Chuối Ngự Đại Hoàng tỏa hương trong Tết

Ngày Tết, đối với gia đình Việt luôn có mâm ngũ quả dâng cúng đặt trên bàn thờ tổ tiên, trong đó nải chuối là trung tâm. Với danh xưng “Chuối tiến Vua” từ xa xưa, năm 2012 lại được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công bố nằm trong top 50 loại trái cây đặc sản Việt Nam, chuối Ngự Đại Hoàng (Hòa Hậu, Lý Nhân) không chỉ là món quà quý ngày thường, mà còn là lựa chọn hàng đầu cho các gia đình mua về dâng cúng tổ tiên dịp Tết.

Chuối Ngự - Top 50 loại trái cây đặc sản Việt Nam

Người dân Đại Hoàng kể lại rằng một lần vua Trần cùng đoàn tùy tùng xuôi thuyền từ kinh thành Thăng Long về hành cung Thiên Trường nghỉ chân tại Lý Nhân đã ăn thử giống chuối địa phương. Thấy loại quả ngon, vua ban thưởng và truyền cho nhân giống. Từ đó, chuối làng Đại Hoàng được mang tên chuối Ngự, hay còn gọi là chuối tiến Vua.

Tùy từng thời điểm, mỗi buồng chuối ngự có giá từ khoảng trên 100 nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Ảnh: Yên Chính

Còn theo ông Nguyễn Thế Vinh (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), người có nhiều bài nghiên cứu về văn hóa dân gian, dòng sông Châu hiền hòa chảy qua Hòa Hậu, cộng với khí hậu mát mẻ trong lành, đã bồi đắp cho vùng quê này một thổ nhưỡng đặc biệt. Ưu đãi của tự nhiên cùng với sự cần cù, sáng tạo của con người đã tạo cho vùng quê này có những loại trái cây ngon nổi tiếng, trong đó có chuối Ngự.

Trong cuốn “Nam Cao - Những mạch nguồn văn” ông Nguyễn Thế Vinh viết về làng Đại Hoàng: “Nơi đây ít ruộng nhiều vườn, nguồn sống chính từ làm vườn, dệt vải, buôn bán. Nhất cận thị, nhị cận giang, đất mầu mỡ, người chăm chỉ, khéo tay, từ xa xưa phẩm vật Đại Hoàng, Cảo Môn, nổi tiếng trong triều, ngoài nội. Mùa xuân thì cam quýt. Hạ có hạt sen, long nhãn. Thu thì hồng đỏ, loại quả rấm chín, tai vẫn xanh, khi cắt miếng, tự kéo lớp màng, để ngày sau ăn vẫn ngọt. Hồng đợi mùa, chuối chín quanh năm. Chuối ngự Đại Hoàng rước qua sông Châu, đưa vào cung Trùng Quang, Trùng Hoa, dâng cúng Phật Trúc Lâm Tam Tổ nơi chùa Tháp Phổ Minh. Chợ Rồng Nam Định nổi tiếng với lụa tơ tằm, chuối ngự.

Nhà văn Nguyễn Tuân tả: vỏ mỏng tang, ruột chuối ánh lên mầu cát đường. Có những buồng khi vén những tua lá khô phủ lên nó, những tấm áo khô cũ mầu thì thấy xếp tầng gác đến chục nải. Có người vì buồng chuối ngự mang lên Thủ đô làm quà mà đành phải đi tàu thủy. Mất nhiều thì giờ hơn đi ô tô, tàu hỏa. Nhưng cho chuối đi tàu thủy, đỡ bị lắc rụng, đảm bảo hơn... Nay thì thế. Xưa, những tầng ngự quý mầu vàng thư, quả thon như búp tay con gái kéo sợi, vỏ mỏng như lụa, mùi thơm thanh quý, từng ngược thuyền, gồng gánh vào kinh đô Huế tiến vua”.

Ông Vinh cho biết trước đây chuối Ngự có nhiều ở thành phố Nam Định hơn, bởi có lẽ khi đó giao thương khó khăn, Đại Hoàng lại gần Nam Định. Những năm tám mươi, khi ông còn công tác ở Tạp chí Văn Nhân (ấn phẩm của Hội văn học Nghệ thuật Nam Hà cũ, ông thường tiếp các nhà thơ, nhà văn ở trung ương về Nam Định. Những cây bút có tiếng trong làng văn làng thơ họ đều khá kỹ tính trong việc thưởng các thức ngon, nhưng khó tính đến như nhà văn Nguyễn Tuân cũng phải thốt lên: về Nam Định có hai cái “thú” là “Đọc thơ Xương (nhà thơ Tú Xương), ăn chuối Ngự”. Mua phẩm vật tặng các khách văn chương khi về công tác ở Nam Định đều là giò lụa và chuối Ngự Đại Hoàng.

Chuối Ngự Đại Hoàng tỏa hương trong Tết
Những buồng chuối chín vàng ươm. Ảnh: Yên Chính

Theo thông tin một số trang mạng đưa, chuối ngự Đại Hoàng có ba loại là chuối ngự trắng, chuối ngự trâu và chuối ngự mít. Tuy nhiên theo người dân ở đây, Đại Hoàng hiện chỉ trồng duy nhất một loại, mọi người vẫn gọi là Ngự vàng (do ruột quả màu vàng). Anh Trần Quý Thưởng, một người vừa trồng chuối Ngự đồng thời cũng là người thu gom chuối Ngự ở làng để bán cho các mối buôn cho biết ở Hòa Hậu và các vùng lân cận chỉ trồng duy nhất một loại Ngự vàng. Ở một số vùng khác có một loại nữa gọi là Ngự tiêu (hay người dân còn gọi là Ngự miền Nam), giống như quả chuối tiêu không được chăm sóc bị còi cọc, ăn chua.

Chuối Ngự vàng quả nhỏ, đanh, tròn lẳn, khi chín căng tròn, vàng ươm, vỏ mỏng tang, bóc vỏ và cắn một miếng là thấy lớp thịt quả màu vàng hiện ra. Dù vỏ đã chín vàng, mỏng dính nhưng khi bóc ăn vẫn thấy ruột chuối chắc chứ không mềm như chuối bình thường. Vị chuối ngọt đậm và thơm, lan tỏa trong khoang miệng, đánh thức vị giác, khứu giác. Sắc màu, hương, vị của Ngự Đại Hoàng không loại chuối nào có được. 

Hương chuối Ngự lan xa…

Cô Trần Thị Lữ, 64 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Hòa Hậu, lấy chồng người làng. Vườn nhà cô có 2 sào chuối ngự ngay cạnh nhà, vốn là của các cụ thân sinh để lại. Cô cho biết từ thời bố mẹ, ông bà cô đã trồng chuối Ngự. Chuối Ngự bán chạy hàng vào mỗi dịp tuần rằm, mùng một, đặc biệt mỗi độ Tết đến Xuân về chuối Ngự luôn rất đắt giá. Các gia đình mua đôi nải chuối Ngự đã già vừa cắt trên cây xuống còn nguyên râu ở đầu quả, dùng khăn sạch đổ chút rượu trắng lau nhẹ. Những quả chuối nhỏ xanh bóng lên. Hai nải chuối được đặt lên hai chiếc đĩa sứ đặt hai bên mâm ngũ quả trên bàn thờ để dâng cúng tổ tiên. Những ngày Tết nhờ mùi hương, chuối Ngự sẽ chín dần, nhuộm một màu vàng ươm và thơm, làm cho không khí Tết thật đậm đà ấm cúng.

Cô Lữ cho biết ngoài thời gian chạy chợ cô rất chăm chút cho vườn chuối. Trồng và chăm chuối Ngự cơ bản cũng như trồng, chăm chuối bình thường, không quá khó. Để buồng to, quả bụ nên trồng thưa. Mỗi gốc chuối chỉ để 2 cây, 1 cây mẹ, 1 cây con, mỗi năm mỗi gốc sẽ cho thu bình quân 2 buồng chuối. Chuối ngự rất dễ sâu thân nên phải thường xuyên để ý bóc bẹ, tàu lá khô, làm sạch thân cây. Thân chuối cao, giòn nên khi cây bắt đầu có quả phải làm gậy chống. Thu hoạch chuối không nên để quá già, quả dễ bị nứt vỏ. Cô cũng cho biết, trồng chuối không điều tiết được việc ra quả theo ý muốn như một số cây ăn quả khác, chuối cứ đến kỳ là trỗ hoa, ra quả, nên kể cả mùa Tết số lượng chuối thu vẫn như ngày thường, thậm chí ít hơn vì lạnh chuối phát triển chậm. Bình thường mỗi tháng 2 sào vườn nhà cô Lữ thu 5-7 buồng chuối, giá khoảng trên 100 nghìn/buồng.

Ngày Tết chuối Ngự đắt gấp nhiều lần, khoảng 500 nghìn/buồng đẹp bán tại vườn. Suốt cả năm, những buồng chuối đẹp đều được thương lái đến tận vườn mua, chỉ buồng nhỏ cô mới phải mang ra chợ bán. Cô Lữ cho biết thêm, năm nào cũng vậy, chỉ khoảng 20 Tết là chuối trong vườn đã được xuất hết. Trông chuối không mất công chăm sóc nhiều, mỗi tháng có thêm chút tiền. Tôi cũng rất tự hào khi đặc sản quê mình ngày càng được nhiều người tìm mua, vì thế tôi quyết tâm giữ khu vườn trồng chuối Ngự.

Chuối Ngự Đại Hoàng tỏa hương trong Tết
Những vườn chuối xanh mướt ở Hòa Hậu. Ảnh: Yên Chính

Nhờ quảng bá tốt, độ nổi tiếng của chuối Ngự Đại Hoàng ngày càng lan xa, không chỉ thúc đẩy mở rộng diện tích trồng chuối mà còn hình thành một đội ngũ những người chuyên đi thu mua chuối để cung cấp cho đầu mối ở các tỉnh, thành.  Anh Trần Quý Thưởng cho biết: Địa phương có khoảng 20 người chuyên thu gom chuối Ngự để cấp cho các đầu mối đặt hàng trong Nam, ngoài Bắc.

Anh Thưởng làm nghề này hàng chục năm nay, chuyên cung cấp cho các mối hàng ở Nam Định. Ngày bình thường mỗi ngày anh thu mua khoảng 30-50 buồng. Dịp Tết mỗi năm anh thu mua khoảng 400-500 buồng theo đơn đặt hàng mà có khi vẫn không đủ. Giá chuối Ngự Tết cũng tăng cao, cỡ 60-70 nghìn/nải. Trong xã không đủ, anh phải thu mua thêm ở các vùng lân cận. Anh Thưởng cũng kể về cách rấm chuối Ngự, phải làm lò trấu, treo chuối vào và đốt trấu rồi tính giờ, để khoảng 1 đêm hôm sau mở ra là chuối vàng lốm đốm. Cách giấm tự nhiên này vừa bảo đảm an toàn, lại làm cho vỏ chuối vàng mà quả vẫn rắn.

Giờ diện tích vườn ở Hòa Hậu đã bị thu hẹp nhiều nhưng đi khắp các con ngõ trong xã Hòa Hậu, thấy nhiều khu vườn vẫn trồng chuối Ngự. Theo người dân, chuối Ngự trồng trong làng cũng ngon, nhưng chuối Ngự trồng ở đất bãi ven sông vẫn là ngon nhất. Các vùng xung quanh Hòa Hậu cũng trồng khá nhiều chuối Ngự mới có thể đủ cung cho thị trường.

Tự nhiên đã ban tặng cho Đại Hoàng một giống quả quý. Tuy nhiên giữ gìn, phát triển và lan tỏa được giá trị của loại quả đặc sản này là do người dân Hòa Hậu. Với sự cần cù, sáng tạo, nhanh nhạy trong cơ chế thị trường, và mong muốn giới thiệu những cây quả đặc sản của quê hương để nhiều người được biết đến, người Hòa Hậu đã làm cho tiếng thơm của chuối Ngự lan xa. Họ đã được trả công xứng đáng qua giá trị kinh tế thu được từ chuối Ngự, đồng thời góp phần làm dày thêm văn hóa đồng chiêm, thúc đẩy phát triển du lịch.   

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy