kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Những người không nên ăn gừng

Những người không nên ăn gừng

Gừng giúp giảm vị tanh, tăng hương vị món ăn. Tuy vậy, một số người không nên dùng gừng tươi vì nguy cơ có hại cho cơ thể.

Củ gừng có kỵ với những món ăn hay người mắc bệnh gì hay không? (Thu Hà, 45 tuổi, Đồng Nai)

Theo tư vấn của Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM:

Từ xưa đến nay, gừng là một nguyên liệu quan trọng và được sử dụng rộng rãi trong Đông y để điều trị một số vấn đề về sức khỏe. Gừng được sử dụng dưới 2 dạng là gừng tươi (sinh khương) và gừng khô (can khương).

Gừng tươi có vị cay, tính hơi ôn, hướng vào ba kinh phế, tỳ và vị; có công dụng phát biểu tán hàn, ôn trung, tiêu đờm, hành thủy giải độc. Do những tác dụng này, gừng tươi làm giảm các triệu chứng phong hàn cảm cúm. Khi tiết trời dần chuyển lạnh, có thể lấy vài lát gừng giã nát lấy nước uống, hoặc thả vào trà ấm để tán hàn giảm ho.

Trong một số nghiên cứu, gừng tươi chứa chất gingerol có tác dụng kích thích niêm mạc ruột, tăng sự thèm ăn. Gừng làm dịu cơn nôn hoặc buồn nôn rất hiệu quả cho người say tàu xe.

Trong ẩm thực, loại củ này là một nguyên liệu quan trọng và phổ biến, giúp khử mùi tanh, cho món ăn thêm hấp dẫn và tạo cảm giác nóng ấm. Lưu ý, một số trường hợp sau không nên sử dụng gừng tươi:

Những người không nên ăn gừng
Gừng tươi giúp giảm nôn ói, giảm ho, khử mùi tanh. Ảnh minh hoạ: Pixabay.

- Không nên ăn gừng trong thời gian dài đối với những người âm hư hỏa vượng, nóng bứt rứt bên trong cơ thể như bị bệnh mụn nhọt, viêm phổi, phù thũng phổi, hạch phổi, viêm dạ dày.

- Tuyệt đối không dùng gừng với những trường hợp cảm mạo thử nhiệt, cảm mạo phong nhiệt hoặc bị trúng nắng.

- Không nên ăn gừng tươi đã bị dập, nấm mốc. Khi đó, gừng có thể sinh ra một số độc tố mạnh, nguy cơ gây hoại tử các tế bào gan.

- Không nên kết hợp gừng với thịt thỏ vì sẽ làm giảm đi giá trị dinh dưỡng.

Một số món ăn, thành phần có thể kết hợp với gừng tươi như:

Nước mía: hỗ trợ làm dịu cơn nôn do dạ dày yếu.

Mật ong: tăng cường kháng khuẩn, tăng sức đề kháng với bệnh cảm cúm.

Sữa: làm ấm cơ thể, giúp dễ ngủ.

Thịt vịt: vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn, nên ăn kèm với gừng có tính nóng giúp cân bằng hàn nhiệt, ngăn ngừa chứng đầy bụng, tiêu chảy, lại khử mùi tanh hiệu quả.

Hải sản: Hải sản vốn có tính hàn, dễ bị lạnh bụng, kết hợp với các gia vị tính ấm nóng như gừng, ớt, sả sẽ giúp cân bằng hàn nhiệt, diệt khuẩn, bảo vệ cơ thể.

Thịt bò: Thịt bò kết hợp với gừng có khả năng khử mùi tanh tốt và kích thích vị giác, tuy nhiên có thể gây nóng trong người.

Theo vietnamnet.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy