“Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đầy/Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa/ Bao khổ ấy, thôi cần chi nói nữa/ Bạn đời ơi! Ta đã hiểu nhau rồi.” – Bài thơ “Trăng trối” của nhà thơ Tố Hữu. Khi chúng tôi hỏi chuyện về những năm tháng từng sống, hoạt động, đấu tranh... trong nhà lao Phú Quốc cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Bá Quyền, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý chậm chãi đọc những câu thơ trên như lời khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bản lĩnh và khí tiết của người chiến sĩ cộng sản cũng luôn kiên định, vững vàng; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì nước, vì dân.
Ngày 10/4/1962, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 19 tuổi CCB Nguyễn Bá Quyền, quê Ngái Trì, Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý (trước kia thuộc huyện Thanh Liêm) tình nguyện lên đường nhập ngũ. Năm 1963 CCB Nguyễn Bá Quyền về nhận nhiệm vụ ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 5, Sư 308. Từ năm 1964 – 1967 CCB Nguyễn Bá Quyền là trinh sát đặc công, đơn vị C11A, phân khu Trị Thiên. Ngày 22/6/1967 trong khi đi trinh sát chống càn với địch CCB Nguyễn Bá Quyền bị thương và bị địch bắt tại thôn Hưng Long, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Sau gần 6 năm bị giam cầm tại nhà lao Đế quốc (từ tháng 6/1967 – 2/1973), tháng 2/1973 CCB Nguyễn Bá Quyền được trao trả về với cách mạng, về với nhân dân tại bờ sông Thạch Hãn.
Hơn 80 năm tuổi đời, gần 60 năm tuổi Đảng, từng bị bắt, chịu nhiều cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, hiện bác Quyền vẫn còn minh mẫn. Kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng sống, chiến đấu nơi chiến trường; đặc biệt là những năm tháng bị địch bắt giam cầm tại nhà lao Phú Quốc bác Quyền xúc động nói: Đó là những năm tháng tuổi trẻ cực kỳ gian khổ nhưng đầy tự hào, tôi không bao giờ quên.
19 tuổi lên đường nhập ngũ. Qua hơn 4 năm không ngừng nỗ lực cố gắng trong rèn luyện, chiến đấu, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao ngày 5/12/1966 CCB Nguyễn Bá Quyền vinh dự được kết nạp vào Đảng. Bác Quyền nhớ lại: Thời chiến tranh, đơn vị tôi lại hoạt động bí mật nên buổi kết nạp Đảng hôm đó diễn ra hết sức đơn giản, nhanh gọn nhưng rất trang trọng và thiêng liêng. Sáng ngày 5/12/1966, trước khi vào trận chiến, tại Đại đội 11A trinh sát đặc công trực thuộc phân khu Trị Thiên, nơi rừng Trường Sơn, không có ảnh Bác, cũng không có cờ Đảng nhưng vẫn tôi hết sức xúc động khi nghe tuyên bố được kết nạp vào Đảng. Trong giờ phút thiêng liêng ấy tôi đã hứa tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
Theo lời kể của bác Quyền: Kết nạp Đảng mới được hơn 6 tháng, ngày 22/6/1967, trong khi đi trinh sát chống càn bác Quyền không may bị thương (bị 7 vết thương ở khắp người) và bị địch bắt thôn Hưng Long, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Trước khi bị bắt bác Quyền đã kịp chôn giấu một sơ đồ đồn địch và giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng. Ngày 25/6/1967 địch đưa bác Quyền về bệnh viện Phú Tài - Quy Nhơn. Ngày 11/10/1967 chúng đưa bác ra giam giữ tại nhà lao Phú Quốc. Từ khi bị bắt, bác Quyền mất liên lạc với tổ chức Đảng. Tháng 12/1967, tại nhà lao Phú Quốc bác Quyền đã nối được sinh hoạt chi bộ đảng tại phòng số 11 trại B2. Trong nhà lao Đế quốc, để che mắt lính quân cảnh, bọn mật vụ, giám thị thường xuyên nhòm ngó, tìm kiếm, tổ chức Đảng hoạt động hết sức linh hoạt và cực kỳ bí mật. Mỗi đảng viên chỉ biết, kết nối, liên lạc với một đảng viên khác, không biết đến người thứ hai. Phương pháp sinh hoạt dưới hình thức nghe kể chuyện hoặc học văn hóa, hoặc ngồi nói chuyện... Là trinh sát đặc công nên bác Quyền được tổ chức Đảng trong nhà lao (phòng 11, trại B2) giao cho nghiên cứu và tổ chức hành động vượt ngục vào đêm ngày 22/6/1968.
Nhớ về chuyến vượt ngục hơn 55 năm trước bác Quyền chậm chãi kể: Vào đêm ngày 22/6/1968 trại B2 có tôi và 11 đồng chí khác tổ chức vượt ngục. Tuy nhiên, chuyến vượt ngục hôm đó chỉ thoát được 6 đồng chí; 6 đồng chí (trong đó có tôi) bị lộ và bị bắt lại. Bắt được chúng tôi, bọn chúng đánh đập hết sức dã man, đến gẫy tay, gẫy chân... chết đi sống lại nhiều lần nhưng không khai thác được bất cứ thông tin gì. Tôi bị bọn chúng kéo hai tay ra hai bên, tên đứng sau, tên đứng trước đánh bằng báng súng, gậy, mũ sắt… tới hộc máu mồm, gãy hàm răng trên... Khi chúng tra hỏi tôi chỉ nói: Tôi là lính binh nhì. Chúng hỏi có phải là đảng viên không? Tôi trả lời: tôi là lính mới, đánh nhau còn sợ tiếng súng, chưa dũng cảm nên chưa được kết nạp Đảng... Không khai thác được bất cứ thông tin gì về tổ chức đảng trong nhà lao và người đứng đầu tổ chức vượt ngục… bọn chúng giam anh em chúng tôi vào chuồng cọp biệt giam. Sau 3 tháng biệt giam tên Trung úy Hiền là chúa đảo bất lực và bực tức bắt bọn lính quân cảnh gác trại giam B2 Phú Quốc xếp hàng ngang, đứng trước mặt chúng tôi và nói: Các ông cộng sản quá táo bạo... Chúng tôi chỉ đáng bê tráp và xách dép cho các ông. Xin cúi chào các ông cộng sản!
Bị bắt lại, trong nhà đế quốc bản thân tôi tích cực học và dạy văn hóa cùng anh em tù nhân (tôi trình độ lớp 7 - học văn hóa từ bạn tù có trình độ cao hơn, dạy văn hóa cho bạn tù có tình độ thấp hơn); tham gia vào các cuộc đấu tranh đòi nhà cầm quyền thực hiện quyền dân sinh, dân chủ theo quy chế quốc tế về tù binh chiến tranh...; giữ vững khí tiết người chiến sỹ cách mạng, nuôi trí vượt ngục để thoát khỏi gông cùm, xiềng xích của kẻ thù, trở về với Đảng, với cách mạng, tiếp tục chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
“Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/Sống ở trên đời người cũng vậy/Gian nan rèn luyện mới thành công”; “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim .../ Tôi buộc lòng tôi với mọi người/ Để tình trang trải với trăm nơi/ Để hồn tôi với bao hồn khổ/ Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”… Suốt những năm tháng bị giam cầm tại nhà lao Phú Quốc – nơi được coi là địa ngục trần gian ấy, anh em tù nhân chúng tôi thường xuyên đọc, học những bài thơ trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác và những bài thơ cách mạng của nhà thơ Tố Hữu; luôn giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng; giữ vững niềm tin cách mạng nhất định sẽ giành thắng lợi, miền Nam sẽ được giải phóng, hai miền Nam – Bắc sẽ thống nhất một nhà.
Hướng tới kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2024), chia sẻ về mong muốn, bác Quyền nói: Để có được cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay, biết bao thế hệ cha anh đã lên đường chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nước, vì dân. Tôi chỉ mong muốn thế hệ trẻ ngày nay trân trọng, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng; phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; tích cực học tập, rèn đức, luyện tài… góp phần xây dựng và đổi mới quê hương trong thời kỳ mới, đúng như mong muốn của Bác: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Phạm Hiền