Đội quân tinh nhuệ Nga triển khai đến Kazakhstan

Lực lượng được Nga triển khai đến Kazakhstan để bình ổn tình hình sau bạo loạn nghiêm trọng đều là các đơn vị đổ bộ đường không rất tinh nhuệ.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga hôm qua đặt chân tới Kazakhstan theo đề nghị của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev. Nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng được triển khai gồm 3.000 binh sĩ, trong đó chủ lực là các đơn vị thuộc Lữ đoàn Đặc nhiệm Đổ bộ đường không Độc lập số 45, Sư đoàn Đổ bộ đường không số 98 và Lữ đoàn Tấn công đường không Độc lập số 31.

Hỗ trợ cho họ là Lữ đoàn Thông tin Cận vệ số 38 làm nhiệm vụ bảo đảm liên lạc giữa các bộ phận, trong khi một số binh sĩ thuộc Sư đoàn Đổ bộ đường không số 76 cũng được phối thuộc cho nhiệm vụ này.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá đây là lực lượng rất tinh nhuệ được huy động từ các đơn vị mũi nhọn của quân đội Nga, từng tham gia nhiều chiến dịch quân sự trong những năm gần đây và tích lũy nhiều kinh nghiệm tác chiến.

Lữ đoàn Đặc nhiệm Đổ bộ đường không Độc lập số 45 đóng quân gần thủ đô Moskva, với nòng cốt là Trung đoàn Đặc nhiệm Độc lập số 45 thành lập năm 1994. Đơn vị này bao gồm hai tiểu đoàn, trang bị xe thiết giáp chở quân BTR-80 và BTR-D, có nhiệm vụ trinh sát đặc nhiệm và tác chiến chống phiến quân.

Đến năm 2015, đơn vị được nâng cấp thành lữ đoàn, số đại đội đặc nhiệm tăng từ 6 lên 18, giúp mở rộng đáng kể năng lực tác chiến. Lữ đoàn số 45 nằm dưới quyền điều hành trực tiếp của Bộ tư lệnh Lực lượng Đổ bộ đường không Nga, nhưng cũng có thể chịu sự chỉ huy của Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) khi làm nhiệm vụ.

Lữ đoàn số 45 tham gia gần như toàn bộ chiến dịch quân sự của Nga suốt 30 năm qua, gồm hai cuộc chiến tranh ở Chechnya, xung đột Gruzia - Abkhazia, chống phiến quân ở Bắc Kavkaz, chiến tranh 8 ngày với Gruzia năm 2008 và hỗ trợ an ninh tại Crimea năm 2014.

Sư đoàn Đổ bộ đường không Cận vệ số 98 đóng quân tại thành phố Ivanovo, là một trong những lực lượng thiện chiến nhất của quân đội Nga, từng tham gia nhiều cuộc xung đột ác liệt và được trang bị những khí tài hiện đại.

Đội quân tinh nhuệ Nga triển khai đến Kazakhstan
Binh sĩ Sư đoàn số 98 diễn tập hồi năm 2019. Ảnh: BQP Nga.

Đơn vị này thành lập năm 1943 với nòng cốt là nhiều trung đoàn bộ binh cận vệ của Hồng quân Liên Xô. Sư đoàn số 98 trở thành đơn vị đổ bộ đường không giữa năm 1946. Tính đến năm 2014, lực lượng chủ lực của sư đoàn gồm hai trung đoàn đổ bộ đường không cận vệ, một trung đoàn pháo binh cận vệ, một trung đoàn tên lửa phòng không cận vệ và một phi đội vận tải đường không.

Sư đoàn số 98 từng được triển khai trong trận đánh tại thủ phủ Tskhinvali của nước cộng hòa tự trị Nam Ossetia trong chiến tranh với Gruzia năm 2008. Đây là trận chiến lớn nhất trong 8 ngày xung đột. Tháng 8/2014, nhóm 10 binh sĩ thuộc sư đoàn này bị Ukraine bắt với cáo buộc vượt qua biên giới trái phép, trong khi quân đội Nga khẳng định họ vô tình đi qua biên giới ở khu vực không có cột mốc.

Lữ đoàn Tấn công đường không Độc lập số 31 đóng quân tại Ulyanovsk, được thành lập năm 1998 trên cơ sở Sư đoàn lính dù Cận vệ số 104. Đơn vị này đã tham gia Chiến tranh Chechnya lần hai và chiến tranh 8 ngày với Gruzia. Trong cuộc khủng hoảng miền đông Ukraine năm 2014, một số đơn vị của lữ đoàn được điều động đến bán đảo Crimea để kiểm soát tình hình.

Đội quân tinh nhuệ Nga triển khai đến Kazakhstan
Binh sĩ Lữ đoàn số 31 trong một cuộc kiểm tra năm 2018. Ảnh: BQP Nga.

Tính đến năm 2016, lực lượng của lữ đoàn gồm hai tiểu đoàn tấn công đường không, một tiểu đoàn đổ bộ đường không, một tiểu đoàn pháo binh, một phi đội vận tải và các đơn vị hỗ trợ.

Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 6/1 cho thấy các xe chiến đấu bộ binh hạng nhẹ BMD-4, xe thiết giáp đa dụng Tigr, thiết giáp chở quân BTR-82A, trạm liên lạc vệ tinh và hệ thống tác chiến điện tử Leer-3 được huy động để tham gia làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Kazakhstan.

Trong số này, hệ thống Leer-3 là tổ hợp giám sát điện tử hiện đại, gồm đài điều khiển đặt trên xe tải Kamaz và ba máy bay không người lái Orlan-10, có khả năng truy cập và phân tích dữ liệu từ trạm phát sóng viễn thông (BTS) nhằm xác định chính xác vị trí của từng thuê bao. Thông tin từ Leer-3 có thể giúp binh sĩ theo dõi mục tiêu và tung đòn không kích nếu cần thiết.

Ngoài các đơn vị tinh nhuệ của Nga, các nước khác thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) gồm Belarus, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan cũng sẽ triển khai lực lượng đến quốc gia Trung Á để hỗ trợ bình ổn tình hình sau khi bùng phát các cuộc biểu tình bạo lực.

Ban thư ký CSTO tuyên bố nhiệm vụ của lực lượng này là bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của chính phủ và quân đội Kazakhstan, cũng như hỗ trợ lực lượng hành pháp ổn định xã hội. Tuy nhiên, họ hoàn toàn có quyền nổ súng tấn công nếu bị các lực lượng quá khích đe dọa.

Vũ Anh (Theo Izvestiya)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy