4 thói quen ăn uống không lành mạnh với trẻ

Cha mẹ không nên dùng đồ ngọt để dỗ trẻ ăn bữa chính, ép ăn, nên hướng dẫn trẻ chọn bữa ăn lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng.

Dùng đồ ngọt để dỗ ăn

Cha mẹ muốn cho trẻ bữa ăn lành mạnh với nhiều rau xanh, song đôi khi trẻ không hợp tác, không ăn. Nhiều gia đình vì muốn con ăn ngoan hơn nên dùng đồ ngọt làm phần thưởng. Song, việc này gây tác dụng ngược, tạo cho trẻ thói quen phải có phần thưởng thì mới ăn thay vì ăn tự nguyện.

Các chuyên gia dinh dưỡng mong muốn gia đình giúp trẻ hiểu và được tập thói quen ăn uống lành mạnh, có quan điểm cân bằng về thực phẩm, khuyến khích tìm kiếm các lựa chọn lành mạnh. Thay vì dùng đồ ngọt để dỗ dành, gia đình nên để con ăn khi muốn, hoặc tìm cách làm cho bữa ăn vui vẻ hơn.

Nếu trẻ sợ ăn rau, phụ huynh nên chế biến rau với bơ, dầu ăn hoặc một ít phô mai vụn để thơm và hấp dẫn hơn; hoặc chuẩn bị một khay gia vị ít béo riêng khi ăn với rau xanh hoặc bữa tối. Nếu trẻ không ăn, cha mẹ không nên tạo áp lực, thay vào đó hãy cho tiếp cận rau xanh trong tất cả bữa ăn đến khi trẻ tự yêu cầu được ăn rau.

4 thói quen ăn uống không lành mạnh với trẻ
Gia đình hướng dẫn trẻ chọn bữa ăn lành mạnh thay vì ép ăn. Ảnh: Freepik

Ăn nhẹ với thực phẩm ngọt

Thực phẩm ngọt mang lại cảm giác dễ chịu cho cơ thể, có thể khiến trẻ đòi hỏi được ăn đồ ngọt mỗi khi đói, khó chịu hoặc ốm. Điều này khiến trẻ không lựa chọn bữa ăn lành mạnh, tăng ăn đồ ngọt. Ăn vặt cũng khiến trẻ không đói khi vào bữa chính.

Gia đình có thể chia lịch trình ăn thành hai bữa chính và ba bữa phụ, cố gắng để con ngồi vào bàn ăn. Khi trẻ đòi ăn vặt, hãy yêu cầu trẻ chờ đến bữa.

Phụ huynh nên chuẩn bị các phần ăn nhẹ khác phù hợp hơn với trẻ, ví dụ sữa chua, bơ đậu phộng với bánh quy hoặc bánh quy làm từ ngũ cốc nguyên hạt, hoặc trái cây như táo, bơ; tránh uống quá nửa cốc nước ép một ngày vì gây đầy bụng; cho trẻ uống đủ nước.

Ép ăn

Nhiều gia đình không cho phép trẻ từ chối bữa ăn, bất kể trẻ cảm thấy như thế nào. Việc này có thể khiến trẻ không phân biệt được cảm giác đói và no, lâu dần gặp khó khăn để từ chối khi cảm thấy không thoải mái.

Một số gia đình nói rằng không cảm thấy vui khi con bỏ bữa, cũng là cách để buộc trẻ phải ăn nhiều hơn. Song, việc này cũng không tốt cho trẻ do khiến trẻ hiểu rằng ăn uống tốt là cách khiến cha mẹ vui vẻ, trong khi mục tiêu là giúp trẻ tập trung nạp các thực phẩm bổ dưỡng.

Thay vì ép ăn, cha mẹ nên để trẻ tự ăn khi đói và dừng khi không muốn ăn; thay cho việc bắt con ăn từng miếng một hoặc không được từ chối, hãy dạy trẻ cách lịch sự nói "không".

Cha mẹ nên giải thích cho con về tác dụng của ăn uống lành mạnh với cơ thể, cung cấp các thông tin thực tế ví dụ cà rốt có nhiều vitamin A, tốt cho thị lực, giúp nhìn rõ hơn.

Ăn quá nhiều tinh bột

Trẻ ăn nhiều thực phẩm chứa lượng carbohydrate (tinh bột) cao như bánh mì trắng và mì tôm có thể nhanh đói sau bữa ăn, do cơ thể hấp thụ tinh bột rất nhanh. Việc này cũng tương tự với thức ăn chứa nhiều đường bổ sung.

Để cân bằng bữa ăn, gia đình nên chế biến món đa dạng hơn, ví dụ làm nước sốt từ thịt, nấu súp có thịt gà thái hạt lựu, kẹp thịt trong những miếng bánh mì nhỏ. Cha mẹ có thể thêm đậu, trứng và các sản phẩm từ sữa ít béo vào bữa ăn để bổ sung protein. Thay vì bánh mì trắng, cha mẹ dùng ngũ cốc nguyên hạt để trẻ no lâu, nhận thêm chất xơ, vitamin E và các chất dinh dưỡng khác.

Theo vnexpress.net

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy