Biểu tượng tự hào từ một địa danh lịch sử  

Những ngày tháng năm này, cùng với nhân dân cả nước long trọng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nam cũng thành kính kỷ niệm tròn bảy thập niên sự kiện vang danh mang tên Núi Chùa (Thanh Tâm, Thanh Liêm). Chiến tranh đã lùi xa và nhiều năm qua cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc đang hiện hữu trên khắp các miền quê hương, đất nước… nhưng âm hưởng về sự kiện Núi Chùa - Trận chống càn Chanh Chè lần thứ hai (ngày 21/5/1954) vẫn luôn hằn sâu trong ký ức của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân, chiến sĩ LLVT Hà Nam, trở thành dấu ấn lịch sử đậm nét gắn liền với những năm tháng đấu tranh hào hùng, bi tráng của dân tộc và quê hương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Biểu tượng tự hào từ một địa danh lịch sử  
Đền thờ Liệt sỹ Núi Chùa Thanh Tâm, Thanh Liêm.
Ảnh: Đan Vũ

Địa danh lịch sử

Núi Chùa (Thanh Tâm, Thanh Liêm) là một địa danh trong vô số những tên núi, tên làng, tên xóm… thân quen thuộc dải núi đất Kẻ Non - dải núi đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng giữa vùng đồng bằng Hà Nam. Nhắc đến địa danh lịch sử Núi Chùa là nhắc đến những chiến công hiển hách, tinh thần chiến đấu kiên cường cùng sự hy sinh oanh liệt của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích và quần chúng cách mạng khi đối mặt và quyết chiến, quyết thắng những đơn vị lính âu phi thuộc quân đội viễn chinh Pháp thời kỳ “kháng chiến toàn dân, toàn diện” 1946 - 1954.

Nhắc đến Núi Chùa là nhắc đến Chiến thắng Chanh Chè lần thứ nhất (năm 1948), đặc biệt là trận chống càn lịch sử Chanh Chè lần hai (ngày 21/5/1954), trận đánh có tính quyết chiến chiến lược kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống Pháp tại vùng đồng bằng Thanh Liêm, Hà Nam.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Hà Nam giai đoạn 1945-1975, tháng 5/1954, mặc dù đã thua đau ở Chiến trường Tây Bắc, mất trắng tập đoàn cứ điểm chiến lược Điện Biên Phủ và lâm vào thế trận vô cùng quẫn bách trên toàn chiến trường Đông Dương, nhưng chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam vẫn điên cuồng dồn toàn binh lực để cố giữ lấy vùng đồng bằng hòng mưu đồ cho những toan tính kéo dài chiến tranh. Thực hiện mưu đồ đen tối đó, chính quyền thực dân Pháp ở vùng đồng bằng Hà Nam huy động hơn 1.300 quân từ thị xã Phủ Lý và các bốt Tâng (Thanh Hương), bốt Cõi (Liêm Cần) cùng sự yểm trợ của 8 máy bay, 50 xe lội nước mở trận càn lớn vào vùng núi đất bán sơn địa Thanh Tâm. Biết trước âm mưu của địch, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích  và quần chúng cách mạng lập tức bố trí lực lượng, quyết tâm bẻ gãy trận càn này, đập tan ý chí ngông cuồng của chính quyền thực dân.

Cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt. Các đơn vị bộ đội cùng dân quân, du kích và quần chúng cách mạng chiến đấu kiên cường với địch (vốn có quân số đông áp đảo và vũ khí hiện đại hơn gấp nhiều lần) để giành giật từng ngõ xóm, mái nhà, giữ vững địa bàn. Quần chúng cách mạng các thôn xóm Thanh Tâm cũng luôn sát cánh cùng bộ đội, dân quân, du kích tham gia phục vụ cuộc chiến đấu chống càn. Nhiều quần chúng cách mạng bất chấp nguy hiểm, dũng cảm vượt qua làn đạn kẻ thù, tiếp tế cơm, cháo, nước uống, hoa quả, chăm sóc thương binh…

Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, các đơn vị bộ đội chủ lực sát cánh cùng bộ đội địa phương, dân quân, du kích Thanh Tâm, Thanh Liêm đã bẻ gẫy trận càn của địch, tiêu diệt 5 xe bọc thép, 144 tên địch, bắt sống 92 tên. Trong trận chống càn lịch sử này, nhiều bộ đội, dân quân, du kích đã anh dũng hy sinh trên khắp các chốt điểm, vị trí chiến đấu thuộc khu vực Núi Chùa.

Biết không thể thực hiện được mưu đồ càn quét nhanh chóng, tiêu diệt nhanh chóng lực lượng của ta, bọn Pháp điên cuồng gọi máy bay và pháo tầm xa ném bom, bắn phá tiếp viện. Trước hoả lực mạnh gấp hàng chục lần, các đơn vị bộ đội được lệnh rút vào khe Núi Chùa, nhưng thật không ngờ khi những loạt bom và đạn pháo tầm xa của địch điên cuồng trút xuống trong đêm ngày 21/5 đã làm sụt nhiều mảng đất đá lớn lấp đầy lòng khe Núi Chùa nơi một số đơn vị bộ đội chủ lực trú quân.

Trận chống càn Chanh Chè lần thứ hai trở thành một trong những trận đánh mang dấu ấn lịch sử sâu đậm và bi tráng nhất của quân và dân Hà Nam trong kháng chiến chống Pháp. 241 liệt sĩ hy sinh (trong đó hơn 100 liệt sĩ trúng bom và đạn pháo tầm xa dưới lòng khe Núi Chùa, mà phần lớn đều không để lại một dòng địa chỉ cụ thể) sau đó đã được dân quân, du kích và nhân dân địa phương quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ xã Thanh Tâm. Tròn bảy thập kỷ đã qua, phần mộ những liệt sĩ hy sinh trong trận Núi Chùa - Trận chống càn Chanh Chè lần thứ hai luôn được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân Thanh Tâm thường xuyên coi sóc, khói hương chu đáo.

Biểu tượng của niềm tự hào quê hương

70 năm qua, tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Thanh Tâm trong số hơn 100 ngôi mộ của những chiến sĩ bộ đội chủ lực con em của quê hương Quảng Bình, Quảng  Trị, Thừa Thiên Huế… phần lớn đều cùng có chung dòng chữ “Phần mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Do vậy, mặc dù thường xuyên coi sóc, khói hương chu đáo nhưng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT và nhân dân các xóm núi vùng chiến trường Núi Chùa, Chanh Chè, Thanh Tâm xưa vẫn đau đáu một nỗi niềm, làm sao xác định được danh tính các liệt sĩ. Trong nhiều năm liên tục, bằng tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cựu chiến binh lão thành Trung đoàn 95, Đại đoàn Bình Trị Thiên, Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 (*) cùng cựu dân quân, du kích địa phương và cơ quan báo chí, cơ quan quân sự, lao động, thương binh, xã hội các cấp,… những đầu mối thông tin ít ỏi dần dần được chắp nối, làm sáng tỏ nhưng vẫn chưa thể đầy đủ, cụ thể như mong đợi. Chính bởi thế, những liệt sĩ của trận chống càn Chanh Chè lần thứ hai lịch sử hy sinh tại Núi Chùa năm ấy cho đến bây giờ vẫn mang cùng một dòng địa chỉ chung: “Liệt sĩ Tiểu đoàn 227, Trung đoàn 95, Đại đoàn Bình Trị Thiên”; “Liệt sĩ Tiểu đoàn 884, Trung đoàn 48, Đại đoàn 320”…

Tự hào với truyền thống quê hương, ghi nhớ, tôn vinh, biết ơn những liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhiều năm qua hàng vạn lượt cán bộ, đảng viên các cấp, ngành, đoàn thể, sĩ quan, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị quân đội, thân nhân liệt sĩ, đại biểu doanh nghiệp, học sinh, sinh viên và khách thập phương đã tìm về Núi Chùa, Thanh Tâm thành kính dâng hương, tưởng niệm, tri ân. Khu di tích lịch sử tâm linh Núi Chùa cũng đã được dựng lên bởi niềm tự hào, sự thành kính, tri ân sâu sắc cùng sự đồng lòng, chung tay góp sức của bao thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT, nhân dân nhiều địa phương, cơ quan đơn vị, đoàn thể, ngành giới trong và ngoài tỉnh(**). Trong ngôi đền tưởng niệm tọa lạc trên thềm đất cao khu di tích lịch sử kháng chiến Núi Chùa, tấm bia ghi danh mới có đầy đủ thông tin của 71 liệt sĩ, phần bia trống còn lại vẫn còn dành lại chờ ghi danh những liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

Khu di tích lịch sử Núi Chùa được dựng lên trên quê hương Thanh Tâm- Đơn vị Anh hùng LLVT thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhiều năm qua đã trở thành một “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống, góp phần nhân lên niềm tự hào sâu sắc trong cán bộ, đảng viên, LLVT, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Tự hào, tri ân thế hệ cha anh đi trước, cán bộ, đảng viên, nhân dân và các LLVT Thanh Tâm luôn đảm nhận chu đáo việc chỉnh trang khu di tích sạch đẹp, trang nghiêm cũng như việc dâng hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Những hàng cây bóng mát, cây hoa do cơ quan quân sự, đoàn thể, nhà trường xung phong đảm nhận trồng, chăm sóc luôn bốn mùa xanh tốt, khoe sắc, tỏa hương bên khu tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ.

Địa danh lịch sử Núi Chùa cùng tên tuổi, chiến công của các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây cũng như âm hưởng hào hùng, bi tráng của trận chiến Chanh Chè lần thứ hai sẽ đời đời ngân vọng, trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, niềm tự hào quê hương, khích lệ cán bộ, đảng viên, nhân dân các LLVT thế hệ hôm nay thêm tự tin, quyết tâm đồng lòng, nỗ lực chung tay xây dựng cuộc sống mới phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy