Trà đen được làm từ lá của một loại cây bụi có tên là Camellia sinensis. Loại trà này có chứa caffeine, các chất kích thích và các chất chống oxy hóa.
Trà đen là loại trà được nhiều người sử dụng vì mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: Chống ung thư, cải thiện sức khỏe tim mạch, giúp tinh thần tỉnh táo,... Co thể uống trà đen nóng hoặc lạnh.
Để sản xuất trà đen, người ta cho lá trà tiếp xúc với không khí ẩm, giàu oxy (quá trình oxy hóa) để biến lá trà từ màu xanh lục sang màu nâu sẫm - đen. Các nhà sản xuất trà có thể kiểm soát được quá trình oxy hóa. Trà đen là loại trà trải qua oxy hóa hoàn toàn, còn trà xanh có chung nguồn gốc nhưng không bị oxy hóa.
Lợi ích của trà đen
Nhiều người uống trà đen vì thích vị trà. Số khác, họ uống trà đen vì nhiều lợi ích của nó như:
- Giúp tinh thần tỉnh táo và tạo năng lượng cho cơ thể;
- Giàu chất chống oxy hóa, bao gồm polyphenol và catechin;
- Có thể phòng bệnh ung thư;
- Tăng cường sức khỏe tim mạch;
- Cải thiện quá trình trao đổi chất;
- Tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa.
Một số bằng chứng cho thấy việc uống trà đen thường xuyên giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh gồm: Tiểu đường, cholesterol cao, sỏi thận, bệnh Parkinson, loãng xương, sâu răng,...
Tác dụng phụ của trà đen
Nếu uống với lượng vừa phải, trà đen khá an toàn với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, không có tiêu chuẩn về lượng trà đen thích hợp để uống.
Nếu uống một lượng lớn trà đen, 4 - 5 cốc/ngày có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe. Các tác dụng phụ đó chủ yếu liên quan tới caffeine. Một số tác dụng phụ của trà đen khi sử dụng với liều lượng cao có thể bao gồm:
- Gây bồn chồn, lo lắng và khó ngủ;
- Đau đầu;
- Thở nhanh hơn;
- Tiểu nhiều hơn;
- Nhịp tim không đều;
- Buồn nôn và nôn mửa;
- Ù tai;
- Run;
- Huyết áp cao;
- Thiếu máu.
Kết hợp trà đen với các loại caffeine khác hoặc ma hoàng (ephedra) rất nguy hiểm. Một số vấn đề có thể xảy ra bao gồm: Bồn chồn, tăng huyết áp, thay đổi nhịp tim, co giật, mất ý thức.
Trà đen hoặc các chất bổ sung có nguồn gốc từ trà đen có thể gây trở ngại cho các loại thuốc và những loại chất bổ sung khác mà bạn đang dùng. Một số loại thuốc cũng có thể khiến caffeine lưu lại trong cơ thể lâu hơn bình thường. Vì vậy, bạn cần trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu về loại thuốc mình đang dùng có tác dụng phụ này không. Bên cạnh đó, caffeine trong trà đen cũng có thể gây cản trở tới một số xét nghiệm máu. Vì vậy, nên báo cho bác sĩ nếu đang uống nhiều trà đen hoặc dùng bất kỳ loại chất bổ sung nào.
Trà đen có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng loại thức uống này mà cần sử dụng với lượng phù hợp để tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.
Lê Đức Huy