Năm nào cũng vậy, bước sang tháng bẩy (âm lịch), người dân thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) lại vui mừng, phấn khởi, náo nức chuẩn bị đón ngày hội làng. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, của các cấp, các ngành trong phòng chống dịch bệnh, mùa hội năm nay người dân Hồng Sơn và du khách không tới đền trẩy hội, cầu may, cầu an như mọi năm.
Đúng ngày chính hội (ngày 13 tháng bảy), đền vắng vẻ, nhưng sân đền được quét sạch sẽ; trong đền đèn nến, hương hoa, các loại quả, bánh kẹo… được thắp, được bày đẹp đẽ trên các ban. Trò chuyện với chúng tôi, ông Dương Hồng Ngàn, Trưởng ban Quản lý Đền thờ Nữ tướng Lê Chân, thôn Hồng Sơn chia sẻ: Bao năm qua, người dân thôn Hồng Sơn duy trì tổ chức hội làng hằng năm là để tưởng nhớ công lao to lớn của nữ tướng Lê Chân với dân, với nước. Chính hội là ngày 13 tháng bảy (ngày mất của nữ tướng Lê Chân), nhưng từ ngày mùng một tháng bẩy đông đảo người dân Hồng Sơn và du khách thập phương đã nô nức về đền trẩy hội, cầu sức khỏe, may mắn và bình an...
Ngày trước, phần hội làng vui nhộn với các trò chơi dân gian như: Vật võ, đua thuyền, bắt vịt, đi cầu khỉ, kéo co… Ngày nay, các trò chơi dân gian đã dần mai một, nhưng phần hội ở hội làng Hồng Sơn lại thu hút đông đảo người xem bởi những trận giao hữu bóng chuyền hơi hấp dẫn của thôn và các đội bóng khách mời trong và ngoài huyện. Tuy là thi đấu giao hữu nhưng những trận bóng diễn ra không kém phần quyết liệt, sôi động, đẹp mắt, vui tươi, vang tiếng hò reo, cổ vũ... Tối ngày 12 tháng 7, tại sân đền có buổi giao lưu văn nghệ, thu hút đông đảo người tới xem. Ngoài ra, trong những ngày lễ hội, đội trống nữ của thôn với nhiều tiết mục hay, hấp dẫn đã được luyện tập thuần thục cũng nhiệt tình tham gia biểu diễn phục vụ lễ hội.
Về phần lễ, đúng ngày chính hội, ngày 13 tháng bảy, từ sáng sớm người dân nối nhau thành hàng dài tham gia lễ rước Đức Thánh tổ từ Tháp tổ về đền làm lễ (theo văn bia còn lưu lại tại trận địa Thung Bể, Đức Thánh tổ là người có công xây Thánh Chân Tự ở Thung Bể. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, thời gian, hiện chùa chỉ còn nền móng và văn bia). Sau lễ rước, đại diện cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương và nhân dân tổ chức lễ dâng hương, ôn lại công lao to lớn của nữ tướng trong công cuộc đánh giặc giữ nước. Được biết, bao năm qua, phần tế chính tại Đền thờ Nữ tướng Lê Chân đều do đội tế nữ quận Lê Chân, Hải Phòng, nơi nữ tướng dựng cờ khởi nghĩa đảm nhận.
Theo ông Ngàn, điều này thể hiện được mối gắn kết chặt chẽ, đoàn kết giữa người dân nơi nữ tướng dựng cờ khởi nghĩa với người dân vùng núi Lạt Sơn, nơi nữ tướng đã anh dũng hy sinh. Đây là nét độc đáo chỉ có ở hội làng Hồng Sơn. Sau phần lễ, trưa ngày 13, tại sân đền người dân và du khách được Ban quản lý đền mời cùng thụ lộc. Qua tìm hiểu được biết, mỗi năm đền thường chuẩn bị trên 100 mâm cỗ để phục vụ người dân Hồng Sơn và du khách về dự lễ. Buổi chiều, đoàn rước Đức Thánh tổ về Tháp tổ làm lễ an vị, kết thúc lễ hội.
Khác với mọi năm, do dịch bệnh Covid-19, tháng bảy năm nay đền Lê Chân không tổ chức lễ hội. Nêu cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch, người dân Hồng Sơn và du khách thập phương nghiêm chỉnh chấp hành không tới đền làm lễ. Không tổ chức hội làng, nhưng vào ngày hội, Ban quản lý Đền thờ Nữ tướng Lê Chân cử ít người ra đền bao sái, chuẩn bị lễ vật dâng lên các ban. Sáng ngày 13 tháng bảy, chỉ đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương và đại diện Ban quản lý đền lên đền dâng hương tưởng nhớ công đức của nữ tướng.
Không tham gia trẩy hội mùa tháng bảy năm nay, người dân Hồng Sơn và du khách thập phương cùng nhau hẹn trẩy hội mùa tháng bảy năm sau. Khi ấy, tin rằng dịch bệnh được khống chế, cuộc sống trở lại yên bình, hội làng sẽ lại được tổ chức, mọi người sẽ lại được đi trẩy hội trong niềm hân hoan, phấn khởi, cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mọi người, mọi nhà.
Phạm Hiền