kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Độc đáo trò vật cầu ở Hà Nam

Độc đáo trò vật cầu ở Hà Nam

Hà Nam là một tỉnh nhỏ nhưng lại có số lượng di tích khá lớn, với gần 1.800 di tích. Gắn với các di tích là hàng trăm lễ hội mang các đặc trưng riêng có khác nhau. Trong nhiều trò hội, ngoài các trò chơi nổi bật, như: vật võ, bơi chải, cờ người, kéo co… còn có trò chơi truyền thống là vật cầu (vồ cầu, cướp cầu). Trò chơi này có ở nhiều lễ hội, nhưng mỗi trò chơi lại có luật chơi khác nhau cũng như mang trong nó những ý nghĩa và sự gửi gắm khác nhau. 

Một trong những trò vật cầu nổi tiếng ở Hà Nam, đó là trò vật cầu trong lễ hội đình An Mông khu vực Tiên Phong (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên). Đình An Mông thờ Nguyệt Nga phu nhân – người đã có công phò tá Hai Bà Trưng đánh giặc Hán đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Đình một năm thường có 3 kỳ lễ hội nhưng lễ hội vào mùa xuân là lễ hội lớn nhất. Ngoài các nghi thức tế lễ, rước kiệu của các giáp, độc đáo và thu hút đông đảo nhân dân và du khách là tục đua thuyền và trò chơi vật cầu trong lễ hội. Khu vực đua thuyền được tổ chức tại ngã ba sông Móng (nằm trên lưu vực sông Châu). Tương truyền đây chính là nơi Nguyệt Nga phu nhân tử tiết, cũng là nơi thuyền rồng xuất hiện đón bà xuống thủy cung. 

Độc đáo trò vật cầu ở Hà Nam
Đình Gừa, xã Liêm Thuận (Thanh Liêm). Ảnh: T.L

Cùng với đua thuyền, trò chơi vật cầu được chia thành hai lứa tuổi, hội vật cầu lão (dành cho đàn ông trên 50 tuổi) và hội vật cầu giai (dành cho đàn ông dưới 50 tuổi). Những người tham gia hội vật đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, không những có sức khỏe mà còn phải nhanh nhẹn và khéo léo. Lễ hội vật cầu được tổ chức ở sân đình, ở hai phía đối diện nhau là 2 hố đất sâu, thông thường hố sâu khoảng 50 cm, rộng 40 cm. Mỗi đội thường có khoảng 10 người, trong đó có một người giữ hố. Trước khi chơi các đội đều vào lễ thánh mẫu và rước quả cầu gỗ vẫn thờ trong đình ra cuộc chơi. Quả cầu bằng gỗ hình tròn khá nặng, đội nào đoạt được quả cầu gỗ khéo đưa được cầu vào hố đội bạn là thắng cuộc. Trò chơi đua thuyền, vật cầu ở đình An Mông vừa nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, ý thức tập thể vừa mang tín ngưỡng cầu nước, cầu mưa, thờ thần mặt trời của cư dân vùng châu thổ sông Hồng mà thông qua lễ hội đã và đang được bảo lưu đến hiện tại.

Khác với trò vật cầu ở lễ hội đình An Mông, trò vật cầu ở lễ hội đình làng Gừa, xã Liêm Thuận (Thanh Liêm) là nghi thức đầu tiên mở màn lễ hội. Theo truyền thống, đúng giờ tỵ ngày mùng 4 tháng Giêng, trò vật cầu bắt đầu. Luật thi cũng giống trò vật cầu ở đình An Mông, nhưng đội nào thắng sẽ được vào cung đánh một hồi trống chính thức khai hội. Theo thần phả, đình làng Gừa thờ thánh Trương Nguyên – một vị tướng tài của Đinh Bộ Lĩnh. Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, vua Đinh làm lễ ban thưởng tướng sĩ. Tướng Trương Nguyên được ban quốc tính nhưng ông từ chối và dâng biểu xin về quê là vùng Ninh Cơ (nay thuộc làng Gừa) phụng dưỡng cha mẹ. Khi ông chết, vua Đinh giao cho dân cư vùng Ninh Cơ lập đình và cấp cho ruộng lấy hoa màu thờ cúng. 

Tương truyền, khi từ kinh đô Hoa Lư về quê ông có mang theo một quả cầu, là một dụng cụ rèn quân sĩ của ông để bày trò chơi cho nhân dân. Quả cầu bằng gỗ, có đường kính khoảng 30 cm, được sơn son thếp vàng và trang trí hình vân mây, sóng nước. Quả cầu được coi là thánh vật, hằng năm chỉ có ngày lễ hội mới được mang ra chơi. Trò cướp cầu từ một trò chơi đã trở thành nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội làng Gừa, tạo nên nét đẹp độc đáo về các lễ hội ở Hà Nam.

Độc đáo trò vật cầu ở Hà Nam
Quả cầu trong trò chơi vật cầu ở lễ hội  đình đá An Mông.

Trước đây ở lễ hội thôn Đào, xã Liêm Tiết cùng huyện Thanh Liêm cũng có trò chơi cướp cầu. Độc đáo của trò chơi ở đây là không khống chế không gian chơi nên để cướp được cầu các đội có thể tranh cầu trên đường làng, băng qua các cánh đồng, lội qua các ao đầm để tranh cướp cầu. Chỉ đến khi nào đội thắng mang được cầu về bỏ vào hố đối phương trò chơi mới kết thúc. Trò chơi này khiến dân làng rất phấn khích, chạy theo hò reo, cổ vũ. Trò chơi cũng mang tính chất tôn vinh tinh thần thượng võ vốn rất “đậm đặc” ở vùng văn hóa Liễu Đôi và khuyến khích người dân rèn luyện sức khỏe, thể lực xây dựng, kiến thiết quê hương.

Cùng với các lễ hội trên, trong lễ hội đình Đô Quan, xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) cũng duy trì hai trò hội truyền thống là kéo co và cướp cầu. Người Đô Quan không kéo co bằng dây chão mà bằng cây tre. Hai cây tre được nối ngọn với nhau, mỗi bên cầm một cây thi kéo, bên nào kéo được ngọn tre về bên mình thì thắng. Sau trò chơi kéo co là trò chơi cướp cầu. Điều khác biệt của trò chơi cướp cầu ở lễ hội đình Đô Quan là cuối cùng dù đội nào thắng, đội nào thua thì cây tre và quả cầu đều được gác lên trạc ở ngoài sân cho thần chứng giám rồi đến giờ ngọ được công kênh ra ném xuống đầm nước của thôn ăn thông với sông Hồng. 

Theo PGS.TS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nghi thức này tượng trưng cho một cuộc giao phối thần thánh, với tre như sinh thực khí nam, đầm như sinh thực khí nữ đã tạo ra quả cầu (noãn) thành mầm sống mang biểu tượng của sự sinh sôi và nguồn hạnh phúc cho muôn dân.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy