Ông Nghè là tên gọi dân gian dành cho nhà khoa bảng dưới thời phong kiến đỗ Tiến sỹ. Ở thị trấn Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân) từ bao đời nay nhân dân vẫn gọi Tiến sỹ Vũ Văn Lý là ông Nghè Vĩnh Trụ.
Tại nhà thờ họ Vũ đến nay vẫn lưu giữ tấm bia đá dựng năm Tự Đức thứ 30 (1878) sau khi ông từ trần, cho biết: “Ông họ Vũ, húy Lý, tên tự là Vĩnh Xuyên, mỹ tự là Trung Thuận. Ông là người xã Vĩnh Trụ, huyện Nam Xương (nay là Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Ông vốn xuất thân nhà nho, là người có đức vọng trong làng. Cụ thân sinh ra ông, tên húy là Huyên, thụy là Đoan Thận, là người nổi tiếng văn tài trong huyện, được tặng chức Phụng Thành đại phu, Hàn lâm viện thị giảng. Mẹ ông họ Trần, được tặng “Tòng ngũ phẩm nghi nhân”.
Vũ Văn Lý, sinh vào giờ Tuất, ngày 18 tháng Chạp năm Đinh Mão, niên hiệu Gia Long thứ 6 (1808). Lúc nhỏ ông rất chăm chỉ học hành, được cha tìm cho các vị khoa bảng có tiếng trong vùng như các Tiến sỹ họ Phạm, họ Bùi làm thầy dạy. Là học trò giỏi, lại cung kính khiêm nhường nên ông Lý thường được các thầy khen ngợi.
Sau khi đã đỗ ba kỳ thi Hương, năm 33 tuổi, ông Vũ Văn Lý vào kinh đô thi Hội, thi Đình. Năm Thiệu Trị thứ nhất ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa Tân Sửu (1841). Trở thành bậc Đại khoa, ông được nhà vua bổ nhiệm “Biên tu quốc sử quán”.
Làm quan trong triều đình giữa lúc thời cuộc rối ren, nỗi lòng ông vẫn canh cánh lo lắng cho quê hương, đất nước, gia đình, bầu bạn mà ông gọi là “Tứ niệm kinh” (tức là lo sợ vì bốn điều kinh hãi, xót xa mà mình thì bất lực). Tuy buồn lo nhưng ông vẫn có niềm tin ở ngày mai tươi sáng, giữ cho mình thanh liêm, trung trực, giữ cho ngòi bút chép sử thẳng ngay. Song cuộc đời ở chốn quan trường đâu có thuận chiều. Tháng 7 năm 1851, bởi lý do sức khỏe triều đình cho ông về quê hưu dưỡng, lúc này ông mới 45 tuổi.
Ông là con người hành động, nên ông liền mở trường dạy học ngay tại quê hương. Nhân dân trong vùng còn truyền tụng nhiều giai thoại về tình cảm cũng như sự giảng dạy tận tâm, tận lực của ông Nghè Lý đối với học trò của mình. Nhất là việc ông đã nuôi dưỡng và sớm phát hiện ra tài năng bẩm sinh của trò Nguyễn Thắng (sau đổi là Nguyễn Khuyến). Học trò của ông còn có Tiến sỹ Vũ Hữu Lợi (Nam Trực, Nam Định) thường gọi là ông nghè Giao Cù, là một trong những thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp, do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo, ông Nghè Vân Đình (tức Tiến sỹ Dương Khuê, bạn thân của Nguyễn Khuyến), ông Nghè Châu Sơn (Kim Bảng). Số đông học trò của Tiến sỹ Vũ Văn Lý, về sau đều trở thành các sỹ phu yêu nước, hăng hái trong phong trào Văn thân chống Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Mở trường, dạy học được 13 năm, đến năm Tự Đức thứ 8 (1864), ông lại nhận chỉ dụ của nhà vua, trở lại triều đình phục chức “Tu soạn quốc sử quán”, đồng thời được coi là danh thần nên ông còn được cử giữ chức Tế tửu Văn Miếu Quốc Tử Giám, đảm nhận sức mệnh quan trọng đào tạo nhân tài cho triều đình, đất nước. Ông là vị Tế tửu người Hà Nam duy nhất ở kinh đô Huế và là vị Tế tửu cuối cùng của Hà Nam trong lịch sử khoa cử phong kiến. Đến năm Tự Đức 23 (1871) ông lại được thăng chức Hàn lâm viện thị giảng.
Ông nghè Vũ Văn Lý có công lao lớn trong việc biên soạn quốc sử và giáo dục bậc cao, đào tạo rường cột cho bộ máy nhà nước trung ương. Học rộng, tài cao ông còn để lại cho hậu thế tập thơ chữ Hán “Danh thần thi tập” với hàng trăm bài thơ. Hầu hết các bài thơ trong tập này thể hiện tâm trạng, cuộc sống của ông ở hai giai đoạn làm quan. Tư tưởng bao trùm trong “Danh thần thi tập” là tình yêu quê hương, đất nước, nỗi trăn trở, mong làm những điều ích nước, lợi dân. Ngoài ra, thơ ông còn một số bài không có trong “Danh thần thi tập” được chép trong sách “Chư gia đề vịnh vựng tuyển” của Bùi Đức Hãn ở thôn Yên Trung (Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định), “Thiên gia thi tuyển” của Nguyễn Đức Huy (An Nhân, Đường Hào, Hải Dương). Nếu học trò Nguyễn Khuyến có 3 bài thơ Thu nổi tiếng, thì ông thầy Vũ Văn Lý cũng có 7 bài thơ về mùa thu đặc sắc để lại cho đời.
Do sức khỏe ngày càng giảm sút, năm ông 65 tuổi (1873), triều đình cho ông về trí sỹ tại quê nhà Vĩnh Trụ. Mặc dù sức khỏe giảm sút, bệnh tật khắp người, nhưng ông vẫn đem hết sức lực để làm việc cho quê hương, đem tiền của bao năm tích góp, cùng phần đóng thêm của dân làng để xây dựng đình làng, văn chỉ (đã được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia). Khi làm hai công trình này, ông đã thực hiện bằng cái tâm trong sáng, nhiệt thành. Ông đã cho khắc lên bảng gỗ trước hậu cung thờ thần hàng chữ: “Phi nhân thực thổn duy đức thị y, thần thông minh chính trực, nhi nhất giả dã”, nghĩa là: Nếu chẳng phải là người thực có lòng làm điều nhân đức thì đâu gặp được điều tốt lành, bởi vì thần vốn là bậc sáng suốt, ngay thẳng, trước sau như một.
Đối với gia đình, nhất là đối với các con cháu, ông luôn luôn yêu thương, dạy bảo chân tình, thấu đáo. Nối tiếp con đường khoa cử hai con trai ông cũng thành đạt: Vũ Văn Báo đỗ phó bảng, Vũ Văn Nghị đỗ cử nhân. Vốn quen lối sống thanh bạch, giản dị nên năm ông 70 tuổi, các con và học trò muốn tổ chức mừng khánh thọ cho ông thật linh đình, thì ông đã can ngăn. Nhân dịp này ông cho khắc một bài thơ chữ Hán lên bảng gỗ, xem như lời di huấn của ông. Bài thơ trên bảng gỗ này vẫn còn được lưu giữ ở Từ đường họ Vũ, làng Vĩnh Trụ quê ông. Dịch nghĩa: Già này bảy mươi đã nghỉ việc quan/ Ơn nước phúc nhà trọn đời làm nhà nho/ Anh em yên bình cũng là nhờ trời cho niềm vui ấy/ Cha mẹ vẫn còn phận làm con phải chăm lo phụng dưỡng/ Thời gian trôi nhanh phải ra công làm việc/ Sớm hôm lấy trung hiếu để làm vui/ Đó là thứ thuốc trường sinh lưu lại cho đời/ Cho cha mẹ được thọ như uống thuốc luyện cửu đan.
Giờ Tý ngày mồng ba tháng năm, niên hiệu Tự Đức thứ 30 (1878) Tiến sỹ Vũ Văn Lý - ông nghè Vĩnh Trụ từ trần, hưởng thọ 71 tuổi. Trên cánh đồng Chung làng Vĩnh Trụ, bia mộ ông khắc hàng chữ Hán trang trọng: “Vĩnh Xuyên thạch chí”. Hoàng Nguyễn đồng Tiến sỹ Trung Thuận đại phu. Thụy Đoan Cẩn, Quốc Tử Giám Tế tửu Vĩnh Xuyên vi công chi mộ”, nghĩa là: Mộ ông Vĩnh Xuyên (tên tự của Tiến sỹ Vũ Văn Lý. Thụy là Đoan Cẩn (tên sau khi mất). Chức Tế tửu Quốc Tử Giám, hàng Đại phu, được tặng mỹ tự là Trung Thuận, đỗ Đồng Tiến sỹ triều Nguyễn.
Tiến sỹ Vũ Văn Lý – ông nghè Vĩnh Trụ, nhà nho yêu nước, vị quan thanh liêm chính trực, nhà giáo dục lớn, mẫu mực, nhà thơ. Nhiều danh xưng trong một con người. Tên tuổi, cuộc đời, công trạng của ông cần được tôn vinh một cách xứng đáng.
Hoàng An