58% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm, cứ 3 bé thì có một bị thiếu sắt là hai vi chất quan trọng giúp cơ thể tăng trưởng và củng cố hệ miễn dịch, theo điều tra toàn quốc của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Đây là kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2019-2020, được công bố cuối tuần qua tại hội thảo Xu hướng bổ sung vi chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe. Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP HCM, kết quả này cho thấy trẻ em Việt Nam đang đối mặt với thách thức thiếu vi chất kẽm, sắt.
"Trẻ thiếu vi chất khiến hệ miễn dịch suy yếu dần, ảnh hưởng tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở quá trình tăng trưởng và phát triển toàn diện", bà Diệp nói và thêm rằng thiếu vi chất còn được gọi là "nạn đói tiềm ẩn", gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ.
Kẽm và sắt là hai vi chất rất quan trọng với cơ thể, thường đi đôi nhau (thiếu kẽm thì thiếu sắt và ngược lại). Kẽm tham gia vào hoạt động của các enzym, phân chia tế bào và phát triển cơ thể, chức năng miễn dịch, điều hòa vi giác, tạo cảm giác ngon miệng. Như vậy, kẽm góp phần rất lớn trong phát triển chiều cao con người và tăng cường miễn dịch. Còn sắt tham gia vào quá trình sản sinh ra các tế bào miễn dịch Lympho T, giúp cơ thể chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn. Bởi vậy, khi trẻ thiếu sắt thì nguy cơ cao hệ miễn dịch bị suy giảm. Thiếu sắt cũng gây thiếu máu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa những vùng có tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi trên 20% được coi do thiếu kẽm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng.
Tại Việt Nam, Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc được tiến hành thường kỳ 10 năm một lần. Cuộc Tổng điều tra năm 2019-2020 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở phạm vi quốc gia, với 22.400 hộ gia đình tại 25 tỉnh thành, đại diện cho 6 vùng sinh thái. Kết quả điều tra lần này cho thấy đến 58% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm, được các chuyên gia đánh giá là "tỷ lệ đặc biệt rất cao".
Tổng điều tra Dinh dưỡng 10 năm trước đó không đưa kẽm vào danh mục vi chất cần khảo sát nên khó so sánh đồng bộ về tỷ lệ trẻ thiếu kẽm. Năm 2015, Viện Dinh dưỡng Quốc gia điều tra vi chất dinh dưỡng của trẻ nhỏ tại 9 tỉnh thành lớn, là cuộc khảo sát lớn đầu tiên về tình trạng kẽm ở trẻ nhưng quy mô nhỏ hơn tổng điều tra cả nước, kết quả 69% trẻ khu vực này bị thiếu kẽm.
Như vậy, so với năm 2015, tình trạng thiếu kẽm ở trẻ đã giảm 11%, song vẫn ở mức cao theo tiêu chuẩn của WHO. Các chuyên gia cho rằng hiện chưa đạt được mục tiêu đặt ra về cải thiện tình trạng vi chất trẻ em. Theo Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ 6-59 tháng tuổi cần giảm xuống dưới 50% vào năm 2025 và dưới 40% vào năm 2030.
PGS. TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội, nói rằng dinh dưỡng là chìa khóa quan trọng đối nền tảng sức khỏe nói chung và sức khỏe miễn dịch nói riêng. Can thiệp dinh dưỡng phải áp dụng cả vòng đời một con người, chứ không phải đợi đến khi mắc bệnh mới quan tâm dinh dưỡng và bổ sung là không kịp thời.
Các chuyên gia khuyến cáo cần xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ ngay từ khi mới ra đời chứ không nên đến khi có nguy cơ mắc các rối loạn dinh dưỡng mới quan tâm. "Bổ sung kẽm và sắt mỗi ngày để nâng cao hệ miễn dịch và giúp trẻ phát triển toàn diện cũng là xu hướng của toàn cầu", bác sĩ Diệp nói.
Từ những năm 80, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã triển khai chương trình phòng chống thiếu máu, thiếu sắt. Nhờ đó, tỷ lệ thiếu sắt ở trẻ em giảm, song vẫn ở mức cao. Hiện tại vẫn chưa có chương trình nào về phòng chống thiếu kẽm. Vì vậy, theo các chuyên gia, cần tăng cường truyền thông về việc bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là sắt và kẽm.
Kẽm có đặc điểm là không dự trữ trong cơ thể, có đời sống sinh học ngắn (12,5 ngày) trong các cơ quan nội tạng, nên dễ bị thiếu nếu khẩu phần cung cấp không đủ. Do đó các chuyên gia khuyên người nhà nên tăng cường thực phẩm giàu kẽm và sắt cho trẻ trong bữa ăn hàng ngày, như thịt bò, thịt heo, lòng đỏ trứng, hàu, đậu đỗ, các loại rau có lá màu xanh đậm... để đảm bảo nhu cầu.
Theo Vnexpress.net