Nét xưa trong lòng Phủ Lý

Từ một thị xã nhỏ bé, Phủ Lý bây giờ đã là thành phố, đô thị loại II với những nhà cao tầng san sát, dân cư đông đúc. Nhưng đi trong thành phố hiện đại hôm nay vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những nét xưa cũ của vùng đất này còn lưu lại. Đó là những tên địa danh, hàng quán, di tích,… đã gắn liền với sự hình thành, phát triển của Phủ Lý. Giữa các khu nhà khang trang, con đường rộng dài sôi động, những dấu tích xưa cũ như những nốt trầm tạo nét sâu lắng cho Phủ Lý, quyện hòa truyền thống và hiện đại. 

Ở Phủ Lý có đường Châu Cầu. Ít ai biết cái tên Châu Cầu có từ trước khi tỉnh Hà Nam được thành lập (20/10/1890) và vùng đất Châu Cầu trước đây chính là tiền thân của Phủ Lý. Theo cuốn “Nét văn hóa dân gian của Phủ Lý xưa” của Bắc Môn, trước khi thành lập tỉnh Hà Nam, Phủ Lý chưa có tên gọi nhưng xã Châu Cầu đã có lịch sử rất lâu đời. Châu Cầu xưa kia chỉ là vùng đất hoang, lau sậy rậm rạp, nhiều hồ ao, đầm lầy, gò đống.

Thời Tiền Lê, thời Lý có cho đào con mương to lấy nước từ sông Đáy, sông Nhuệ để phục vụ tưới tiêu, lâu dần thành sông xuyên thẳng ra Tắc Giang cống Hữu Bị nối với sông Hồng. Sông mới có cầu gỗ bắc qua nơi đầu nguồn, gọi là Lâm Cầu. Nhờ có chiếc cầu này người dân ở các nơi tụ về đánh bắt tôm, cua, cá… trên sông, lâu dần định cư hai bên bờ hình thành làng mạc thành xã Lâm Cầu. Làng bên tả ngạn phía Bắc mang tên cùng với tên cầu là Lâm Cầu, nhưng do có thể trùng tên húy họ hàng vua hay quan trị nhậm nên sau này gọi chệch đi là Lam Cầu. Làng bên hữu ngạn sông gọi là Châu Cầu bởi sông ngoài nhiều tôm cá còn có nhiều trai to có ngọc nên lấy chữ Châu ghép với chữ Cầu để thành tên làng Châu Cầu. Sông Châu cũng có tên từ đó. 

Nét xưa trong lòng Phủ Lý
Trung tâm thị xã Phủ Lý năm 1997. Ảnh tư liệu

Sau khi tái lập tỉnh (1/1/1997), Phủ Lý được mở rộng địa giới hành chính, nhiều tuyến phố mới được hình thành với tên mới. Một số tuyến phố cũ được đổi tên. Đường Châu Cầu vẫn được giữ nguyên tên cũ. Đường Châu Cầu nối từ đường Quy Lưu, cắt ngang đường Biên Hòa, đầu kia bắt vào đường Lê Lợi.  

Quy Lưu cũng là một cái tên của Phủ Lý xưa. Quy Lưu trước đây là tên làng, sau thành tên phố, và bây giờ được lưu lại là tên đường. Đường Quy Lưu nối từ đường Trần Thị Phúc (trước đây người dân gọi là đường sau ga) đến đường quai đê, chạy cắt ngang chiều ngang nội thành Phủ Lý, cắt các đường: Nguyễn Văn Trỗi, Trường Chinh, Lê Công Thanh.  

Ở Phủ Lý còn có tên Biên Hòa gắn với nhiều địa danh: Đường Biên Hòa, rạp chiếu bóng Biên Hòa, Trường THPT chuyên Biên Hòa. Cái tên này gắn với Hà Nam, với Phủ Lý từ những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với phong trào kết nghĩa Bắc-Nam. Hà Nam khi đó kết nghĩa với tỉnh Biên Hòa (bây giờ thuộc tỉnh Đồng Nai) nên đặt một số địa danh mang tên Biên Hòa. Những tên này vẫn được giữ đến bây giờ (trừ rạp chiếu bóng Biên Hòa không còn), như một sự nhắc nhớ về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng với những phong trào thi đua sôi nổi của quân và dân Phủ Lý. 

Nét xưa trong lòng Phủ Lý
Thành phố Phủ Lý hôm nay. Ảnh: Thế Trang

Ai từng lớn lên ở Phủ Lý trước đây chắc quá quen thuộc với những địa danh mang tên Bầu: Làng Bầu, chùa Bầu, hồ Bầu, chợ Bầu. Những tên địa danh này, chỉ trừ làng Bầu là không còn, còn lại vẫn được giữ đến bây giờ. Chợ Bầu trước đây là chợ của làng Bầu, sau mở rộng dần thành chợ lớn của vùng. Những năm 30-40 của thế kỷ trước, đây luôn là một chợ sầm uất, đông đúc với phong phú các mặt hàng. Cứ mỗi khi đến chợ phiên, người dân ở các tỉnh lân cận theo đường sông, đường bộ mang hàng lên chợ bán. Chợ Bầu xưa ghi dấu ấn khá đậm nét trong đời sống của người dân Phủ Lý, đã đi vào ca dao: 

“Gặp nhau ở chốn chợ Bầu
Thắm vôi Sở Kiện, miếng trầu trao duyên”
Hay:
“Chợ Bầu đi nhớ, về vui
Sáu phiên một tháng cho tôi bằng lòng
Chợ Bầu có bán bầu không?
Vỏ ngoài thì cứng, ruột trong thì mềm
Ước gì ta được hợp duyên
Rủ nhau đi họp chợ phiên những ngày”

Nét xưa trong lòng Phủ Lý
Chợ Bầu. Ảnh: Đỗ Hồng

Chợ Bầu đã đổi vị trí nhiều lần, sau đó không còn tồn tại. Sau này thành phố Phủ Lý đã lấy lại tên chợ Bầu để đặt thay cho tên chợ Phủ Lý (vốn trước đây là chợ Trấn). Đây là một quyết định đúng đắn, giữ lại tên một địa danh có nhiều ý nghĩa văn hóa trong quá trình phát triển đi lên của thành phố.  

Chùa Bầu (Thiên Bảo Tự) cũng có liên quan đến làng Bầu. Ngoài thờ tứ pháp, trước kia bên cạnh chùa còn có đình thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng và phủ thờ mẫu Thủy Tinh công chúa. Trước chùa Bầu là hồ Bầu phẳng lặng bình yên. Phía bên này hồ Bầu là Công viên Nguyễn Khuyến xanh mướt bốn mùa. Quần thể thắng cảnh, di tích, khu vui chơi giải trí, văn hóa tâm linh nơi đây tạo thành điểm nhấn du lịch của thành phố Phủ Lý. Nhiều người dân thành phố thường lui tới chùa Bầu lễ Phật, vãng cảnh, thư giãn. Nhiều du khách khi về Phủ Lý đều được giới thiệu đến thăm, chiêm bái, vãng cảnh chùa Bầu. Hiện chùa Bầu cũng là nơi đặt trụ sở Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam.
Ngoài tên các địa danh cũ còn được lưu lại, ở Phủ Lý bây giờ vẫn còn một số cửa hiệu kinh doanh, làm nghề có lịch sử hình thành từ những năm 30, 40 của thế kỷ trước. Đó là hiệu ảnh Đồng Ích (hiện chuyển về đường Nguyễn Văn Trỗi, gần chùa Bầu). Hiệu ảnh này có từ trước Cách mạng Tháng Tám, là hiệu ảnh nổi tiếng nhất nhì Phủ Lý ngày đó. Tuy người sáng lập ra hiệu ảnh là cụ Hồ Văn Được không còn, nhưng con cháu của cụ vẫn tiếp tục nối nghiệp và phát triển thêm một số hiệu ảnh nữa, như hiệu ảnh Hồ Thủy, Hồ Tùng. 

Đối diện Trường THCS Lương Khánh Thiện bây giờ có Hiệu đồng hồ Minh Tường. Hiệu đồng hồ này cũng có trước Cách mạng Tháng Tám. Hiệu đồng hồ Minh Tường bây giờ do cháu nội của người sáng lập ra cửa hiệu này làm chủ, và vẫn ở đúng vị trí trước đây. Ngoài cửa hiệu này, con cháu của người chủ sáng lập Hiệu đồng hồ Minh Tường đã phát triển thêm gần chục hiệu đồng hồ nữa ở trong và ngoài tỉnh. 

Cuối đường Biên Hòa có Tiệm bánh Anh Thu. Tiệm bánh này cũng có từ những năm 40 của thế kỷ XX và hiện tại vẫn làm một số loại bánh phục vụ cưới hỏi, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu. 
Ở Phủ Lý còn có hiệu thuốc gia truyền Quảng Thành, thuốc gia truyền Lang Điều nổi tiếng từ xa xưa và bây giờ vẫn được con cháu nối nghiệp.

Nét xưa trong lòng Phủ Lý
Bà Phạm Thị Thanh, vợ của ông chủ hiệu bánh Anh Thu (đường Biên Hòa) giới thiệu sản phẩm bánh khảo của cửa hiệu. Ảnh: Đan Vũ

Đi trên những con đường ở Phủ Lý, thi thoảng bắt gặp một chiếc lô cốt từ thời Pháp thuộc. Những chiếc lô cốt đã phủ rêu phong, như một chứng tích về giai đoạn thực dân Pháp đô hộ, nhắc nhở con cháu hôm nay nhớ về một giai đoạn lịch sử không thể nào quên...      

Từ một thị xã nhỏ bé với dân số không quá 3 nghìn người, diện tích đất đai 1km2 (theo cuốn “Nét văn hóa dân gian của Phủ Lý xưa” của Bắc Môn), Phủ Lý hôm nay đã là đô thị loại II với diện tích 8.787,30 ha, gồm 21 đơn vị hành chính, 158.430 nhân khẩu. Thành phố Phủ Lý ngày càng phát triển, nhịp sống đô thị cứ trôi chảy, nhưng bên cạnh không khí sôi động, những công trình hiện đại, vẫn còn đó lưu đọng những nét xưa cũ, trên đường phố, trong kiến trúc, trong đời sống người dân. Cũ và mới, truyền thống và hiện đại tạo cho Phủ Lý vẻ đẹp hài hòa sâu lắng, cũng là yếu tố giúp Phủ Lý phát triển bền vững.

Yên Chính

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy