Từ lâu, bóng đá nữ được coi là “đặc sản” của tỉnh Hà Nam. Và người góp công trực tiếp gây dựng phong trào, giúp Hà Nam trở thành trung tâm đào tạo bóng đá nữ lớn thứ ba cả nước (một trong ba nguồn cung cấp nhân sự cho đội tuyển quốc gia sau Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh), người thầy của những cầu thủ có tiếng trong màu áo đội tuyển nữ quốc gia chính là Huấn luyện viên (HLV) Phạm Hải Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) tỉnh.
Năm 1998, khi đang là giáo viên dạy thể dục tại Trường Trung học phổ thông B Duy Tiên, thầy giáo Phạm Hải Anh được điều động về công tác tại Sở Thể dục thể thao, nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL). Từng tốt nghiệp khoa Bóng đá, Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh), thầy giáo Phạm Hải Anh được giao nhiệm vụ trực tiếp đi tìm hiểu và gây dựng phong trào từ cơ sở. Sau khi khảo sát thực tế, HLV Phạm Hải Anh làm tờ trình xin mở các câu lạc bộ (CLB) bóng đá nữ và bắt tay vào công việc bằng tâm huyết cùng quyết tâm cao độ. Trong khoảng thời gian từ tháng 9/1998 đến tháng 5/1999, toàn bộ 6 huyện, thị xã của Hà Nam khi đó đều mở CLB bóng đá nữ, thu hút gần 200 em tham gia, tuần tập 3 buổi. Phụ trách cả 6 CLB nên ngày ngày HLV Phạm Hải Anh tất tả đạp xe từ huyện này sang huyện khác, thứ bảy, chủ nhật cũng chẳng được nghỉ.
Ngày 1/9/1999, Đội bóng đá nữ Hà Nam được thành lập gồm 15 cầu thủ, HLV Phạm Hải Anh được giao trọng trách HLV trưởng. Từ năm 1999 đến năm 2009, đội ăn, ở, tập luyện tại thị trấn Hòa Mạc (Duy Tiên) trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Sân tập khi đó là những bãi đất trống, những thửa ruộng sau vụ gặt. Nơi ở của thầy trò là mấy gian nhà cấp 4 cũ. Việc đi chợ, nấu ăn, cắt cỏ, sửa chữa “sân tập”... thầy trò phải tự làm. Dụng cụ tập luyện thể lực duy nhất được trang bị cho toàn đội chỉ là một bộ tạ đòn 20kg. Nhớ lại thuở ban đầu đó, HLV Phạm Hải Anh bộc bạch: “Tôi kiêm nhiệm nhiều việc lắm, vừa là thầy giáo, bác sĩ, là cha mẹ, thậm chí là bảo vệ của các em. Không ít lần đội đang tập phải dừng lại đuổi trâu, bò hoặc “làm công tác tư tưởng” cho vận động viên trước sự quậy phá, trêu chọc của bạn khác giới”.
Tháng 10/2001, lần đầu tiên tham gia một giải đấu quốc tế (tổ chức tại Việt Nam), Đội bóng đá nữ non trẻ của quê hương Hà Nam đã xuất sắc giành Huy chương Bạc, gây tiếng vang lớn khi thắng Sóc Sơn (Hà Nội) và đặc biệt là thắng Bát Nhất (Trung Quốc) với tỷ số đậm 9 - 1. Cũng năm đó, khi tham gia khóa tập huấn nâng cao tại Hà Nội, HLV Phạm Hải Anh đã chủ động tiếp cận ông Steve Darby khi đó đang là HLV trưởng đội tuyển nữ quốc gia để giới thiệu về đội bóng nữ Hà Nam. Một tuần sau, đích thân HLV Phạm Hải Anh đưa Văn Thị Thanh và Nguyễn Thị Hương lên để ông Steve Darby kiểm tra kỹ thuật. Vị HLV người Anh đánh giá rất cao năng lực của hai cô gái này và khen ngợi sự nhiệt huyết của “thầy” Hải Anh... Đó cũng chính là dấu ấn của bóng đá vùng quê nghèo Hà Nam khi được HLV đội tuyển quốc gia “để mắt” tới, mở ra cơ hội “lên tuyển” cho những cầu thủ luôn khát khao muốn chứng tỏ mình.
Thành công lớn nhất của HLV Phạm Hải Anh là đã truyền lửa nhiệt huyết, đam mê cho học trò. Những cô bé vốn rụt rè, bỡ ngỡ với cuộc sống nơi thôn quê ngày ấy nhờ sự dẫn dắt, đào tạo, động viên, khích lệ của thầy Hải Anh giờ đã dần trưởng thành, được cả nước biết đến bởi thành tích sân cỏ như: Văn Thị Thanh (Quả bóng Vàng 2003, Quả bóng Bạc 2005), Nguyễn Thị Tuyết Dung (Quả bóng Vàng 2014, 2018; Quả bóng Bạc 2015, 2017), Nguyễn Thị Hương, Vũ Thị Lành, Đoàn Thị Hải Sâm…
Sự nhạy bén, tinh tế trong tuyển chọn vận động viên là khả năng trời phú cho HLV Phạm Hải Anh. Ít ai biết rằng Nguyễn Thị Hương – cầu thủ đầu tiên của Hà Nam được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, tham dự 2 kì đại hội TDTT châu Á tại Pusan (Hàn Quốc) và Quảng Châu (Trung Quốc) từng chỉ là nhân viên cấp dưỡng của đội. Khi chỉ tiêu tuyển chọn 15 cầu thủ đã hoàn thành, HLV Hải Anh mới gặp Nguyễn Thị Hương. Nhận thấy cô bé có tố chất đá bóng, ông quyết định “nuôi thêm” dù không có bất cứ chế độ đãi ngộ nào. Không phụ lòng thầy, Hương chăm chỉ luyện tập, phát huy khả năng và sau này tỏa sáng trên cương vị đội trưởng đội bóng đá nữ Hà Nam cũng như trong màu áo tuyển quốc gia. Lựa chọn Văn Thị Thanh cũng là sự táo bạo của HLV Hải Anh bởi khi dự tuyển Thanh thấp bé, gầy còm hơn so với tuổi, lại hay mất bình tĩnh. Nửa năm sau khi tập trung cùng đội bóng Thanh còn nức nở xin về với lí do “các bạn chê chân em vòng kiềng, không đá bóng được”. Ông đã mỉm cười xoa đầu Thanh, giúp em xua đi mặc cảm, tự ti bằng câu nói mà sau này trở thành điểm tựa giúp Văn Thị Thanh bản lĩnh, vững vàng hơn: “Thầy chọn em chính vì đôi chân vòng kiềng đấy”.
Nghiêm khắc, tỷ mỉ, cẩn trọng trong công việc, song ngoài đời HLV Phạm Hải Anh là người tâm lý, nhìn xa trông rộng, hết lòng vì học trò. Từng là nhà giáo nên ông rất chú trọng việc phát triển nhân cách, định hướng tương lai. Chính ông gợi mở cho học trò đi học để khi giã từ sân cỏ dễ dàng kiếm được cơ hội việc làm. 22 cầu thủ - lứa học trò đầu tiên ông tuyển dụng (năm 1999 - 2000) thì có tới 21 em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có công việc ổn định, trong đó Văn Thị Thanh, Nguyễn Thị Khánh Thu hiện đang theo đuổi nghiệp HLV của thầy. Ông vẫn thường xuyên trợ giúp học trò về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm cầm quân với niềm mong mỏi các em “tiến xa hơn thầy”.
Không những là người đặt nền móng cho bóng đá nữ Hà Nam, HLV Phạm Hải Anh còn được biết là người "ươm mầm" cho bóng đá nữ Sơn La. Năm 2011, lên với núi rừng Tây Bắc, cùng với những HLV trẻ của Sơn La, ông đã lặn lội qua bao thác ghềnh, vượt qua nhiều cung đường hiểm trở, đi tới từng bản, từng làng tìm kiếm, thuyết phục gia đình các em nữ có năng khiếu bóng đá để các em có được cơ hội theo đuổi niềm đam mê. Nhờ vậy, năm 2012 Đội Bóng đá nữ Sơn La được thành lập với 25 cầu thủ, đến giờ đã có được những thành công nhất định.
Hà Nam hiện đang đào tạo 3 lứa nữ cầu thủ, gồm: Năng khiếu (U13 tới U16), U19 và đội Một. Đưa các danh thủ về lại lò đào tạo theo công tác huấn luyện là chiến lược xuyên suốt của đội Hà Nam. Trước khi chuyển công tác lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Văn Thị Thanh từng có thời gian dài làm HLV tại quê nhà. Hiện những chân sút một thời như: Nguyễn Thị Khánh Thu, Trần Lệ Thủy, Nguyễn Thị Tuyết Dung… đang là lớp HLV, trợ lí HLV của Phong Phú Hà Nam. Mỗi năm, Hà Nam đóng góp hàng chục tuyển thủ cho đội U19 và tuyển nữ quốc gia. Được sự quan tâm của tỉnh, cơ sở vật chất và chế độ cho VĐV trong những năm qua có nhiều cải thiện. Việc tuyển chọn, đào tạo VĐV cũng mở rộng phạm vi. Lứa năng khiếu Hà Nam hiện có nhiều cầu thủ nữ từ Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Sơn La, Nam Định...
Bận rộn với trọng trách quản lý Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT nhưng mỗi lần nói về bóng đá, HLV Phạm Hải Anh vẫn cháy lên ngọn lửa đam mê. Điều ông mong mỏi là ngoài chế độ, chính sách của ngành TDTT hay VFF thì các địa phương, doanh nghiệp, mạnh thường quân quan tâm sát sao hơn tới cầu thủ nữ để các em được tiếp thêm năng lượng, có thể tỏa sáng, cháy hết mình trên sân cỏ.
Với những cống hiến cho bóng đá nữ Hà Nam nói riêng, bóng đá nữ nước nhà nói chung, HLV Phạm Hải Anh đã nhiều lần được các cấp khen thưởng. Nhưng với ông, niềm vinh hạnh lớn lao nhất chính là sự trưởng thành, vươn xa của những thế hệ học trò.
Hoàng Oanh