Đun sôi liên tục, ăn thịt chần tái, húp nước lẩu… gây hại cho dạ dày, nguy cơ nhiễm sán.
Trong thời tiết mùa đông, những nồi lẩu nghi ngút khói trở thành món ăn được nhiều người lựa chọn. Lẩu tuy ngon nhưng cũng tiềm ẩn một số mối nguy cho sức khỏe nếu bạn thưởng thức theo những cách dưới đây:
Đun sôi liên tục
Khoang miệng, thực quản và niêm mạc dạ dày chỉ có thể chịu được nhiệt độ 50 độ C. Ăn đồ quá nóng sẽ làm tổn thương niêm mạc. Trong khi đó, nhiệt độ của lẩu có thể cao tới 120 độ C. Nếu lấy đồ nhúng ra ăn luôn, bạn rất dễ bị bỏng miệng, lưỡi, gây hại cho thực quản và niêm mạc dạ dày. Một số bệnh nhân loét dạ dày có thể trở nặng nếu có thói quen này.
Bởi vậy, bạn không nên nôn nóng khi dùng lẩu. Thức ăn gắp ra khỏi nồi nên nên để nguội mới thưởng thức.
Ăn tái
Muốn có được hương vị tươi ngon, nhiều người thường ăn thịt ngay sau khi nhúng trong nồi lẩu đang sôi. Cách ăn uống này không chỉ dễ gây khó tiêu mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn, trứng ký sinh trùng ẩn náu trong thực phẩm xâm nhập vào đường tiêu hóa và gây bệnh.
Theo Aboluowang, các thí nghiệm khoa học đã chứng minh một số loại ký sinh trùng nguy hiểm có thể lây truyền qua lẩu. Khi đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy yếu ớt, đau nhức cơ bắp, cơ thể phù nề, ngứa ran.
Do đó, thịt để nhúng lẩu phải được thái mỏng, nấu chín. Loại bỏ ngay thịt có phần màu trắng giống như gạo trên lát thịt. Đó có thể là ấu trùng sán lợn.
Nhắc đến lẩu, vị cay nóng luôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người vì đem lại cảm giác ấm áp vào mùa lạnh.
Không khó để hình dung tác hại của lẩu cay đối với dạ dày và đường ruột. Vị cay của lẩu lúc đầu kích thích thực quản, sau đó nhanh chóng đi qua dạ dày, ruột non… gây kích ứng nghiêm trọng, sinh ra axit dịch vị và đầy hơi, viêm thực quản, dạ dày, tiêu chảy.
Mỗi người có khả năng chịu cay khác nhau, nhưng vì lợi ích của dạ dày, bác sĩ cho rằng nên ăn ít cay sẽ tốt hơn.
Ngoài ra, sau khi ăn lẩu, bạn nên uống thêm nước đun sôi để nguội hoặc nước chè để pha loãng bớt vị cay, giảm kích ứng cho dạ dày.
Uống nước lẩu
Hầu hết các món lẩu đều sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo như thịt lợn, nước xương nêm thêm ớt, hạt tiêu. Ăn quá nhiều lẩu dễ dẫn đến tăng mỡ máu, sỏi mật, loét tá tràng, khoang miệng…
Ngoài ra, nước lẩu nếu đun lâu và không thay mới, các thành phần trong nồi sẽ xảy ra phản ứng hóa học, sinh chất độc hại. Mọi người không nên để phần lẩu thừa qua đêm.
Theo vietnamnet.vn