Tháng Tư ở Lam Hạ

Những ngày tháng Tư đi trên các con đường ở Lam Hạ thấy ngan ngát mùi hương hoa sấu, hoa ổi. Đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ những năm qua trên mảnh đất này, nhưng ổi, sấu vẫn còn khá nhiều ở trong vườn các gia đình, bên lối đi. Quê hương đã và đang đổi thay từng ngày, những khu đô thị, nhà cao tầng, biệt thự mọc lên ngày càng nhiều, nhưng người dân nơi đây chưa bao giờ quên những ngày tháng ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chưa bao giờ quên những người con đã ngã xuống để giành lại bình yên cho mảnh đất này, vì độc lập tự do của dân tộc.

Ngõ vào nhà Liệt sỹ Nguyễn Thị Thuận (một trong 10 nữ Anh hùng liệt sỹ Lam Hạ) quanh co, rợp bóng cây. Sau khi bố mẹ về với tổ tiên, anh Nguyễn Văn Phước-em út trong gia đình chị Thuận ở trên đất của cha ông (tổ dân phố Đường Ấm) và nhận trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, thờ cúng người chị gái  hy sinh chưa đầy 18 tuổi. Ngôi nhà sạch sẽ, vững chãi. Trên bàn thờ tấm ảnh của Liệt sỹ Nguyễn Thị Thuận gắn bên tấm Bằng Tổ quốc ghi công.

Kể về người chị của mình, anh Phước cho biết khi đó mình mới mấy tuổi, không nhớ nhiều về chị lắm, nhưng có 2 dấu ấn anh không thể nào quên cho đến bây giờ. Anh nhớ mãi buổi sáng hôm đó (9/10/1966), trước khi ra trận địa chị Thuận có dúi vào tay cậu em một nắm ngô rang đùm trong chiếc khăn mùi xoa rồi chạy vụt đi. Anh còn nhớ là lúc đó anh rất thích thú, một tay cầm nắm ngô đùm trong khăn tay, một tay bám vào chiếc cột tre và xoay vòng sung sướng. Chiếc khăn ấy chị thêu con chim bồ câu và chữ “Hòa bình”, được gia đình giữ mãi cho đến trước khi anh đi bộ đội vẫn còn, nhưng sau này thất lạc mất. Chi tiết thứ 2 là buổi mẹ dẫn anh ra thắp hương mộ chị, anh cũng không biết hôm đó là 49 hay 100 ngày chị, chỉ nhớ là cỏ trên mộ chưa mọc nhiều. Hôm đó mẹ đã khóc và nhớ chị rất nhiều. 

Tháng Tư ở Lam Hạ
Đền thờ 10 liệt sỹ nữ dân quân Lam Hạ. 

Sau này khi chị không còn, những câu chuyện, hình ảnh về chị là do mẹ anh kể lại. Ngày 9/10/1966, chị ra trận địa khoảng 1 tiếng thì mọi người nháo nhào nói trên đó bị bom địch bỏ trúng. Mẹ anh hốt hoảng, lo lắng chạy lên thấy trận địa bị cày xới, nhiều người hy sinh trong đó có 4 người ở Đường Ấm. Mẹ anh được cho biết chị bị thương và đã được chuyển về bệnh viện. Nhà anh ở cạnh sông Châu, bệnh viện ở phía bên kia sông lui xuống dưới một đoạn. Mẹ anh bơi thuyền qua sông. Mẹ kể tìm thấy chị ở trong bệnh viện, thấy chị bị thương sau gáy và ở chân trái. Mảnh bom phạt ngang chân trái làm cho chân chị gần như bị đứt lìa. Bị thương nặng thế nhưng lúc đó chị rất tỉnh táo, còn nói với mẹ là mất một chân thì sau này chị xin bán hàng ở hợp tác xã mua bán. Chị vào phòng phẫu thuật, vì thuốc gây mê còn ít chị xin nhường cho người khác. Vết thương quá nặng, chị đã không qua khỏi, mất trên bàn phẫu thuật lúc khoảng 15h-15h30 phút ngày hôm đó. Mẹ anh đã đau đớn đến lịm đi… Trận bom ngày hôm đó Đường Ấm có 5 người con anh dũng hy sinh, 4 người mất ngay tại trận địa, chị Thuận mất khi được đưa vào bệnh viện…

Anh Phước cho biết, mẹ anh khi còn sống luôn nhớ thương về chị Thuận khôn nguôi, nhưng cũng tự hào về chị. Anh em, con cháu trong gia đình cũng luôn nhớ, tự hào về người bác, người cô liệt sỹ. Ngoài dịp Tết, giỗ bố, mẹ, năm nào đến ngày giỗ chị Thuận, ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, anh em con cháu trong gia đình đều tụ tập đông đủ, cùng ôn lại những kỷ niệm về chị, về những tháng ngày chiến tranh ác liệt, bảo ban nhau không bao giờ được quên truyền thống gia đình, luôn biết ơn những người đã ngã xuống vì mảnh đất này, phấn đấu chăm chỉ làm việc, xây dựng quê hương, tạo dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. 

Nhìn Lam Hạ hôm nay ít ai hình dung được rằng trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, nơi đây là trận địa đạn bom khốc liệt. Là một trọng điểm giao thông quan trọng, Lam Hạ đã trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ địch. Để bảo vệ thị xã Phủ Lý và những vùng lân cận, cùng với bộ đội phòng không, Đại đội phòng không dân quân Lam Hạ đã được thành lập vào ngày 5/8/1965. Mặc dù tuổi  còn rất trẻ nhưng họ đã chiến đấu ngoan cường đến hơi thở cuối cùng góp phần bẻ gẫy ý đồ của đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Trên 230 trận chiến đấu trực tiếp và phối hợp chiến đấu đầy cam go, khốc liệt, 10 nữ dân quân Lam Hạ đã anh dũng hy sinh trong đó có chị Nguyễn Thị Thuận. 10 cô gái Anh hùng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, là “10 bông hoa thép” bất tử trong lòng người dân Lam Hạ cũng như người dân khắp cả nước. 

Đã 47 năm đất nước hoàn toàn được giải phóng. Người dân Lam Hạ, đặc biệt là những người đã đi qua chiến tranh, các gia đình chính sách đều thấu hiểu những mất mát của chiến tranh. Họ không bao giờ quên điều đó, và chính vì thế mà họ biết trân trọng cuộc sống hòa bình hôm nay, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương, tích cực sản xuất kinh doanh, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Lam Hạ đã trở thành phường, tốc độ đô thị hóa ngày càng được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng hiện đại, khang trang, thương mại dịch vụ phát triển. Nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, đời sống người dân được nâng cao. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ vẫn đạt gần 174 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,96%, cận nghèo 3,63% theo tiêu chí mới. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt gần 96%... 

Kinh tế-xã hội phát triển, cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân luôn quan tâm, chăm lo đến các gia đình chính sách. Trao đổi với đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy phường Lam Hạ được biết, địa phương hiện có 236 gia đình chính sách. Hằng năm dịp Tết Nguyên đán, 27/7 ngoài quà của cấp trên, địa phương cũng luôn có quà tặng các hộ chính sách. Ngoài ra, còn kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, người dân quan tâm đến các gia đình chính sách bằng nhiều hình thức.

Lam Hạ hôm nay đã không còn dấu tích của trận địa xưa, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, khu đô thị mọc lên, những cánh đồng, khu vườn mướt xanh. Nhưng người dân Lam Hạ không bao giờ quên những tháng ngày đạn bom ác liệt đó, mãi mãi ghi ơn những người đã không tiếc thân mình hy sinh để bảo vệ quê hương, bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, cho cuộc sống hòa bình hôm nay...

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.