TS, BS Nguyễn Anh Tuấn: Để cứu bệnh nhân thoát khỏi “cửa tử” không ít lần tôi đánh cược cả sự nghiệp

Tiến sỹ, bác sỹ (TS, BS) Nguyễn Anh Tuấn là thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2011, và được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, hiện là Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Nam.

Anh được biết đến là một bác sỹ giỏi trong lĩnh vực tim mạch, là người đầu tiên cùng các đồng nghiệp ứng dụng thành công kỹ thuật chụp và can thiệp tim mạch, đưa kỹ thuật này trở thành thường quy tại BVĐK tỉnh, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân. Gặp anh sau khi hoàn thành ca chụp mạch vành cho một bệnh nhân 68 tuổi, câu chuyện của anh với phóng viên (P.V) Báo Hà Nam là những chia sẻ về nghề, về những vất vả không phải ai cũng chịu đựng được khi học, thực hiện kỹ thuật chụp và can thiệp tim mạch, những quyết định“toát mồ hôi”, đánh cược cả sự nghiệp của mình để cứu bệnh nhân từ “cửa tử” trở về.

TS BS Nguyễn Anh Tuấn Để cứu bệnh nhân thoát khỏi “cửa tử” không ít lần tôi đánh cược cả sự nghiệp
TS, BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hà Nam.

P.V: Bác sỹ có thể chia sẻ cơ duyên nào đã khiến anh lựa chọn ngành y?

TS, BS Nguyễn Anh Tuấn: Bố tôi là bác sỹ, mẹ tôi là dược sỹ, nhà tôi ở ngay cạnh BVĐK tỉnh, bằng đấy lý do có đủ để lý giải nguyên nhân tôi chọn nghề y không? (cười). Nói vậy chứ quả thực từ bé nhìn bố, các y, bác sỹ ở bệnh viện tỉnh trong chiếc áo blu trắng tôi rất thích. Niềm yêu thích ấy ngày càng lớn dần, và đó là lý do sau khi tốt nghiệp THPT tôi thi vào Trường Đại học Y Hà Nội và học chuyên ngành bác sỹ đa khoa.

P.V: Được biết ngay sau khi ra trường anh đã về làm việc tại BVĐK tỉnh?

TS, BS Nguyễn Anh Tuấn: Đúng vậy, đó là lựa chọn của tôi, và cũng là may mắn của tôi khi được làm việc ngay tại bệnh viện của quê hương.

P.V: Bác sỹ đã chọn Khoa Cấp cứu và làm việc ở đó 15 năm, khi thành lập Khoa Tim mạch mới chuyển sang đó. Làm việc ở Khoa Cấp cứu cực kỳ áp lực và vất vả, đây có phải cũng là lựa chọn của anh?

TS, BS Nguyễn Anh Tuấn: Đúng là lựa chọn của tôi. Không sai, làm việc ở Khoa Cấp cứu cực kỳ áp lực và vất vả, nhưng với các bác sỹ muốn rèn luyện tay nghề thì đây cũng là môi trường tuyệt vời. Những bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu được đưa vào khoa, mỗi người một bệnh, một hoàn cảnh khác nhau. Các bác sỹ phải chẩn đoán nhanh, chính xác và từ đó đưa ra phác đồ cấp cứu kịp thời. Không ít bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Những tình huống sinh-tử như thế làm cho các bác sỹ luôn rất căng thẳng, áp lực, phải tập trung trí não để chẩn đoán bệnh, đưa ra phương án cứu chữa trị kịp thời. Nhưng qua mỗi lần như thế lại giúp họ trưởng thành rất nhanh. Và để có được sự chẩn đoán chính xác, cấp cứu hiệu quả cũng yêu cầu người bác sỹ phải không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ. 15 năm ở Khoa Cấp cứu, tôi từ một bác sỹ trẻ trưởng thành dần lên và được tín nhiệm giao giữ chức phó trưởng khoa. Phải nói là tôi rất cảm ơn 15 năm ở môi trường cực kỳ áp lực này đã giúp tôi trưởng thành vững vàng về chuyên môn rất nhiều.

TS BS Nguyễn Anh Tuấn Để cứu bệnh nhân thoát khỏi “cửa tử” không ít lần tôi đánh cược cả sự nghiệp
TS, BS Nguyễn Anh Tuấn (phía trong) và đồng nghiệp đang thực hiện một ca chụp mạch vành.

P.V: Năm 2017, BVĐK tỉnh bắt đầu ứng dụng kỹ thuật chụp, can thiệp tim mạch. Bác sỹ có thể cho biết ứng dụng kỹ thuật chụp và can thiệp tim mạch có ý nghĩa như thế nào đối với việc cứu sống các bệnh nhân bị bệnh lý về tim mạch?

TS, BS Nguyễn Anh Tuấn: Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trong bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim là bệnh lý gây nguy hiểm nhất, có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh lý này diễn ra đột ngột, chuyển biến xấu nhanh, phải có máy móc thiết bị xử lý ngay mới cứu được bệnh nhân. Khi BVĐK tỉnh chưa ứng dụng kỹ thuật này, thời gian còn làm ở Khoa Cấp cứu tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim không kịp chuyển lên tuyến trên nên tử vong tại chỗ, hoặc tử vong trên đường chuyển lên bệnh viện tuyến trên, rất xót xa. Được tỉnh, bệnh viện đầu tư thiết bị, chúng tôi đã quyết tâm học kỹ thuật chụp và can thiệp tim mạch, với mục đích để cứu được những bệnh nhân bị bệnh này.

P.V: Việc học và thực hiện kỹ thuật này không hề đơn giản có đúng không thưa bác sỹ?

TS, BS Nguyễn Anh Tuấn: Đúng thế. Thực hiện kỹ thuật này không chỉ đòi hỏi người bác sỹ phải có đôi tay cực kỳ khéo léo, động tác chuẩn xác, mà trong suốt quá trình làm họ còn phải mặc một chiếc áo chì nặng từ 7-10kg, có người gọi là “đeo gông khi làm việc”. Lý do là vì khi thực hiện kỹ thuật này phải sử dụng tia X nên bác sỹ phải mặc áo chì để chống lại sự tác động không tốt. Chị cứ tưởng tượng đứng 2 - 3h có khi là 4h liên tục, mang trên người một chiếc áo chì nặng trĩu, đầu óc phải vô cùng tập trung, đôi tay phải vô cùng khéo léo, chỉ cần sơ sẩy là bệnh nhân mất máu, tử vong ngay trên bàn. Thực hiện xong mỗi ca chúng tôi đều rã rời vì áp lực cao độ về thể xác cũng như đầu óc, vất vả hơn các ca phẫu thuật nhiều. Chính vì sự vất vả, áp lực, nguy hiểm này mà ngay từ khi đi học không ít người đã bỏ cuộc. Chúng tôi phải quyết tâm lắm mới vượt qua được tuần đầu tiên khi học ở Bệnh viện Bạch Mai và sau đó quen dần...

P.V: Được biết từ năm 2017 đến nay, các bác sỹ đã thực hiện được 1.500 ca chụp động mạch vành, trong đó có 500 bệnh nhân được can thiệp đặt stent động mạch vành. Khi bắt đầu triển khai kỹ thuật này chắc người dân phấn khởi và đón nhận?

TS, BS Nguyễn Anh Tuấn: Cũng không hẳn. Thời gian đầu bệnh nhân chưa tin tưởng. Tim là bộ phận tối quan trọng trong cơ thể nên khi can thiệp mổ xẻ vào tim bệnh nhân thường đến những bệnh viện uy tín, tên tuổi nên xin lên tuyến trên nhiều. Đó là điều mình phải chấp nhận. Tuy nhiên, sau khi làm thành công được nhiều ca khó, phức tạp, cứu được nhiều bệnh nhân đứng bên bờ vực sinh-tử, đồng nghiệp thấy, nhân dân thấy, cộng với vai trò truyền thông của báo chí, “tiếng lành” ngày càng lan xa, người dân biết và ngày càng tin tưởng, gửi gắm cho các bác sỹ ở bệnh viện tỉnh. Từ lâu kỹ thuật này đã trở thành kỹ thuật thường quy tại BVĐK tỉnh.

P.V: Bác sỹ có thể chia sẻ một vài kỷ niệm, những ca bệnh để lại nhiều ấn tượng với anh?

TS, BS Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều lắm, rất nhiều. Ví dụ có những ca trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim, đến viện trong tình trạng đã ngừng tim. Chúng tôi cấp cứu, sốc điện đến hơn 50 lần với tinh thần “còn nước còn tát” và đã cứu sống được bệnh nhân. Ca này được đi báo cáo, các bác sỹ ở bệnh viện tuyến trung ương rất ngạc nhiên, thán phục, và khẳng định các bác sỹ ở BVĐK tỉnh Hà Nam đã làm rất tốt. Nhiều ca ngừng tim cũng đã được cứu sống bằng kỹ thuật này. Hoặc có những bệnh nhân trên 90 tuổi, thậm chí 100 tuổi chúng tôi vẫn can thiệp thành công, mang lại niềm vui vô bờ bến cho bệnh nhân và gia đình. Có những bệnh nhân nặng người nước ngoài cũng đã được can thiệp thành công.

P.V: Có nhiều bác sỹ, nhất là bác sỹ giỏi ở tỉnh đã chuyển đi các bệnh viện ở thành phố lớn. Bác sỹ chắc cũng có nhiều cơ hội, anh có thể chia sẻ vì sao vẫn bền bỉ, kiên trì, đầy nhiệt huyết gắn bó với bệnh viện tỉnh?

TS, BS Nguyễn Anh Tuấn: Các bệnh viện tư ở Hà Nội trả lương cho bác sỹ rất cao, nhất là bác sỹ giỏi. Lương tôi ở đây bây giờ là 10 triệu đồng, nhưng trên đó bạn bè tôi có người được trả 50, 70, thậm chí có thể 100 triệu đồng/tháng. Tôi không bàn luận về việc đi, ở, cuộc sống mà, tiền ai cũng rất cần. Riêng với tôi thu nhập như thế cũng là ổn, có thể cùng vợ chăm lo cho gia đình và các con ở mức bình thường. Điều quan trọng với tôi khi học nghề y là niềm tự hào nghề nghiệp, trách nhiệm cứu người, là niềm vui khi giúp được những người cần mình giúp trong lúc họ nguy cấp nhất. Làm việc ở Khoa Cấp cứu, và sau này là Khoa Tim mạch, đó là những khoa tập trung các bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy kịch. Ở môi trường như thế tôi trưởng thành nhanh hơn, có cơ hội cứu được nhiều người hơn. Làm ở bệnh viện tư có thể lương cao hơn rất nhiều, nhưng bệnh nhân không đa dạng như ở bệnh viện công, bác sỹ ít có cơ hội rèn luyện, thể hiện khả năng nghề nghiệp. Với tôi tiền cũng quan trọng nhưng sống có ý nghĩa, có lý tưởng quan trọng hơn. Tôi rất vui, rất hạnh phúc khi cứu được nhiều người, nhất là những ca trong tình trạng “thập tử nhất sinh”.

P.V: Nghe nói anh đã không ít lần vì để cứu sống bệnh nhân mà có những quyết định chấp nhận đánh cược cả sự nghiệp, đưa mình vào thế có thể vướng vòng lao lý?

TS, BS Nguyễn Anh Tuấn: Không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng gần như không còn cơ hội gì. Người nhà muốn bỏ cuộc, họ chần chừ, gọi điện, bàn với người thân để xem có nên ký vào giấy đồng ý thực hiện kỹ thuật hay không. Nhưng những tình huống bệnh như thế sớm một phút, hay nửa phút cũng quý và nếu chờ có được sự đồng ý chính thức của người nhà có lẽ đã chấm dứt mọi cơ hội cứu sống bệnh nhân. Những lúc như thế quả thực tôi cũng không chắc chắn lắm về việc cứu được bệnh nhân hay không. Tôi chỉ biết một nguyên tắc của người thầy thuốc, đó là “còn nước còn tát”, còn một phần trăm, thậm chí một phần nghìn tia hy vọng cũng phải cố gắng dốc sức để giành giật mạng sống cho người bệnh, tuyệt đối không được so đo tính toán, chần chừ. Thế là tôi khẩn cấp đưa bệnh nhân đi thực hiện kỹ thuật dù đồng nghiệp can ngăn, lo sợ, vì biết nếu bệnh nhân xảy ra vấn đề gì và người nhà khởi kiện, tôi có thể vướng vào vòng lao lý và mất hết tất cả.

Tôi đã có những quyết định “toát mồ hôi” như thế, đặt mình vào thế không còn đường lùi, và may mắn là không xảy ra vấn đề gì. Có những khi thực hiện xong những ca như vậy, làm việc đến quên giờ giấc mấy tiếng đồng hồ liền, khi biết bệnh nhân đã được cứu sống chúng tôi rã rời ngồi phệt xuống nền phòng cười sung sướng với nhau. Mệt vô cùng nhưng chúng tôi vui. Vui vì cứu sống được bệnh nhân một cách ngoạn mục, vui vì đã vượt qua được giới hạn của chính mình để trưởng thành hơn trong nghề nghiệp. Với người thầy thuốc, đó là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng. Tuy nhiên tôi cũng không khuyến khích chuyện này. Tôi chỉ nói với anh em, khi cảm thấy còn cơ hội cứu sống bệnh nhân thì nên dốc sức, không thể thấy bệnh nhân có thể cứu được mà bác sỹ vì sợ lại đứng đó. Đó là lương tâm của người thầy thuốc.

P.V: Xin cảm ơn bác sỹ về những chia sẻ! Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúc anh và các đồng nghiệp có nhiều sức khỏe, tiếp tục có những bước tiến mới trong nghề nghiệp. 

 Đỗ Hồng (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy