Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều đảng viên cựu chiến binh (CCB) vẫn luôn giữ vững bản lĩnh, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong sự nghiệp phát triển kinh tế, tích cực tham gia lao động sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
*Nhập ngũ năm 1992, năm 1998 xuất ngũ về địa phương tham gia công tác. Sau hơn 20 năm công tác ở huyện, đảng viên CCB Lại Văn Soàn, xã Đồn Xá (Bình Lục) nghỉ hưu sớm về tham gia phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương, thu tiền tỷ/năm.
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại bò 3B, anh chia sẻ: Thời gian công tác tại Huyện ủy Bình Lục, nhưng do đam mê nuôi trồng, năm 2010 tôi bắt đầu xây dựng một khu trang trại nhỏ, nuôi bò, gà, lợn… tranh thủ những ngày cuối tuần để mắt từng con bê, con gà… Và từ đây chính là cơ duyên để tôi mạnh dạn đầu tư nuôi bò 3B sinh sản.
Qua tìm hiểu được biết, từ trang trại nhỏ, CCB Lại Văn Soàn đã tích cực tìm hiểu và nhân giống thành công bò 3B từ giống bò vàng. Năm 2019, được huyện Bình Lục phê duyệt quy hoạch một khu đất để làm dự án nuôi bò 3B với quy mô 1.000 con, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại hợp lý, khoa học, đưa bò về trại được nuôi chung trong một chuồng, sau đó tiêm vaccine, phân loại trọng lượng từng con để có những phương pháp vỗ béo phù hợp. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho bò 3B anh đã thuê 100ha đất tại huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) để trồng ngô, trồng cỏ.
Ngoài phục vụ nguồn thức ăn cho trang trại, vùng nguyên liệu này còn cung ứng cho 50 hộ dân liên kết chăn nuôi bò. Đặc biệt, để xử lý lượng phân thải ra môi trường anh đã sử dụng hóa chất và mùn cưa làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi. Nhờ đó giảm thiểu mùi hôi thối rõ rệt, không phải mất công sức quét dọn thường xuyên, đồng thời tạo nguồn phân bón hữu cơ cho diện tích trồng cỏ.
Ngoài phát triển mô hình chăn nuôi của mình, CCB Lại Văn Soàn còn giúp đỡ nhiều hộ nông dân quanh vùng phát triển chăn nuôi; hiện anh liên kết với 50 hộ nông dân chăn nuôi theo quy trình khép kín, đồng bộ với trang trại của anh. Anh phân phối cho bà con từ giống, thức ăn và bảo đảm đầu ra với giá cao hơn vài giá so với thị trường. Do vậy nhiều năm nay bà con tin tưởng, tích cực hợp tác nên việc chăn nuôi cũng khá thuận lợi. Với mô hình chăn nuôi hiệu quả, vừa qua anh được bình chọn là 1 trong 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”.
*Xuất ngũ về quê hương năm 1987, kinh tế khó khăn, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, CCB Nguyễn Gia Thắng, thôn Đôn, xã Trịnh Xá (thành phố Phủ Lý) không khỏi trăn trở và suy nghĩ tìm hướng thoát nghèo.
Năm 2013, khi địa phương có chủ trương khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, CCB Nguyễn Gia Thắng đã bàn bạc với gia đình chuyển đổi diện tích ruộng cấy để xây dựng mô hình VAC.
Sau nhiều năm vất vả, đến nay, với diện tích gần 4 nghìn m2 CCB Nguyễn Gia Thắng quy hoạch thành 2 khu vực, khu chăn nuôi gia súc gia cầm, khu trồng cây ăn quả, thường xuyên duy trì gần 500 ngan đẻ, hơn 400 gà đẻ, na hơn 1 nghìn gốc, mít Thái 300 cây, đào Tết hơn 1 nghìn cây… trừ chi phí cho thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Chia sẻ về kinh nghiệm trong chăn nuôi, CCB Nguyễn Gia Thắng cho biết: Trong chăn nuôi, điều quan trọng nhất là phải tìm các giống cây trồng và con vật nuôi phù hợp với đặc điểm trang trại của mình và thị hiếu của người tiêu dùng. Khi chăn nuôi cần phải chú trọng về con giống, bảo đảm vệ sinh chuồng trại, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi. Từ đó mô hình chăn nuôi của gia đình luôn phát triển thuận lợi, ít bị dịch bệnh.
*Xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, có vùng đất bãi phù sa màu mỡ ven đê sông Hồng. Dựa vào thế mạnh này, năm 2008 đảng viên CCB Tống Văn Thức, thôn Hoàn Dương, xã Mộc Bắc đã quyết định tập trung phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương. CCB Tống Văn Thức sớm nhận thức rằng, phát triển chăn nuôi bò sữa là hướng đi đúng đắn và có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có như rơm, cỏ tại địa phương. Được sự giới thiệu của Hội CCB xã Mộc Bắc, CCB Tống Văn Thức vay Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Duy Tiên 100 triệu đồng, cùng với số tiền 300 triệu đồng tiết kiệm của gia đình mạnh dạn đầu tư mua 10 con bò sữa. Thời gian đầu, gia đình cũng gặp không ít những khó khăn, vì đây là một lĩnh vực chăn nuôi hoàn toàn mới. Trong khi mạng lưới cán bộ thú y ở địa phương chưa đáp ứng được công tác chuyên môn trong phòng dịch bệnh cho bò sữa, CCB Tống Văn Thức đã phải tìm cán bộ thú y từ thành phố Hưng Yên sang điều trị. Sau gần 1 năm bò sinh được 6 con bê cái và cho thu hoạch sữa. Bình quân mỗi ngày, vắt được 90kg sữa, với giá bán 13 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng 600 nghìn đồng/ngày tương đương với 18 triệu đồng/tháng.
Không dừng lại ở đó, năm 2013 CCB Tống Văn Thức thầu 1 lô đất mở rộng chuồng trại thêm 200m2, tiếp tục đầu tư mua con giống; chuyển hết 10 nghìn m2 đất của gia đình sang trồng cỏ nhằm bảo đảm thức ăn cho đàn bò. Hiện đàn bò thường xuyên duy trì hơn 40 con đang cho sữa. Sau khi trừ mọi chi phí, bình quân 1 năm trại bò của gia đình CCB Tống Văn Thức lãi ròng hơn 500 triệu đồng.
* Nhờ mạnh dạn đầu tư, phát triển đa dạng các mặt hàng kinh doanh như: Vật liệu xây dựng, cây, đá cảnh, lái máy xúc, máy ủi… mỗi năm đảng viên CCB Nguyễn Văn Hòa, thôn Hoàng Mai Yên, xã Liêm Phong (Thanh Liêm) có doanh thu hơn 10 tỷ đồng.
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, đảng viên CCB Nguyễn Văn Hòa lập gia đình và làm đủ thứ việc để kiếm sống, từ cấy lúa, trồng rau cho đến xay xát thức ăn chăn nuôi, làm thợ mộc… nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Năm 2004, với số vốn dành dụm được, CCB Nguyễn Văn Hòa quyết định chuyển sang kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng. Có thu nhập ổn định, ông lại mày mò tìm đến với nghề làm đá cảnh để vươn lên làm giàu.
CB Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: Tôi có được cơ ngơi như hôm nay, một phần không nhỏ là nhờ sự động viên, khích lệ của đồng đội. Những ngày đầu khởi nghiệp, các hội viên CCB trong chi hội đã tự nguyện giúp đỡ tôi về vốn, ngày công xây dựng nhà xưởng…
Không chỉ làm giàu cho gia đình, CCB Nguyễn Văn Hòa còn dạy nghề cho thanh niên địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho 6 - 10 lao động là con em CCB trên địa bàn với thu nhập từ 6 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Đó là bốn trong nhiều mô hình kinh tế của các đảng viên CCB điển hình tiêu biểu cho ý chí và nghị lực của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình hôm nay. Những tấm gương CCB tiêu biểu vượt khó, làm giàu cần được nhân rộng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.
Xuân Tuân