Đàn ông bị tiểu đường có thể hỏng DNA dẫn đến giảm số lượng tinh trùng; phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Bác sĩ Wangnoo, Khoa Nội tiết Bệnh viện Indraprastha Apollo, Ấn Độ, cho biết bệnh tiểu đường có thể gây vô sinh ở cả nam và nữ.
Vô sinh ảnh hưởng đến 15% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản trên toàn thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ vô sinh nguyên phát ở Ấn Độ gần 4 đến 17%.
Ảnh minh họa.
Bệnh tiểu đường ở nam giới làm hỏng DNA tinh trùng dẫn đến giảm số lượng và khả năng vận động, gây vô sinh. Mắc bệnh tiểu đường không nhất thiết khiến đàn ông vô sinh, nhưng nó có thể làm giảm khả năng sinh sản, ông Roopak Wadhwa, chuyên gia tư vấn tại Bệnh viện Fortis, New Delhi, cho biết.
Bệnh tiểu đường ở phụ nữ có liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và các bệnh tự miễn khác có thể dẫn đến vô sinh. Bệnh lý này gây ra sự thiếu kiểm soát glucose trong cơ thể, làm cho quá trình cấy trứng có khả năng thụ thai vào tử cung trở nên khó khăn. Do đó, khả năng sảy thai ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường tăng 30-60%, theo The Health Site.
Một báo cáo khác của WHO cho hay, Ấn Độ có 69 triệu người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2015. Đến năm 2030, dự báo gần 98 triệu người Ấn Độ mắc tiểu đường tuýp 2, theo một nghiên cứu được công bố trên Lancet Dzheim and Endocrinology năm 2018.
Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ truyền bệnh cho trẻ xấp xỉ 50%, Wangnoo nói. Chuyên gia này lưu ý các bà mẹ mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ sinh non, phá thai, dị tật bẩm sinh và biến chứng chu sinh (trong khi sinh) rất cao.
Bệnh tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và phổi, viêm khớp, loãng xương. Ước tính 3,4 triệu ca tử vong do lượng đường trong máu cao, theo WHO.
Theo VnExpress
Hải Phong