Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đình Lâu và hành trình tìm lại điệu hát Trống quân

Giữa tháng 11 năm 2023 tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi điện thoại từ Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đình Lâu – người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để nghiên cứu, sưu tầm các điệu hát Trống quân cổ ở xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm. Qua điện thoại, bác Lâu phấn khởi thông báo cho tôi tin vui: Hát Trống quân Liêm Thuận đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. Tôi chúc mừng bác Lâu và chúc mừng người dân Liêm Thuận. Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia chính là nền tảng và động lực quan trọng để hát Trống quân Liêm Thuận được bảo tồn, phát huy trong giai đoạn mới. Đặc biệt, là người dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến các điệu hát Trống quân nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đình Lâu giờ đã hoàn toàn yên tâm: Hát Trống quân Liêm Thuận sẽ được các thế hệ giữ gìn và tiếp nối tới mai sau.

Lần nào về Liêm Thuận tìm hiểu về hát Trống quân chúng tôi cũng tìm gặp và hỏi chuyện Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đình Lâu, người đã dành hơn 30 năm để nghiên cứu, sưu tầm điệu hát Trống quân cổ của quê hương. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đồng chiêm Liêm Thuận, từ nhỏ, trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày thỉnh thoảng bác Lâu chợt nghe được những câu hát Trống quân cổ mượt mà, sâu lắng từ các bà, các mẹ trong lúc ru cháu, ru con; thậm chí từ những người thợ cày, thợ cấy khi làm việc ngoài đồng... Đó chỉ là một vài câu hát bất chợt được cất lên trong lúc mọi người đang làm việc nhưng đọng lại trong cậu bé Lâu ngày ấy rất nhiều cảm xúc. Lớn lên, bác Lâu công tác xa quê suốt một thời gian dài. Năm 1983 sau khi nhận quyết định nghỉ hưu bác Lâu trở về gắn bó với quê hương. Về nghỉ hưu, nhận thấy những điệu hát Trống quân xưa của quê hương đã bị mai một, chỉ còn rất ít người biết... bác Lâu nuối tiếc không nguôi.

Sau nhiều trăn trở, suy nghĩ, bác Lâu dự định sẽ dành thời gian, công sức để nghiên cứu, sưu tầm với mục đích lưu giữ lại những làn điệu hát Trống quân cổ của quê hương. Thật may mắn, năm 1985 bác Lâu được giao nhiệm vụ làm cán bộ văn hóa xã, đây chính là điều kiện hết sức thuận lợi để bác Lâu thực hiện dự định đã ấp ủ bao lâu của mình. Thời gian làm cán bộ văn hóa xã, bác Lâu có cơ hội tìm hiểu, gặp gỡ và trao đổi với những người biết về hát Trống quân cổ ở địa phương. Trong quá trình gặp gỡ, hỏi chuyện bác Lâu cẩn thận ghi chép lại đầy đủ, chính xác vào sổ tay. Nhận thấy những người biết về hát Trống quân còn không nhiều, phần lớn đều là người cao tuổi, vì vậy, vào ngày nghỉ bác Lâu tranh thủ đạp xe đi sưu tầm những câu hát Trống quân và những tư liệu liên quan đến hát Trống quân Liêm Thuận...

Cứ như vậy, suốt hơn 30 năm dầy công nghiên cứu, sưu tầm; với nỗ lực không mệt mỏi; với tình yêu, đam mê và tâm huyết dành cho hát Trống quân, đến nay bác Lâu đã sưu tầm được 146 bài hát đúm, 98 bài hát đối đáp giao duyên, 18 bài hát địch vận trong thời kỳ chống Pháp 1945-1954… Trong quá trình đi sưu tầm, nghiên cứu bác Lâu còn nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc của hát Trống quân, về ngày hội hát Trống quân; biết được những nét hay, nét riêng biệt và nét độc đáo chỉ có ở hát Trống quân Liêm Thuận... Ghi nhận nỗ lực và đóng góp quan trọng trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến những điệu hát Trống quân, năm 2019 bác Lâu vinh dự được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đình Lâu cẩn thận lưu giữ những tư liệu sưu tầm về hát Trống quân cổ ở Liêm Thuận. Ảnh: Thanh Châu

Nói về hát Trống quân, bác Lâu từng chia sẻ với chúng tôi: Qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi được biết, câu hát Trống quân ở Liêm Thuận bắt nguồn từ câu hát trống canh của những người lính gác xưa khi đi tuần trên sông nước. Qua thời gian, những câu hát trống canh dần trở thành những câu hát Trống quân mượt mà, sâu lắng, chan chứa nghĩa tình. Liêm Thuận xưa kia là vùng chiêm trũng, mùa mưa nước ngập đến tận chân tre, người dân bốn tháng đi chân, tám tháng đi tay (đi thuyền, chèo bằng tay). Thuyền to, thuyền bé – nhà nào cũng có thuyền. Mùa nước ngập bước chân đi là bước xuống thuyền... Xuống thuyền, theo nhịp đều đều của tay đẩy sào, chân chèo mái là họ bắt đầu hát trống quân cho vơi đi nỗi vất vả nhọc nhằn, cho đỡ lẻ loi cô độc giữa đồng rộng bao la...

Hát Trống quân ở Liêm Thuận là tiếng hát chân quê dân dã mộc mạc, thân quen và gần gũi, ăn sâu vào đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân. “Thoạt vào tôi chào trống quân/ Tôi chào các bác xa gần về chơi/ Hát cho tỏ mặt tỏ người/ Biết tình biết tính biết nơi ông bà/ Hát cho tỏ mặt đôi ta/ Cho thuyền nên bến mấy xa cũng gần”; “Trăng rằm đã tỏ mặt người/ Thuyền trăng năm ngoái có còn đầy chăng?/ Thuyền người giăng mắc trống quân/ Thuyền ta thang dóng quây vần vào nhau/ Hát câu giải đố trước sau/ Lời nguyền thêm tỏ miếng trầu thêm xinh/ Bây giờ ta gặp lại mình/ Thuyền trăng thuyền gió thì thình trống quân”; “Trống quân đây đã mắc rồi/ Đừng như con bướm đậu rồi lại bay/ Trống quân càng hát càng say/ Đã say vì nết lại say vì tình/ Đấy đây vừa đẹp vừa xinh/ Vừa đôi phải lứa thuận tình với nhau/ Đấy mà trước vẫn như sau/ Đây thưa thầy mẹ mang trầu sang chơi”...

Năm 2006, được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương, cộng với sự nỗ lực, tâm huyết và quyết tâm của những người yêu và mong muốn giữ gìn, phát huy làm điệu hát Trống quân, Câu lạc bộ (CLB) hát Trống quân Liêm Thuận chính thức được thành lập. Từ khi thành lập đến nay, không chỉ gìn giữ, bảo tồn, phát huy những làn điệu hát trống quân cổ của quê hương, CLB hát Trống quân Liêm Thuận còn sáng tác, biểu biễn những tiết mục mới dựa trên làn điệu hát trống quân cổ để phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của người dân địa phương.

Với mong muốn hát trống quân ngày càng được phổ biến rộng rãi ở địa phương, những năm qua, vừa là thành viên nhiệt tình, tích cực, tâm huyết và trách nhiệm với CLB, bác Lâu còn là người chủ động trong phối hợp vận động, tuyên truyền để đưa hát Trống quân vào dậy ở các bậc học của xã trong những giờ ngoại khóa. Để các cháu học sinh dễ tiếp cận với hát Trống quân bác Lâu đã dành thời gian soạn giáo án sao cho phù hợp, dễ hiểu, dễ nghe với từng độ tuổi... nhằm thu hút, tạo sự gắn kết và tình yêu của thế hệ trẻ với hát Trống quân…

Từng có thời gian bị quên lãng, bị mai một, sau biết bao nỗ lực cố gắng, đến nay hát Trống quân Liêm Thuận đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, được nhiều người biết đến. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đình Lâu hạnh phúc chia sẻ: Được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” hát Trống quân Liêm Thuận không chỉ khẳng định được giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ, lưu giữ cũng như ý thức trong kế tục và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng, độc đáo chỉ có hát trống quân ở vùng đồng chiêm Liêm Thuận. 

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy