Dân số Việt Nam hiện hơn 99 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ ba ASEAN, dự kiến đón chào công dân thứ 100 triệu vào năm 2023.
Thông tin được TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, cho biết tại Lễ Ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam, ngày 28/11. Hiện chưa rõ thời điểm dự kiến em bé thứ 100 triệu chào đời. Mỗi năm Việt Nam có khoảng một triệu trẻ được sinh ra, theo Tổng cục Dân số.
"Quy mô dân số lớn mang đến nhiều lợi thế nhưng cũng nhiều thách thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Hoàng nói, thêm rằng một trong những thách thức là vấn đề kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe cho tuổi vị thành niên, thanh niên.
Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) ở Việt Nam hiện gần 25 triệu người, dự báo tăng lên 26 triệu người vào năm 2030. Theo đó, nhu cầu kế hoạch hóa gia đình cũng tăng với các yêu cầu về phương tiện, biện pháp và nâng cao chất lượng. Dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thách thức, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 67%.
Ngoài ra, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kế hoạch hóa gia đình và an toàn tình dục cho tuổi vị thành niên/thanh niên, đặt ra thách thức cho ngành chức năng. Nhóm dân số vị thành niên/thanh niên (10-19 tuổi) của nước ta là hơn 14 triệu người, chiếm 14,4% tổng dân số. Trong nhóm này, nữ giới chiếm 48,3%, riêng nhóm tuổi 15-19 là 6,6 triệu người, bằng 6,8% tổng dân số cả nước.
"Vị thành niên/thanh niên là nhóm dễ bị tổn thương và đang ở độ tuổi thay đổi lớn về tâm sinh lý, tích lũy kiến thức, tri thức, hình thành nhân cách để chuẩn bị bước vào đời", ông Hoàng nói.
Theo Bộ Y tế, một nửa số ca phá thai tại Việt Nam là mang thai ngoài ý muốn, do nhiều phụ nữ không được đáp ứng về các biện pháp tránh thai an toàn. Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 cho thấy tỷ lệ phá thai cao nhất ở phụ nữ 25-29 tuổi (trung bình 9 lần/1.000 phụ nữ), tiếp theo là nhóm 20-24 tuổi (7 lần/1.000 phụ nữ), nhóm 30-39 tuổi (6 lần/1.000 phụ nữ). Nhóm vị thành niên 15-19 tuổi có tỷ lệ phá thai là một lần/1.000 phụ nữ.
Các chuyên gia khuyến cáo phá thai không an toàn để lại nhiều hệ lụy, như sót thai gây rong huyết (do không lấy hết toàn bộ phần phôi thai); rách cổ tử cung do thao tác thực hiện thô bạo, không đúng kỹ thuật gây viêm nhiễm. Trường hợp nặng hơn có thể gây băng huyết, đe dọa tính mạng.
Theo Chiến lược Dân số Quốc gia giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đề ra mục tiêu giảm 2/3 số trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở vị thành niên và thanh niên.
Trước đó, hôm 15/11, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) ghi nhận dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người.
Theo Vnexpress.net