Phương

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy