Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Hemasiri Fernando đã gửi một lá đơn xin từ chức tới Tổng thống Maithripala Sirisena sau khi để xảy ra loạt vụ đánh bom liều chết.
Hiện trường vụ nổ tại nhà thờ St. Anthony ở Kochchikade, Colombo, Sri Lanka, ngày 21/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Hemasiri Fernando đã gửi một lá đơn xin từ chức tới Tổng thống Maithripala Sirisena sau khi để xảy ra loạt vụ đánh bom liều chết nhằm vào 3 khách sạn và 3 nhà thờ trong ngày Lễ Phục sinh 21/4, khiến ít nhất 359 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương.
Theo ông Fernando, với cương vị người đứng đầu lực lượng quốc phòng, ông phải chịu một phần trách nhiệm khi không thể ngăn chặn loạt vụ tấn công đẫm máu này.
Mặc dù vậy, ông Fernando cũng khẳng định các cơ quan an ninh Sri Lanka đã phản ứng nhanh chóng trước các thông tin về nguy cơ xảy ra tấn công trước khi các vụ đánh bom thực sự xảy ra.
Trước đó, Tổng thống Maithripala Sirisena cam kết sẽ tiến hành cơ cấu lại bộ máy an ninh quốc gia, thay thế một số lãnh đạo lực lượng an ninh và quốc phòng nước này vì thất bại trong việc ngăn chặn loạt vụ đánh bom nói trên mặc dù cơ quan an ninh đã có thông tin từ trước.
Hôm 11/4, cảnh sát trưởng Sri Lanka dẫn thông tin tình báo nước ngoài đã đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra các vụ đánh bom liều chết do nhóm Hồi giáo trong nước National Thowheeth Jama'ath (NTJ) tiến hành nhằm vào các nhà thờ nổi tiếng tại nước này.
Tuy nhiên, thông tin này đã không được báo cáo với Thủ tướng Sri Lanka hay các bộ trưởng hàng đầu khác.
Điều này dẫn tới cuộc tranh cãi về việc cơ quan an ninh Sri Lanka đã không có hành động ngặn vụ tấn công mặc dù đã nhận được thông tin cảnh báo trước đó.
Chính phủ Sri Lanka thừa nhận đã có "sai sót" lớn trong việc này. Cho tới nay, giới chức Sri Lanka cáo buộc 2 nhóm Hồi giáo trong nước là NTJ và Jammiyathul Millathu Ibrahim thực hiện loạt vụ tấn công trên.
Tuy nhiên, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận là thủ phạm, dù không đưa ra bằng chứng.
Theo TTXVN
Hải Phong