kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Thảo dược cần tránh khi uống thuốc tiểu đường

Thảo dược cần tránh khi uống thuốc tiểu đường

Có một số loại thảo dược rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường, giúp quản lý lượng đường trong máu hiệu quả. Thế nhưng cũng có một số loại thảo dược cần tránh khi đang sử dụng thuốc tiểu đường kê đơn. Dưới đây là những loại thảo mộc thường được sử dụng có thể gây rủi ro cho thuốc trị tiểu đường.

Thảo dược đắng

Những loại thảo dược đắng được chứng minh giúp hạn chế cảm giác thèm đường, làm dịu khí và đầy hơi, cải thiện tiêu hóa, giúp duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh và cân bằng cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên các chuyên gia chỉ ra rằng, những loại thảo mộc đắng có thể gây rủi ro cho những người mắc bệnh tiểu đường dùng metformin, loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường loại 2, đặc biệt ở những người thừa cân.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mặc dù vị đắng của thảo dược có tác dụng hạ đường huyết, nhưng khi dùng đồng thời với metformin sẽ làm giảm tác dụng hạ đường huyết của metformin. Thảo mộc đắng mà các chuyên gia sức khỏe nhắc đến là lô hội, một thành phần của một số vị đắng nhất định, có thể là nguyên nhân làm giảm hiệu quả của metformin.

Đậu bắp

Thảo dược cần tránh khi uống thuốc tiểu đường
Thảo dược cần tránh khi uống thuốc tiểu đường.

Đậu bắp, có tên khoa học là Abelmoschus esculentus, từ lâu đã được ưa chuộng như một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, nghiên cứu y học cho thấy đậu bắp tăng cường sức khỏe của da, bảo vệ sức khỏe trẻ sơ sinh, ngăn ngừa một số bệnh ung thư và giúp xương chắc khỏe. Nó cũng làm giảm mức cholesterol toàn phần, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và giảm huyết áp.

Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo không nên ăn đậu bắp hoặc uống chiết xuất nước của nó cùng lúc với metformin. Bởi nó có thể làm giảm khả năng hấp thụ thuốc theo toa này của bệnh nhân tiểu đường, do đó làm giảm hiệu quả kiểm soát lượng đường trong máu.

Lá xoài

Lá xoài - đặc biệt là chiết xuất của chúng - đã được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn và tiểu đường trong thời gian qua. Chúng có tác dụng cải thiện sản xuất insulin và phân phối glucose. Đồng thời cũng làm giảm cholesterol xấu. Tuy nhiên, lá xoài có khả năng tương tác với hầu hết các loại thuốc theo toa để kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh tiểu đường.

Chùm ngây

Thảo dược cần tránh khi uống thuốc tiểu đường
Rau chùm ngây không nên sử dụng khi đang dùng thuốc tiểu đường.

Chùm ngây đã được sử dụng nhiều để điều trị và ngăn ngừa các bệnh như tiểu đường, bệnh tim, thiếu máu, viêm khớp, bệnh gan và các vấn đề về hô hấp, da và tiêu hóa.

Chùm ngây có thể làm giảm lượng đường trong máu giống như thuốc trị tiểu đường. Nhưng dùng chùm ngây cùng với thuốc trị tiểu đường có thể khiến lượng đường trong máu xuống quá thấp. Vì vậy, liều lượng thuốc trị tiểu đường có thể cần phải được thay đổi.

Các nhà nghiên cứu trên cũng đã chỉ ra rằng việc sử dụng đồng thời rau chùm ngây với các loại thuốc theo toa như Sitagliptin có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu với hậu quả tiêu cực là bệnh võng mạc tiểu đường.

Gừng

Gừng được sử dụng rất nhiều trong các phương thuốc chữa buồn nôn, say tàu xe, đau bụng kinh và đau khớp liên quan đến viêm xương khớp. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gừng tươi bảo vệ chống ung thư. Gừng còn đóng vai trò quan trọng giúp làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên khi dùng chung gừng với với metformin hoặc các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường khác dẫn đến hạ đường huyết đe dọa tính mạng.

Hạ đường huyết rất nguy hiểm vì người bệnh có thể ngất xỉu và tử vong nếu không được trợ giúp y tế khẩn cấp. Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm run rẩy, đổ mồ hôi, đói, khó suy nghĩ rõ ràng, chóng mặt, khó nói chuyện hoặc mất ý thức.

Cây Neem (Xoan Ấn Độ)

Nghiên cứu cho thấy chất chiết xuất từ ​​​​cây neem làm giảm mảng bám hoặc viêm nướu, bảo vệ chống lại côn trùng cắn, điều trị bệnh sốt rét và bệnh tiểu đường.

Chuyên gia cho biết rằng, nếu dùng thuốc trị tiểu đường (bao gồm cả thuốc uống trị tiểu đường và insulin) kết hợp với neem, tương tác thuốc có thể xảy ra. Những tương tác này có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.

Nghiên cứu năm 2015 cho thấy, việc sử dụng đồng thời chiết xuất lá neem với hai loại thuốc trị tiểu đường (glibenclamide và glimepiride) có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị, đặc biệt là khi sử dụng thảo mộc kéo dài sẽ làm giảm sự an toàn của bệnh nhân.

Theo các chuyên gia sức khỏe, một số chất bổ sung và thảo mộc có thể làm giảm lượng đường trong máu và làm cho nó giảm xuống quá thấp khi dùng cùng với metformin. Các loại thảo mộc và chất bổ sung trong danh mục này bao gồm nhân sâm, magiê, lô hội, mướp đắng, việt quất đen, bồ công anh, cỏ cà ri, tỏi, dây thìa canh, axit lipoic và carmitine.

Theo vov.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy