Vùng đất Hà Nam xưa mang danh xưng Trấn Sơn Nam - một trong “tứ trấn” (*) trọng yếu trấn giữ Kinh thành Thăng Long qua nhiều triều đại phong kiến Đại Việt.
Vùng đất “cửa ngõ phía nam Thủ đô”- Hà Nam ngày nay không chỉ tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng của Trấn Sơn Nam xưa mà còn được xa gần biết đến, nhắc đến nhiều hơn bởi là địa phương “nằm trong quy hoạch xây dựng vùng thủ đô”, “vị trí trung tâm kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Hồng”... Và mới đây, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, mục tiêu “phấn đấu đạt mức phát triển khá của khu vực Đồng bằng Bắc bộ” một lần nữa thể hiện quyết tâm cùng khát vọng vươn tới của người dân Trấn Sơn Nam - Hà Nam giàu truyền thống văn hiến, cách mạng.
Còn nhớ thời điểm tái lập tỉnh (1997), với số thu ngân sách vỏn vẹn khoảng 70 tỷ đồng/năm, cả tỉnh chưa có nổi một cụm công nghiệp…, lúc ấy, dù lạc quan đến mấy cũng ít ai dám “mơ” rằng vùng đất thuần nông, chủ yếu độc canh cây lúa, 90% dân số phụ thuộc vào nông nghiệp- Hà Nam sẽ sớm trở thành tỉnh công nghiệp. Nhưng rồi trong thế khó ấy, bằng quyết tâm và khát vọng vươn tới, người dân Trấn Sơn Nam- Hà Nam đã bền bỉ vượt lên khó khăn, chinh phục những đỉnh cao mới về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Số thu ngân sách- một trong những chỉ tiêu quan trọng thể hiện sự tăng trưởng kinh tế của Hà Nam lần lượt chinh phục, vượt qua những dấu mốc đáng nhớ: 1 nghìn tỷ đồng (năm 2008); 5 nghìn tỷ đồng (năm 2016); 7 nghìn tỷ đồng (năm 2018, về đích trước 2 năm so với chỉ tiêu Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh) và năm 2020 chính thức vượt ngưỡng 10 nghìn tỷ đồng.
Quyết tâm cùng khát vọng vươn tới của người dân Trấn Sơn Nam- Hà Nam thời kỳ mới thể hiện rõ nhất chính là ở ý chí kiên trì, bền bỉ biến khó khăn thành lợi thế, ở định hướng “huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển văn hóa, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”(**). Vượt lên thế khó thuần nông, người dân Hà Nam cụ thể hóa quyết tâm và khát vọng vươn tới bằng những mục tiêu đột phá táo bạo, không dễ thực hiện, đó là: phấn đấu biến một địa phương thuần nông trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ y tế, đào tạo nhân lực, du lịch. Và trước thềm Xuân mới Tân Sửu này, khách xa, khách gần đã biết đến, nhắc đến Hà Nam nhiều hơn bởi những địa danh mới: Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc; Khu Đại học Nam Cao; cơ sở II Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và 4 khu công nghiệp cùng mang tên Đồng Văn…
Quyết tâm và khát vọng vươn tới ấy mới còn hiện hữu bằng tâm niệm khơi nguồn, tiếp nối, phát huy những tinh hoa giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc mà cha ông truyền lại. Quyết tâm và khát vọng vươn tới ấy tích tụ, tỏa rạng ở việc phục dựng, duy trì Lễ hội Tịch điền khai mở đồng đất, mùa vụ đầu xuân hằng năm. Trong lễ hội đậm đà bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc ấy, tinh thần “canh nông vi bản”, “thực túc binh cường” của cha ông thuở trước tiếp tục được nối truyền, nhân lên và gắn quyện hài hòa với nghi thức tôn vinh, cổ vũ những điểm sáng điển hình trong nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu hôm nay.
Quyết tâm và khát vọng vươn tới của người Hà Nam còn tích tụ, tỏa rạng trong Lễ hội Phát lương Đức Thánh Trần (rằm tháng giêng), và mới đây đã bắt đầu thành hẹn, thành nếp - Lễ hội chùa Tam Chúc (mười hai tháng giêng), lễ hội từ ngôi chùa lớn đang sở hữu nhiều kỷ lục thế giới, thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến với vùng đất Hà Nam giàu lòng mến khách và đang từng ngày khởi sắc. Quyết tâm và khát vọng vươn tới của người Hà Nam còn tích tụ, hiện hữu ngay từ việc biến lụa Nha Xá, gốm Quyết Thành, biến bánh đa nem làng Chều, chuối ngự, cá kho “làng Vũ Đại” cùng muôn thứ sản vật độc đáo mang đậm phong vị núi Đọi - sông Châu thành món hàng đặc sản tỏa đi muôn nẻo miền Bắc, miền Nam, sang cả xứ lạ trời tây.
Nói đến quyết tâm và khát vọng vươn tới của con người, mảnh đất Hà Nam, người viết bài chợt nhớ đến câu chuyện và cũng là lời tỏ bày tâm huyết của một cán bộ lãnh đạo tỉnh khi nói về triển vọng, khát vọng và quyết tâm xây dựng, phát triển quê hương Hà Nam, đại ý: Không thể cứ khư khư với quan niệm so bì, tự ti “tỉnh nhỏ”, “tỉnh kém phát” mà phải quen với khái niệm và quyết tâm phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành “tỉnh năng động”, “tỉnh phát triển”… Và thật vui, thật phấn khởi khi ý chí quyết tâm phá bỏ nếp tư duy cũ, tự tin nhân lên khát vọng vươn tới ấy một lần nữa được kết tinh và thể hiện rõ nét trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX: “Xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Đồng bằng Bắc bộ”. Mới đây, trong dịp học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, một lần nữa ý chí quyết tâm và khát vọng vươn tới ấy đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy nhấn mạnh: Phải làm sao cho mỗi cán bộ, đảng viên, người dân thực sự thẩm thấu những định hướng lớn về nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, thẩm thấu tinh thần ý chí quyết tâm cùng khát vọng và nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh…
Thật mừng là trước thềm Xuân mới Tân Sửu, ý chí quyết tâm cùng khát vọng vươn tới của người Hà Nam càng được tiếp nối, nhân lên và hiện hữu rõ nét hơn từ mỗi làng quê, ngõ phố, mỗi mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Vượt lên mặc cảm tự ti về vùng quê “thuần nông”, “độc canh cây lúa”, khát vọng vươn tới trong mỗi con người vùng đất Trấn Sơn Nam hiện hữu sinh động, thanh tân ở tư duy tìm tòi những mô hình sản xuất mới, cho hiệu quả kinh tế cao như các mô hình: cấy lúa nếp cái hoa vàng đặc sản trên nền đồng trũng Mỹ Đôi; trồng nho ở xứ đồng bãi Đồng Du (Bình Lục); sản xuất nấm dược liệu đông trùng hạ thảo (Công ty TNHH Dược thảo Minh Đức, xã Công Lý); nuôi cá trắm đen công nghệ (Xã Trần Hưng Đạo); trồng, cung cấp nông sản rau gia vị cho siêu thị uy tín Vinmart (Công ty TNHH Bảo An, thị trấn Vĩnh Trụ); nuôi gà theo phương pháp phối trộn thức ăn thảo dược (Liêm Phong, Thanh Liêm);... Hòa chung quyết tâm và khát vọng vươn tới, trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hàng trăm hộ dân Đại Vượng, Thanh Nguyên (Thanh Liêm) đang đồng loạt tình nguyện tháo dỡ tường rào, hiến tặng hàng nghìn mét đất mở rộng đường quê. Hòa chung quyết tâm và khát vọng vươn tới, cựu chiến binh lão thành Trương Văn Thìn (Đồng Lạc, Đồng Hóa, Kim Bảng), tuổi ngoài chín mươi xuân vẫn ngày ngày hăng hái cùng con cháu vun trồng, chăm tưới cây xanh, cây hoa, chỉnh trang cảnh quan thôn xóm với mong ước thật giản dị, đáng trân trọng- góp sức xây dựng quê hương trở thành điểm sáng nông thôn mới kiểu mẫu.
Tinh thần quyết tâm và khát vọng vươn tới của người dân Trấn Sơn Nam- Hà Nam còn hiện hữu lấp lánh bằng tấm gương hiếu học, thành đạt từ chàng trai trẻ thế hệ 9X- Vũ Như Năng (quê Bình Lục, chủ nhân tấm bằng tiến sĩ xuất sắc được đưa vào bảng vàng danh dự Trường Đại học Laval, Canada) tiếp nối những gương sáng hiếu học, thành đạt của quê hương sông Châu - núi Đọi thời kỳ đổi mới: “thần đồng” Đỗ Nhật Nam (Liêm Sơn, Thanh Liêm); Đinh Ngọc Hải (TP Phủ Lý, Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2012); Lê Việt Hoàng (TP Phủ Lý, Huy chương Bạc Vật lý quốc tế năm 2019)...
Một mùa Xuân mới đang về với bao niềm tin và hy vọng, tỏa rạng, nhân lên quyết tâm cùng khát vọng vươn tới của người dân Trấn Sơn Nam - Hà Nam./.
____________________________________________
(*) “Tứ trấn” gồm: Kinh Bắc (Bắc Ninh); Sơn Tây (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội); Hải Đông (Hải Dương); Sơn Nam (Hà Nam).
(**) Văn kiện Đại hội XX Đảng bộ tỉnh.
Thế Vĩnh