LLVT Hà Nam trong những ngày đầu tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng

Cách đây 75 năm, một trong những nhiệm vụ cần kíp phải thực hiện ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đó là bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đó, tổ chức lực lượng vũ trang LLVT trong tỉnh dần hình thành và hoạt động ngay từ mỗi lũy tre làng và ngày càng phát triển rộng khắp.

Để giữ vững chính quyền, bảo vệ nền độc lập, tự do và thành quả cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự tỉnh, các tổ chức, tầng lớp nhân dân Hà Nam hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc thuộc Mặt trận Việt Minh, lấy liên minh công nông làm nền tảng. Các tổ chức hội, đoàn thể cứu quốc: “Công nhân cứu quốc”, “Nông dân cứu quốc”, “Thanh niên cứu quốc”, “Phụ nữ cứu quốc”, “Phụ lão cứu quốc”, “Nhi đồng cứu quốc”… xuất hiện ở hầu khắp các thôn xóm, làng xã trong tỉnh. Để bảo vệ chính quyền non trẻ trước âm mưu lật đổ, phá hoại của thù trong, giặc ngoài, các tổ chức đảng, chính quyền cách mạng từ tỉnh đến huyện, xã đã lãnh đạo, động viên và tổ chức các tầng lớp nhân dân trong tỉnh khẩn trương thực hiện vũ trang toàn dân theo chủ trương của Đảng. Thực hiện chủ trương này, mọi người dân, nhất là những hội viên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh đều hăm hở mua sắm, tự tạo vũ khí vũ trang. Lò rèn ở khắp các làng xã đều ngày đêm đỏ lửa để rèn vũ khí. Các tầng lớp nhân dân từ người già đến trẻ nhỏ, thanh niên, phụ nữ khắp mọi vùng quê trong tỉnh nô nức tham gia luyện tập võ nghệ với ý chí, quyết tâm chung là góp phần bảo vệ nền độc lập dân tộc.

LLVT Hà Nam trong những ngày đầu tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng
LLVT tỉnh được xây dựng ngày càng vững mạnh.

Trên cơ sở lực lượng chính trị to lớn của quần chúng và phong trào vũ trang toàn dân, việc xây dựng, phát triển LLVT được tiến hành hết sức khẩn trương, mạnh mẽ ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Một ngày sau khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thị xã Phủ Lý (24/8), Chi đội Giải phóng quân Hà Nam ra đời với 3 đại đội, gồm 1.200 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Tinh Hoa (tức Thụy) làm Chi đội trưởng, đồng chí Phạm Văn Biên (tức Côn) làm Chính trị viên. Sau khi giành được chính quyền một thời gian, tiếp nhận chỉ thị của Trung ương cho biết quân Tưởng sắp tràn về Phủ Lý. Để tránh quân Tưởng lợi dụng tước vũ khí của quân ta, Chi đội Giải phóng quân Hà Nam được lệnh rút ra khỏi thị xã, bố trí lực lượng ở 3 vị trí quanh thị xã, tạo thế hỗ trợ nhau bảo vệ chính quyền cách mạng. Theo đó, một đại đội được bố trí ở đập nước Lương Cổ, Duy Tiên (nay thuộc Lam Hạ, Phủ Lý), một đại đội đóng ở nhà thờ Kiện Khê (Thanh Liêm), một đại đội đóng ở Quai Mễ án ngữ tuyến đường từ Vĩnh Trụ, Lý Nhân vào thị xã Phủ Lý. Cùng với chi đội LLVT tập trung của tỉnh, ở mỗi huyện cũng đều tổ chức một trung đội vũ trang tập trung với nhiều tên gọi khác nhau: “Giải phóng quân”, “Cảm tử quân”, “Tự vệ xung phong”, quân số mỗi trung đội từ 36 đến 49 người. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ LLVT tập trung của tỉnh và huyện chủ yếu là những người đã từng đi đầu tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước đó, gồm cán bộ cách mạng, đội viên tự vệ cứu quốc, thanh niên cứu quốc. Ngoài ra, còn một số cựu binh sĩ, sĩ quan cũ người Việt trong quân đội Pháp, Nhật và một số bảo an được giác ngộ, tình nguyện tham gia LLVT cách mạng. 

Thời điểm này, trang bị vũ khí là một trong những yêu cầu bức thiết đặt ra. Cùng với số vũ khí thu được của quân địch, chính quyền cách mạng huy động nhân dân trong tỉnh quyên góp tiền, vàng phục vụ việc mua sắm vũ khí trang bị cho bộ đội. Các lò rèn hoạt động hết công suất để làm ra một số loại vũ khí thô sơ: giáo, mác, đao, kiếm… Công tác bảo đảm hậu cần cho Chi đội Giải phóng quân tỉnh và các trung đội tập trung của huyện chủ yếu dựa vào nhân dân. Bộ đội đi đến đâu cũng được nhân dân chăm lo cơm ăn, nước uống. Để thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trong Chi đội Giải phóng quân của tỉnh và các trung đội ở huyện, thị, mặc dù đảng viên trong Đảng bộ tỉnh lúc này mới chỉ có rất ít, nhưng Ban Cán sự tỉnh vẫn cử 5 đảng viên vào các chi đội; cử cán bộ có năng lực sang chỉ huy cấp đại đội và chính trị viên đến cấp phân đội. Công tác chính trị, tư tưởng trong chi đội của tỉnh được coi trọng ngay từ ngày đầu thành lập. Mọi cán bộ, chiến sĩ đều được học 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật của giải phóng quân, được phổ biến về tình hình cách mạng trong nước và thế giới…

Cùng với xây dựng, phát triển lực lượng giải phóng quân tập trung, các địa phương trong tỉnh còn đặc biệt chú ý phát triển lực lượng tự vệ và các hình thức tổ chức bán vũ trang của quần chúng. Ở những địa phương, đơn vị đã có tổ chức tự vệ trước Cách mạng Tháng Tám thì nhanh chóng phát triển thêm hội viên, những nơi chưa tổ chức được thì lập tức bắt tay xây dựng và phát triển. Các tổ chức cứu quốc cũng đã lựa chọn những hội viên ưu tú, nhiệt tình nhất trong đoàn thể của mình đưa vào tổ chức tự vệ.

Lực lượng tự vệ đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các chi bộ ở cơ sở, cán bộ chỉ huy là những đồng chí hăng hái được chi bộ cử ra đảm nhiệm. Nhiệm vụ của các tổ chức tự vệ là bảo vệ Đảng, chính quyền, Mặt trận Việt Minh, cơ sở kinh tế, quốc phòng, đường giao thông, cầu cống, đê điều quan trọng, giữ gìn trật tự trị an thôn xóm, đường phố, công sở, làm nòng cốt cho toàn dân chống thù trong, giặc ngoài. Trong một thời gian ngắn, tổ chức tự vệ được phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những LLVT chủ yếu của cách mạng có mặt ở tất cả các địa bàn trong tỉnh. Tuy mới ra đời nhưng ngay từ những ngày đầu, lực lượng tự vệ đã thực sự là công cụ đắc lực bảo vệ chính quyền cách mạng ở cơ sở. Cùng với nhiệm vụ củng cố, phát triển lực lượng cách mạng cả về chính trị, quân sự, quân dân Hà Nam đồng thời bắt tay ngay vào giải quyết những nhiệm vụ cấp bách về phát triển kinh tế, xã hội, tích cực tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, cải thiện đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, góp sức đấu tranh phòng chống âm mưu phá hoại, lật đổ của quân Tưởng và bè lũ tay sai, giữ vững chính quyền cách mạng. Bằng những biện pháp vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo, linh hoạt, quân và dân Hà Nam đã từng bước làm thất bại âm mưu, hành động phá hoại cách mạng của quân Tưởng cùng bè lũ tay sai, giữ vững chính quyền cách mạng, tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc, bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc. 

Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra trang sử mới cho cả dân tộc. LLVT Hà Nam được xây dựng và ngày càng phát triển lớn mạnh, trở thành lực lượng nòng cốt góp sức cùng quân và dân cả nước anh dũng chiến đấu trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luôn tự hào và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, ngày nay LLVT Hà Nam tiếp tục hăng hái thi đua, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng là lực lượng tin cậy, tuyệt đối trung thành, lực lượng nòng cốt trong tham gia xây dựng, bảo vệ cấp ủy, chính quyền, nhân dân.

Hương Giang (Tổng hợp)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy