Bữa ăn không đảm bảo năng lượng, ít vận động, mắc bệnh liên quan… có thể khiến bạn ăn nhiều nhưng vẫn không tăng cân.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết có rất nhiều người đến phòng khám thắc mắc tại sao bạn bè, người thân của họ "chỉ hít khí trời cũng mập", còn bản thân "ăn cả thế giới" nhưng không lên cân. Theo chuyên gia, nhiều nguyên nhân khiến một người ăn nhiều nhưng không tăng cân như sau:
Bữa ăn không đảm bảo năng lượng, dinh dưỡng: Đây là nguyên nhân phổ biến, nhiều người ăn nhiều nhưng chủ yếu là các thực phẩm giàu chất xơ hay các dưỡng chất khác, thiếu năng lượng từ chất bột đường, chất béo, chất ngọt... Điều này dẫn đến số lượng thức ăn mỗi bữa tuy nhiều nhưng năng lượng cho cơ thể không đảm bảo. Khi đó, cơ thể tự động chuyển sang sử dụng lượng glucose dự trữ trong gan, cơ bắp hoặc chuyển hóa các tế bào mỡ, protein thành năng lượng để sử dụng. Nếu quá trình sử dụng năng lượng dự trữ xảy ra trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể gầy ốm, giảm khả năng miễn dịch, sức chịu đựng kém.
Thói quen ăn uống thất thường: Điều này biểu hiện qua việc bạn thường xuyên bỏ bữa (đặc biệt là bữa sáng), ăn quá nhiều trong một bữa khiến hệ tiêu hóa bị quá tải, gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể. Thói quen ăn đêm khiến chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng bởi cảm giác đầy bụng, khó chịu. Chế độ ăn uống thất thường cũng sẽ làm chênh lệch nồng độ đường huyết, các thành phần dinh dưỡng khác trong cơ thể, ở những thời điểm khác nhau. Khi bị đói, cơ thể sẽ sử dụng nguồn glucose, mỡ và protein dự trữ. Khi ăn quá no, năng lượng dư thừa có xu hướng chuyển thành mỡ xấu trong cơ thể.
Mắc các vấn đề bệnh lý nguy hiểm: Một số bệnh lý có thể làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể, dẫn đến ăn nhiều nhưng không tăng cân. Theo đó, bác sĩ Tùng khuyến cáo, nếu một người có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, chia đều chúng trong các bữa ăn hàng ngày nhưng cân nặng vẫn không cải thiện thì nên lưu ý đi khám vì có thể đang mắc một trong các bệnh lý như bệnh cường giáp, đái tháo đường, viêm ruột, rối loạn ăn uống...
Khó chuyển hóa năng lượng thành cân nặng: Người có "cơ địa" gầy thường có tốc độ chuyển hóa năng lượng thành cân nặng chậm hơn người bình thường, dẫn đến khó tăng cân hơn.
Quá trình chuyển hóa năng lượng cao: Nếu người bình thường tiêu hao từ 1300-1500 kcal mỗi ngày thì người gầy khó tăng cân sẽ tiêu hao 1.600-1.800 kcal/ngày, mặc dù sinh hoạt giống nhau. Theo đó, người gầy có mức chuyển hóa năng lượng cho các hoạt động hàng ngày cao hơn sẽ khó tăng cân hơn. Dấu hiệu dễ nhận biết là da ấm nóng, tim đập nhanh...
Lười vận động: Nhiều người cho rằng hạn chế vận động sẽ làm giảm tiêu hao năng lượng từ đó giúp tăng cân nhanh hơn. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm. Luyện tập thể dục thể thao sẽ kích thích và điều hòa quá trình chuyển hóa, hấp thu chất dinh dưỡng tốt, tăng sự dẻo dai, khối lượng cơ bắp của cơ thể.
Uống thuốc gây ảnh hưởng hệ vi sinh đường ruột: Một số loại thuốc, đặc biệt là các loại kháng sinh điều trị bệnh có thể gây tác động xấu đến hệ vi sinh đường ruột. Hậu quả là gây chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy cũng như hạn chế sự hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn, ảnh hưởng đến cân nặng. Việc lạm dụng thuốc tăng cân không có chỉ định của bác sĩ cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, đau bụng hoặc tiêu chảy do đó ảnh hưởng cân nặng) khiến cơ thể giữ nước, tích tụ mỡ thừa, rối loạn nhịp tim hoặc hen suyễn, phát ban, thậm chí sốc phản vệ khi dị ứng với thành phần của thuốc.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, tình trạng ăn nhiều nhưng không tăng cân còn có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân khác như: thói quen ăn uống chưa phù hợp, bỏ ăn sáng, bỏ bữa, uống ít nước, tập luyện quá sức, nhiễm ký sinh trùng giun sán, sử dụng chất kích thích, các đồ uống có cồn, thiếu ngủ,...
Nếu muốn tăng cân, tránh tình trạng ăn nhiều vẫn không tăng cân, theo bác sĩ Tùng, cách tốt nhất là nên đi khám dinh dưỡng để xác định nguyên nhân, đưa ra giải pháp tăng cân, duy trì cân nặng hiệu quả, an toàn. Cùng với đó, bạn có thể áp dụng các lưu ý giúp hỗ trợ quá trình lên cân hiệu quả hơn. Bạn ăn uống đủ lượng, chất. Để tăng cân hiệu quả, bạn cần ăn nhiều hơn nhu cầu năng lượng cơ thể cần hàng ngày khoảng 500 calo mỗi ngày. Với cách này, nếu áp dụng tốt bạn có thể tăng thêm 0,5kg mỗi tuần.
Mỗi người cần lưu ý, ngoài tăng cường nạp vào cơ thể các loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng, năng lượng, bạn nên tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm, đồ ăn nhiều chất béo bão hòa, thiếu các yếu tố vi lượng như các loại thức ăn nhanh, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ... Những thực phẩm này có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa như tăng huyết áp, đái tháo đường.
Nếu muốn tăng cân, bạn cần thay đổi thói quen ăn uống, ăn nhiều bữa trong ngày, khoảng 5-6 bữa thay vì 3 bữa như bình thường để việc tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng trong cơ thể tốt hơn. Bạn cũng có thể ăn nhanh hơn so với bình thường để não bộ "lầm tưởng" bạn chưa no và "thúc đẩy" việc ăn nhiều hơn... Ngoài ra, mỗi người nên xây dựng thói quen sống khoa học, vận động thường xuyên các bài tập tăng sức mạnh cơ bắp, bỏ thuốc lá, chất kích thích, dành thời gian thư giãn, đảm bảo ngủ đủ, ngon giấc...
VNE