Nghề làm nhà gỗ ở Lý Nhân

Khi chất lượng cuộc sống ngày càng trở nên khá giả, sung túc hơn, nhiều gia đình lại có xu hướng sống hoài cổ, thích sống trong không gian nhà gỗ được chế tác theo kiến trúc cổ xưa. Thú vui này đang góp phần thúc đẩy nghề làm nhà gỗ phát triển tại các địa phương trên địa bàn huyện Lý Nhân.

Lý Nhân là một trong những địa phương của tỉnh phát triển mạnh nghề mộc, trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã: Nhân Khang, Xuân Khê, Nhân Chính, Đức Lý, Văn Lý, Công Lý và thị trấn Vĩnh Trụ… Bên cạnh việc làm ra các sản phẩm gỗ nội thất, việc sản xuất, chế tác các ngôi nhà gỗ theo kiến trúc cổ xưa cũng đang được các cơ sở mộc đầu tư, phát triển mạnh. Chẳng hạn như tại Thôn 2 - Công Xá, thị trấn Vĩnh Trụ, toàn thôn có trên 150 hộ đang tham gia làm nghề mộc (chiếm khoảng 40% tổng số hộ dân trong thôn). Trong số đó, có gần chục hộ có xưởng sản xuất đồ gỗ với quy mô lớn chuyên nhận làm nhà gỗ. Ngoài ra, Thôn 2 – Công Xá còn có gần 20 hộ mở xưởng mộc và phát triển nghề làm nhà gỗ tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ông Trần Xuân Chữa, Trưởng thôn 2 - Công Xá cho biết: Hơn chục năm về trước, đời sống của người dân còn khó khăn, các gia đình có xu hướng làm nhà xây và sử dụng các vật dụng bằng nhựa, kim loại để thay thế gỗ nhằm tiết kiệm chi phí. Vì vậy, nghề mộc ở địa phương không phát triển mạnh như bây giờ. Người dân trong thôn khi ấy chủ yếu làm nghề mành nứa trong thời gian nông nhàn để có thêm thu nhập. Khoảng 5-7 năm trở lại đây, mức sống được nâng lên đã kéo theo sự phát triển của nghề mộc, nhất là xu hướng làm nhà gỗ từ các hộ gia đình. Nhiều xưởng làm quanh năm không hết việc. Từ đó, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho  lượng lớn lao động trên địa bàn.

Xưởng làm nhà gỗ của gia đình anh Trần Văn Thiềng, Thôn 2 - Công Xá có gần 20 lao động đang làm việc thường xuyên. Bình quân mỗi năm, anh Thiềng nhận làm từ 2-4 nhà gỗ với trị giá bình quân 4-5 tỷ đồng/nhà. Có những ngôi nhà gỗ anh Thiềng nhận làm có trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng. Phần lớn đối tượng khách hàng đặt làm nhà gỗ tận xưởng của anh Thiềng là các hộ gia đình ở Hà Nam và các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Hưng Yên với thiết kế nhà 5 gian theo kiến trúc nhà cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Nghề làm nhà gỗ ở Lý Nhân
Xưởng làm nhà gỗ của hộ gia đình anh Trần Văn Thiềng, Thôn 2 - Công Xá, thị trấn Vĩnh Trụ tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động địa phương. Ảnh: Hân Hân

Anh Thiềng cho hay: Khoảng chục năm trở lại đây, phong trào chơi nhà gỗ thịnh hành, phát triển mạnh ở Hà Nam cũng như các tỉnh, thành trên cả nước. Các hộ gia đình chủ yếu sử dụng gỗ lim để dựng nhà vì giá thành phải chăng, dao động từ 3-5 tỷ đồng/căn. Còn những hộ có điều kiện kinh tế tốt thì lựa chọn dựng nhà bằng gỗ hương có trị giá hơn chục tỷ đồng. Hầu hết các công đoạn đều phải làm thủ công nên với mỗi căn nhà gỗ, xưởng của tôi phải mất 4-5 tháng để hoàn thành. Do vậy, dù nhu cầu của thị trường là rất lớn nhưng tôi không dám nhận nhiều công trình trong một năm vì không bảo đảm tiến độ.

Theo chủ các cơ sở kinh doanh, sản xuất đồ gỗ ở Thôn 2 - Công Xá, tùy theo từng loại gỗ, diện tích, độ tinh xảo khác nhau mà mỗi căn nhà gỗ sẽ có giá khác nhau. Có căn chỉ khoảng 500 triệu đồng nhưng có căn giá lên đến vài chục tỷ đồng. Hiện nay, các hộ gia đình không chỉ sử dụng nhà gỗ để làm nhà ở mà còn có nhu cầu dựng nhà gỗ với diện tích 20-30 m2 đặt trong sân vườn để làm nơi tiếp khách hoặc làm nơi ngồi chơi giải trí của gia đình. Ngoài ra, các khu nghỉ dưỡng ở các tỉnh miền Trung, miền Nam cũng đang rất chuộng mô hình này. Theo đó, nhiều hộ dân ở Thôn 2 – Công Xá đã đi các tỉnh để sinh sống và phát triển nghề. Với những căn nhà gỗ được sử dụng để giải trí và tiếp khách như vậy, các hộ thường làm theo kiến trúc nhà lục giác, bát giác… có giá từ 500 triệu đồng cho đến trên 1 tỷ đồng.

Nghề làm nhà gỗ ở Lý Nhân
Nhà gỗ có nhiều chi tiết được trạm trổ hoa văn, họa tiết đòi hỏi thợ có tay nghề cao.

Còn theo các hộ làm nhà gỗ ở xã Xuân Khê, nhiều năm trở lại đây, nguồn gỗ quý của Việt Nam đã cạn kiệt, khan hiếm. Hầu hết các cơ sở sản xuất đồ gỗ phải nhập nguồn gỗ từ nước ngoài về, chủ yếu là từ các nước châu Phi như: Lim, gõ đỏ, cẩm tím để dựng nhà gỗ. Là một trong những xưởng sản xuất nhà gỗ lớn trên địa bàn xã Xuân Khê, xưởng gỗ mỹ nghệ của gia đình ông Trương Minh Ngọc, thôn Trung Châu đang tạo việc làm cho trên 100 lao động. Bên cạnh các mặt hàng như bàn ghế, trường kỷ, tủ thờ, những năm qua, xưởng gỗ của anh Ngọc còn nổi tiếng khắp vùng với việc phát triển mạnh sản phẩm nhà gỗ. Theo nghề chế biến gỗ truyền thống của gia đình khi mới hơn 10 tuổi, anh Ngọc đã nằm lòng đối với từng đường cưa, nhát đục trong việc chế tác ra hoa văn, họa tiết cho các ngôi nhà gỗ cổ. Anh Ngọc chia sẻ: Đến nay, sau 40 năm làm nghề và đam mê với nghề, tôi không nhớ mình đã trực tiếp tham gia dựng bao nhiêu ngôi nhà gỗ cổ. Chỉ biết rằng, có những năm, xưởng của tôi dựng đến chục ngôi nhà gỗ ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Để có được một ngôi nhà gỗ đẹp thì phải bảo đảm nhiều yếu tố: Chất liệu gỗ tốt như gỗ lim, gõ đỏ, gỗ hương… Bên cạnh đó, kết cấu của ngôi nhà phải bảo đảm được độ hài hòa. Đặc biệt là kỹ thuật chạm khắc các họa tiết trên đầu các băng, kèo phải thật tinh xảo, sống động.

 Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân, đối với nhóm nghề chế biến gỗ, toàn huyện hiện có 12 làng nghề, làng có nghề, thu hút trên 1.200 lao động tham gia làm nghề. Ngoài các làng nghề này, trong những năm gần đây, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều phát triển nghề mộc với nhiều xưởng có quy mô lớn. Bên cạnh các sản phẩm phổ biến như giường, tủ, bàn, ghế, các xưởng mộc đã nhạy bén, năng động trong việc nắm bắt cơ hội để phát triển nghề làm nhà gỗ - một trong những sản phẩm mang lại nguồn thu nhập cao cho hộ sản xuất và công nhân lao động. Trong thời gian tới, huyện Lý Nhân sẽ tiếp tục quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển các làng nghề nói chung, làng nghề sản xuất gỗ nói riêng. Cùng với đó, hỗ trợ các cơ sở làng nghề quảng bá, xây dựng thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy