Cùng với triển khai tốt chương trình giáo dục theo nội dung các môn học, tiết học chính khóa, thời gian qua, việc đưa chương trình giáo dục văn hóa truyền thống, lịch sử địa phương vào giảng dạy trong trường học được các cấp học, các nhà trường trên địa bàn tỉnh thực hiện nền nếp. Qua đó, đã góp phần không nhỏ trong việc giúp học sinh chủ động tìm hiểu, khám phá và nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, bồi đắp tình yêu và niềm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước…
Có lẽ trong mỗi tâm hồn người dân Việt không ai không biết tới nhà thơ làng quê, cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Với học sinh các thế hệ của Trường THCS Trung Lương (Bình Lục), sự hiểu biết về thân thế, sự nghiệp của cụ còn được bồi đắp nhiều hơn, cụ thể, sinh động hơn khi thường xuyên được nghe các câu chuyện kể về cụ, được tới thăm từ đường với mái nhà, khu vườn mà cách đây khoảng 140 năm về trước cụ cáo quan về ở ẩn. Khu vườn Bùi ấy giờ đã trở thành cái tên quen thuộc, trở thành một địa chỉ văn hóa cho khách đến thăm.
Trong các bài giảng các môn học Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục địa phương, học sinh Trường THCS Trung Lương được hiểu biết sâu sắc hơn về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Cụ tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự là Miễu Chi. Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng, Nguyễn Khuyến rất thông minh, hiếu học đã đỗ đầu cử nhân, đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên nên thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Cụ còn được biết đến là một vị quan thanh liêm, chính trực; một nhà thơ mang nhân cách và tâm hồn Việt Nam tiêu biểu. Về ở ẩn nơi làng quê nhưng cụ vẫn giữ được khí tiết, phẩm chất của một người yêu nước chân chính. Trong cuộc đời thi sĩ của mình, nhà thơ đã sáng tác được rất nhiều tác phẩm, như: Yên Đổ thi tập, Quế Sơn thi tập, Cẩm Ngữ, Bách Liêu thi văn tập, những bài ca, văn tế, hát ả đào và nhiều câu đối truyền miệng. Một số bài thơ của cụ, đặc biệt là 3 bài thơ Thu đã được đưa vào sách Ngữ văn, trở thành những bài học cho biết bao thế hệ học sinh.
Từ đường Nguyễn Khuyến được công nhận là Di tích lịch sử, học sinh Trường THCS Trung Lương cũng được tới thăm từ đường nhiều hơn. Tại đây, học sinh nhà trường không chỉ được nghe giới thiệu tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của nhà thơ mà còn trực tiếp thực hiện một số công việc tham gia chăm sóc, bảo vệ di tích, rất có ý nghĩa đối với học sinh. Bản thân các em nhận thấy, đó không chỉ là niềm vinh dự khi được góp một phần sức lực bé nhỏ của mình vào việc giữ gìn, bảo vệ một công trình có giá trị văn hóa của địa phương mà còn tự hào vì được sinh ra trên quê hương của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Khuyến… Bên cạnh việc đưa học sinh tới tham quan, trải nghiệm thực tế, Trường THCS Trung Lương còn xây dựng kế hoạch đưa nội dung về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Khuyến vào giảng dạy trong các tiết học chính khóa. Điều này rất quan trọng, vì qua đó, hơn ai hết chính mỗi học sinh sẽ được hiểu rõ hơn các giá trị thơ văn, phẩm chất con người cũng như quan niệm và lý tưởng sống của nhà thơ; giáo dục tư tưởng, nhận thức để hình thành cho các em những năng lực, phẩm chất tốt…
Trong số những người con trung dũng của vùng đất văn hiến, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng Hà Nam có đồng chí Lương Khánh Thiện, người cán bộ tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam. Tên tuổi và những cống hiến của ông với Đảng, với dân tộc vẫn mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu trân trọng và học tập. Đó cũng chính là niềm tự hào của những ngôi trường mang tên người cộng sản kiên trung Lương Khánh Thiện.
Theo nội dung chương trình các môn học, những năm qua, ở Trường THCS Lương Khánh Thiện và Trường Tiểu học Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý) việc giáo dục lịch sử về tên gọi của trường; về thân thế, sự nghiệp của vị cán bộ cách mạng tiền bối Lương Khánh Thiện; tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh tại Khu tưởng niệm đồng chí Lương Khánh Thiện… được tổ chức thường xuyên. Qua đó, học sinh các nhà trường đã được biết đồng chí Lương Khánh Thiện tên thật là Trần Xuân Thành, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm, nay là tổ phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý. Ông được giác ngộ cách mạng rất sớm. Cuộc đời cách mạng của ông là biểu tượng cao đẹp về hình ảnh của người đảng viên cách mạng, mãi mãi được lưu danh… Được tới thăm nhà tưởng niệm Lương Khánh Thiện, học sinh các nhà trường được tận mắt xem các kỷ vật quý về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của nhà cách mạng tiền bối. Qua những lời thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp của ông, lớp lớp học sinh đã bày tỏ lòng thành kính, sự tri ân, lòng biết ơn tới sự hy sinh của đồng chí Lương Khánh Thiện cho cách mạng; vun đắp dày hơn truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Bên cạnh đó, Hà Nam là tỉnh có số lượng di tích dày dặn, phân bố đều ở tất cả các thôn, xóm. Hầu như thôn, xóm nào cũng đều còn tồn tại những di tích đình chùa, miếu mạo và hiện có gần 2.000 di tích, trong đó chủ yếu là di tích đình, chùa, đền, phủ, miếu, văn chỉ, từ đường. Để bảo tồn, phát huy giá trị của những di tích đó về cả dáng vóc kiến trúc, tinh thần thời đại, cuộc sống, chiến đấu, lao động của ông cha ta hàng nghìn năm, hàng trăm năm và chiều sâu văn hóa dân tộc… các nhà trường đã thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử cho học sinh.
Thông qua nhiều hình thức giáo dục, từ lý thuyết học đường cho tới trực quan thực tế đã giúp nhắc nhở, khơi dậy niềm tự hào trong mỗi học sinh về truyền thống đấu tranh, chống giặc ngoại xâm và có thái độ đúng đắn trong việc ứng xử với các di tích lịch sử, di tích văn hóa nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Ở nhiều trường học còn sáng tạo tổ chức và duy trì tốt các chương trình phát thanh măng non, phát động phong trào xây dựng mỗi chi đội, mỗi đội viên trở thành các tuyên truyền viên măng non, thường xuyên tuyên truyền về lịch sử quê hương. Đồng thời, linh hoạt tổ chức thực hiện, như: chiếu phim tư liệu văn hóa và lịch sử, tổ chức cho học sinh đi tham quan các bảo tàng, di tích, đài tưởng niệm, các làng nghề truyền thống, dạy hát các làn điệu dân ca, liên hoan văn nghệ, thi tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề… Để từ đó, học sinh có thêm cơ hội được tìm hiểu, khám phá, mở rộng phông kiến thức về văn hóa, lịch sử của quê hương mình, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào và ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa quê hương.
Xác định được tầm quan trọng của việc bồi đắp tư tưởng, tình cảm của học sinh đối với lịch sử, văn hóa, truyền thống quê hương, các cấp học trong toàn tỉnh đã triển khai chương trình giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các nhà trường học; biên soạn “Tài liệu giáo dục địa phương” có nội dung giáo dục phù hợp với từng khối lớp, trong đó tập trung giới thiệu về các lễ hội làng truyền thống, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa, ca ngợi những tấm gương anh hùng tiêu biểu và các giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương.
Thanh Hà