Làm gì để phòng ngừa suy giảm trí nhớ?

Sử dụng thuốc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, lối sống, bổ sung dược liệu tăng cường tuần hoàn máu não giúp phòng và hạn chế suy giảm trí nhớ.

Suy giảm trí nhớ là hiện tượng não bộ suy giảm chức năng, khiến quá trình vận chuyển những thông tin và trí nhớ về vỏ não bị ngưng trệ. Bệnh còn được gọi là sa sút trí tuệ, hay suy giảm nhận thức.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy khoảng 55 triệu người mắc chứng suy giảm trí nhớ trên toàn cầu, với khoảng 10 triệu trường hợp mới được báo cáo mỗi năm. Số người được chẩn đoán mắc bệnh này ngày càng tăng, một phần là do tuổi thọ ngày càng cao.

Theo Healthline, suy giảm trí nhớ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và cuộc sống. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Suy giảm trí nhớ có thể gây ra các triệu chứng gồm:

Hay quên: Các vấn đề liên quan đến trí nhớ như quên tên, địa điểm hoặc cuộc trò chuyện, quên đồ đạc đã để ở đâu.

Trí nhớ ngắn hạn mất hiệu lực: Ví dụ có thể nhớ những sự kiện của 15 năm trước nhưng lại không thể nhớ đã ăn gì vào bữa trưa.

Suy giảm nhận thức: Nói và viết khó khăn hơn. Có thể lặp đi lặp lại một câu hỏi, một công việc hoặc một câu chuyện nhiều lần. Khó theo dõi câu chuyện hoặc nhận dạng một ai đó.

Khó xác định phương hướng: Không nhớ nơi để đồ đạc hay những nơi từng biết rõ giờ cảm thấy xa lạ, không nhớ. Có thể đi lạc hoặc đi lặp lại nơi từng đến, hoang mang không nhớ rõ người thân.

Thay đổi tâm trạng: Trầm cảm, lo lắng, thất vọng hoặc trở nên hay tức giận, cáu kỉnh, mất hứng thú với sở thích hoặc điều đã từng yêu thích.

Khó khăn hoàn thành công việc: Khó nhớ lại cách thực hiện những công việc đang làm, đã làm quen thuộc trong nhiều năm.

Ở giai đoạn cuối khi sa sút trí tuệ nghiêm trọng, người bệnh có thể phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác chăm sóc. Người bệnh không có khả năng giao tiếp, không thể duy trì các chức năng và hoạt động bình thường của cơ thể, từ đó tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác như hoại tử, nhiễm trùng.

Làm gì để phòng ngừa suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống. Ảnh: Freepik.

Thiếu máu lên não gây suy giảm trí nhớ

Thiếu máu lên não, lưu thông máu kém là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng suy giảm trí nhớ. Thiếu máu lên não là tình trạng giảm tuần hoàn máu lên não, dẫn tới giảm cung cấp oxy và dưỡng chất cần thiết cho các hoạt động của não bộ. Từ đó, tế bào thần kinh thiếu năng lượng, ảnh hưởng tới cấu trúc và chức năng của một phần hoặc nhiều phần trên não gây nên nhiều biến chứng, trong đó có suy giảm trí nhớ.

Khi bị suy giảm trí nhớ do thiếu máu não, người bệnh thường cảm thấy thiếu sức lực, mệt mỏi, mất khả năng tập trung, chú ý kém khiến hiệu quả làm việc, học tập giảm sút. Điều này làm cho chất lượng cuộc sống giảm theo. Nếu suy giảm trí nhớ không được kiểm soát có thể dẫn đến sa sút trí tuệ nghiêm trọng. Khi đã sa sút trí tuệ, các tế bào não tổn thương và không còn khả năng phục hồi (teo não, chết não), người bệnh sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc vì mất trí nhớ, não không có khả năng điều khiển chức năng cơ thể.

Ngoài ra, tình trạng suy giảm trí nhớ cũng có thể do các gốc tự do trong quá trình chuyển hóa tấn công não gây nên, hoặc do một số bệnh như Alzheimer, Parkinson. Suy giảm trí nhớ còn do các nguyên nhân khác như: trầm cảm và căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, thiếu hụt dinh dưỡng, công việc quá tải, tuổi tác.

Phòng ngừa suy giảm trí nhớ

Trong nhiều thập kỷ, các bác sĩ và nhà nghiên cứu tin rằng chứng suy giảm trí nhớ khó chữa khỏi, nhất là khi tuổi tác càng cao. Tuy nhiên, có thể làm chậm và giảm các triệu chứng của suy giảm trí nhớ bằng 2 phương pháp là dùng thuốc và không dùng thuốc.

Phương pháp điều trị bằng thuốc: Hai loại thuốc chính được sử dụng để điều trị các triệu chứng của suy giảm trí nhớ là thuốc ức chế men cholinesterase và chất tạo màng. Thuốc ức chế men cholinesterase có tác dụng làm tăng acetylcholin, một chất giúp hình thành ký ức và cải thiện khả năng phán đoán. Còn chất tạo màng giúp trì hoãn việc xảy ra tình trạng sa sút trí tuệ. Hai thuốc này có thể được kê đơn cùng nhau song có thể thể gây ra tác dụng phụ.

Phương pháp điều trị không dùng thuốc: Theo các nghiên cứu ở Anh và Mỹ, hơn 1/3 các trường hợp suy giảm trí nhớ là kết quả của lối sống thiếu lành mạnh như hút thuốc, uống rượu, không hoạt động thể chất, thức khuya, ăn uống không kiểm soát... Do đó để phòng ngừa suy giảm trí nhớ, người bệnh được khuyến cáo áp dụng các liệu pháp không dùng thuốc dưới đây:

Tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên, giúp thúc đẩy hệ tuần hoàn, hô hấp, tăng cường oxy và dinh dưỡng cho não bộ.

Hạn chế căng thẳng, áp lực công việc, có thể thiền hay yoga để cải thiện tâm trạng. Các hoạt động nhẹ nhàng này giúp lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể, máu nuôi não bộ và giúp hệ thần kinh hoạt động tốt hơn.

Áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế thực phẩm nhiều carbohydrate (tinh bột và đường), rượu bia, thuốc lá, đồ uống có ga. Tăng tiêu thụ thực phẩm lành mạnh và giàu dinh dưỡng cho bộ não như cá biển (giàu axit béo omega -3), thực phẩm giàu vitamin nhóm B (nấm, sữa, ngũ cốc), trứng gia cầm...

Rèn luyện trí nhớ bằng các trò chơi trí tuệ 15-30 phút mỗi ngày thay vì sử dụng quá nhiều thời gian vào thiết bị điện tử, mạng xã hội.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyên Trưởng khoa Nội, Viện Y học cổ truyền Trung ương, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên suy giảm trí nhớ là thiếu máu lên não. Do đó, để phòng ngừa sớm bệnh này, mọi người cũng nên kết hợp sử dụng các sản phẩm thảo dược hỗ trợ điều trị thiếu máu não, tăng cường tuần hoàn máu não.

Sản phẩm nên đáp ứng được 3 nguyên tắc chính trong hỗ trợ cải thiện thiếu máu não gồm: tăng cường lưu thông máu, cải thiện tuần hoàn máu não, làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Khi đáp ứng được 3 nguyên tắc này, người bệnh có thể chậm hoặc rất lâu mới phải đối mặt với suy giảm trí nhớ.

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy