Quan tâm phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề

Nghệ nhân, thợ giỏi được xem là hạt nhân của các làng nghề, làng nghề truyền thống. Do đó, những năm qua, tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm thực hiện tốt việc bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng nghề.

Tỉnh Hà Nam hiện có 58 làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động ở các nhóm ngành nghề: Chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Các ngành nghề này đã và đang đem lại những tác phẩm nghệ thuật có giá trị kinh tế cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tỉnh Hà Nam luôn xác định cần phải khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống, tạo chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và lồng ghép xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỉnh quan tâm phát huy tốt vai trò, tài năng của các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề. Được xem là người truyền “lửa” để làng nghề tồn tại, phát triển, đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi không chỉ là lực lượng tạo ra giá trị kinh tế cho làng nghề mà còn góp phần quan trọng trong công tác truyền dạy nghề, truyền “lửa” nghề cho đội ngũ trẻ kế cận.

Đến nay, tỉnh Hà Nam đã phát triển được 24 nghệ nhân (gồm 1 nghệ nhân ưu tú, 23 nghệ nhân cấp tỉnh) và hàng trăm thợ giỏi ở các làng nghề, làng nghề truyền thống. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các nghề: dệt, thêu ren, trống,  gốm, chạm khắc gỗ. Không ít nghệ nhân, thợ giỏi đã đưa ra nhiều ý tưởng, giải pháp hiệu quả nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống.

Theo nghệ nhân Phạm Văn Thực, làng nghề dệt lụa truyền thống Nha Xá, xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên), danh hiệu nghệ nhân chính là sự ghi nhận, tôn vinh của Nhà nước đối với những đóng góp của đội ngũ người làm nghề. Mặc dù hiện nay vẫn chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, thợ giỏi nhưng khi được trao danh hiệu này, chúng tôi rất vinh dự, tự hào và luôn coi việc phát triển sản phẩm, phát triển đội ngũ có tay nghề là trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của quê hương.

Nghệ nhân Lại Văn Tiến, làng gốm Quyết Thành, thị trấn Quế, Kim Bảng sáng tạo sản phẩm gốm Ảnh: Khánh Chi

Được biết, làng nghề dệt lụa Nhà Xá là một trong số 7 làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh đã phát triển được nghệ nhân. Tại hội nghị xét chọn danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ năm 2023 diễn ra mới đây, làng nghề truyền thống Nha Xá có thêm 2 thợ giỏi có hồ sơ đề nghị xét chọn danh hiệu nghệ nhân đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định nâng tổng số nghệ nhân của làng nghề lên 4 người. Đây được xem là nhân tố giúp làng nghề thích ứng với sự thay đổi của thị trường bằng việc kết hợp giữa tay nghề tinh xảo với công nghệ hiện đại, tiên tiến giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Ông Phạm Văn Hoạt, một trong 2 thợ giỏi của làng nghề dệt lụa Nha Xá được xét chọn danh hiệu nghệ nhân năm 2023 chia sẻ: Trong 30 năm làm nghề, tôi đã đào tạo và truyền nghề cho trên 100 học viên, sáng tác và trực tiếp làm ra 5 sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao như chăn lụa tơ tằm cao cấp; khăn lụa tơ tằm vẽ tay hình hoa sen, hoa cúc, hoa đào; khăn lụa thêu hoa; khăn lụa in hoa… Hiện, cơ sở sản xuất Hà Hoạt Silk của tôi đã có sản phẩm khăn lụa vẽ tay cao cấp được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022. Kết quả đạt được chính là động lực để tôi thêm yêu, gắn bó với nghề và có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống. Để phát triển nghề truyền thống, tôi cũng như các nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề rất mong Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các làng nghề, nghệ nhân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Thực tế, tại các làng nghề, làng nghề truyền thống, đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi đang là những người trực tiếp làm ra những sản phẩm đặc sắc mà những người thợ khác không làm được. Chẳng hạn như anh Hoàng Văn Hiếu, thôn Chỉ Trụ, xã Hợp Lý (Lý Nhân), với thâm niên 15 năm làm nghề, anh đã sáng tạo, trực tiếp làm ra nhiều sản phẩm tiêu biểu, trở thành “linh hồn” của cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Hoàng Hiếu như sập gụ hoa văn cổ đục tay, tượng gỗ, tranh tứ quý, con giống… Năm 2023, anh có 3 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh gồm giường ngủ gỗ hoàng gia lá tây, bàn ghế gỗ hoàng gia lá tây, kệ ti vi gỗ hoàng gia lá tây. Đây là những sản phẩm thể hiện rõ nét trình độ, kỹ năng, kỹ xảo làm nghề mà không phải người thợ bình thường nào cũng có thể làm được.

Anh Hiếu cho biết: Trong quá trình làm nghề, tôi luôn trăn trở làm sao tạo ra thật nhiều sản phẩm có giá trị, đồng thời truyền cảm hứng làm nghề, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Trong những năm gần đây, sức tiêu thụ của sản phẩm gỗ mỹ nghệ giảm sút mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Thế nhưng, tôi vẫn nỗ lực duy trì hoạt động thường xuyên để người lao động có thu nhập bằng việc không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu, sáng tạo ra các sản phẩm mới và đem trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ cũng như đặt tại 2 cửa hàng trưng bày của gia đình. Mong muốn của tôi là được ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển xưởng sản xuất từ quy mô hộ gia đình lên mô hình doanh nghiệp để có nhiều hơn cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ mở rộng quy mô sản xuất cũng như thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Việc tôn vinh, công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi với mục đích khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển nghề, tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề truyền thống, thu hút khách du lịch.

Để duy trì, phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các làng nghề, theo ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương, thời gian tới, bên cạnh việc khôi phục, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, Sở Công thương sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, động viên người thợ cố gắng gắn bó với nghề, giữ nghề truyền thống; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xét công nhận nghệ nhân, thợ giỏi và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đồng thời phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan làm tốt công tác thẩm định hồ sơ đề nghị xét công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi; tăng cường hỗ trợ các làng nghề, các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy