Lợi và hại khi cho trẻ dùng núm vú giả

Nhiều phụ huynh cho trẻ ngậm núm vú giả vì một số lợi ích, tuy nhiên việc này cũng mang lại nhiều tác hại đối với trẻ trong phát triển răng miệng, gây nhiễm trùng.

Đối với trẻ mới bú mẹ, sự khác biệt giữa vú mẹ và núm vú giả làm trẻ khó chịu khi bú, thậm chí bỏ bú. Nhiều phụ huynh quan ngại việc sử dụng núm vú giả ở trẻ sơ sinh dẫn đến việc cai sữa sớm. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng núm vú giả không ảnh hưởng đến thời gian bú mẹ cho đến khi trẻ được 4 tháng tuổi. Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo cha mẹ nên bắt đầu cho trẻ dùng núm vú giả sau khi bé bú sữa mẹ tốt, thường là khoảng 3 đến 4 tuần tuổi.

Cha mẹ hiểu rõ con mình nhất nên cùng nhau xác định xem việc sử dụng núm vú giả có phù hợp với bé hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định.

AAP khuyến nghị nên cho trẻ ngậm núm vú giả vào giờ ngủ trưa và trước khi đi ngủ, giúp bảo vệ bé khỏi hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Nhiều trẻ có nhu cầu bú ngay cả khi không đói, núm vú giả sẽ đáp ứng mong muốn bú không bổ sung dinh dưỡng này. Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị đau bụng, đang tiêm vaccine, bị thương, ốm có thể được xoa dịu bằng cách sử dụng núm vú giả.

Một nghiên cứu cho thấy việc cho trẻ sơ sinh ngậm núm vú giả giúp trẻ bú thành công nhanh hơn. Núm vú giả là một công cụ giúp cha mẹ có thời gian nghỉ ngơi khi chăm sóc trẻ. Núm vú giả cũng hữu ích trong quá trình di chuyển trên máy bay vì mút làm giảm áp lực trong tai giữa.

Lợi và hại khi cho trẻ dùng núm vú giả
Cho trẻ ngậm núm vú giả vào đúng thời điểm là chìa khóa để tránh biến chứng khi cho con bú. Ảnh: Freepik

Tuy nhiên, cho trẻ ngậm núm vú giả quá sớm có thể cản trở khả năng ngậm, bú của trẻ, điều này dẫn đến các vấn đề cho con bú như đau đầu vú, căng sữa, tắc ống dẫn sữa, áp xe vú. Nếu núm vú giả được sử dụng để thay thế cho các cữ bú, nguồn sữa của mẹ sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến giảm cân ở trẻ.

AAP khuyến cáo cha mẹ hạn chế hoặc loại bỏ núm vú giả sau khi trẻ 6 tháng tuổi bởi có khả năng gây nhiễm trùng tai. Núm vú giả thường rơi ra khỏi miệng trẻ sơ sinh, rất dễ trở thành đường dẫn vi trùng nếu không được vệ sinh và khử trùng thường xuyên.

Một số cha mẹ cho rằng núm vú giả là không cần thiết vì trẻ sơ sinh không sử dụng núm vú giả thường tìm cách khác để tự xoa dịu mình như mút tay. Việc lạm dụng núm vú giả vào ban ngày có thể khiến trẻ không bú đủ sữa vào các cữ bú, điều này khiến trẻ thức giấc nhiều hơn vào ban đêm để ăn. Sử dụng núm vú giả thường xuyên ảnh hưởng đến sự phát triển răng miệng của trẻ, đặc biệt là khớp cắn hở trước, khớp cắn chéo sau.

Núm vú giả có thể gây ra một số nguy cơ như nghẹt thở, vì vậy cha mẹ phải ghi nhớ các nguyên tắc an toàn sau: vệ sinh núm vú giả của trẻ hàng ngày để ngăn ngừa tưa miệng, nhiễm trùng do vi khuẩn; không treo núm vú giả quanh cổ bé hoặc sử dụng bất kỳ loại dây, ruy băng nào để buộc núm vào nôi, ghế ô tô, xe đẩy, ghế dành cho trẻ sơ sinh, em bé có thể bị siết cổ; không sử dụng núm vú từ bình sữa như một núm vú giả, không an toàn, khiến bé bị sặc; tránh núm vú giả bằng cao su nếu trẻ bị dị ứng với cao su; thường xuyên kiểm tra núm vú giả để thay thế chúng khi bị đổi màu, vỡ hoặc hư hỏng.

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy