Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Duy Hoan và chiến tích kết nối mệnh lệnh chiến đấu

Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28/6 - 16/9/1972), một chiến sỹ trẻ là người con của quê hương Hà Nam đã có hành động dũng cảm dùng răng cắn chặt mối nối hai đầu dây thông tin để bảo đảm lệnh chiến đấu được truyền phát thông suốt, kịp thời, góp phần vào chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Người lính thông tin dũng cảm đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Duy Hoan, quê ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục.

Sinh năm 1949 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, tháng 2/1968, khi vừa bước sang tuổi 19, Trần Duy Hoan xung phong nhập ngũ. “Ngày đó, tôi nặng có 37 kg nên phải lén bỏ 2 viên gạch vào ba lô mới đủ tiêu chuẩn xét tuyển” – Cựu chiến binh, Anh hùng LLVTND Trần Duy Hoan bộc bạch.

Sau thời gian huấn luyện tại Đại đội 5, Tiểu đoàn Thông tin 26, Quân khu 3, tháng 10/1968, tân binh Trần Duy Hoan được điều về Đại đội 5, Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 134 (nay là Lữ đoàn 134, Binh chủng Thông tin Liên lạc). Sau một thời gian được điều sang giúp nước bạn Lào, trở về Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, tháng 6/1971, chiến sỹ thông tin Trần Duy Hoan được giao trọng trách Tổ trưởng Tổ thông tin 29, Trung đội 1, Đại đội 5 tại mặt trận Quảng Trị. Nhiệm vụ của Tổ 29 là thường trực sẵn sàng, bảo đảm thông suốt đường dây thông tin dài khoảng 15km giữa các cấp chỉ huy và chiến trường.

Năm 1972, địch tăng cường bắn phá Quảng Trị nhằm chia cắt thông tin liên lạc của ta từ Hà Nội vào miền Nam, địa bàn từ Vĩnh Linh trở vào sông Thạch Hãn là điểm nóng ác liệt nhất. Có ngày địch bắn phá liên tục từ 6 giờ đến 18 giờ, Tổ thông tin 29 do Tổ trưởng Trần Duy Hoan chỉ huy phải khắc phục gần 20 mối nối, đầu này vừa nối xong lại bị bom đạn địch bắn phá làm đứt đầu kia. Chỉ riêng năm 1972, cá nhân Tổ trưởng Trần Duy Hoan đã 157 lần nối dây thông tin, khôi phục liên lạc. Đồng thời, anh còn luôn xông xáo ở mọi địa hình thực địa, tìm tòi, phổ biến cách ngụy trang và cách tránh bom, đạn, pháo địch bắn phá cắt đứt đường dây thông tin liên lạc. Gặp những tình huống có bom chưa phát nổ, Tổ trưởng Trần Duy Hoan lập tức bò xuống hầm dùng dây điện thông tin buộc vào lôi ra xa và kích hoạt phát nổ để bảo đảm an toàn cho đồng đội, đường dây và thông tin thông suốt. Có lần, bị thương do mảnh bom bi văng trúng lưng, nhưng Tổ trưởng Trần Duy Hoan vẫn tiếp tục nhiệm vụ tìm kiếm, đấu nối đường dây. Khi vừa đấu nối xong cũng là lúc ông choáng váng, ngất xỉu, tỉnh dậy, mới biết mình được một số đội viên đơn vị thanh niên xung phong tình cờ phát hiện đưa về lán trại sơ cứu.

Ngày 20/6/1972, khi trận ném bom của địch vừa dứt, Tổ trưởng Trần Duy Hoan lập tức đi kiểm tra và phát hiện sự cố đường dây thông tin bị đứt. Đang cố gắng kéo căng hai đầu dây bị đứt để nối lại thì đúng lúc có thông tin hỏa tốc từ Hà Nội điện vào số máy lẻ thông báo cần thông tin gấp. Không chút do dự, Tổ trưởng Trần Duy Hoan liền ghì hai đầu dây rồi dùng răng cắn chặt lại. Kết thúc cuộc gọi 5 phút cũng là lúc người Tổ trưởng Tổ thông tin 29 co rúm toàn thân và bất tỉnh vì điện giật... "Mệnh lệnh quan trọng, khẩn cấp từ cấp trên xuống, nếu dùng thông tin vô tuyến sẽ không bảo đảm bí mật. Hơn nữa, dùng vô tuyến sẽ phải số hóa bằng mật ngữ liên lạc, tới nơi thì thông tin viên lại phải dịch ra cho các đồng chí tư lệnh nên rất mất thời gian. Thời khắc ấy, tôi ý thức rất rõ rằng, nếu sợ sệt, tránh né sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến dịch bởi thông tin mật không thể chậm trễ một phút. Trách nhiệm với đồng đội, với cấp trên đã thôi thúc tôi dấn thân dù biết rất nguy hiểm”- Cựu chiến binh, Anh hùng LLVTND Trần Duy Hoan trải lòng. Nhờ hành động táo bạo, dũng cảm của Tổ trưởng Tổ thông tin 29 Trần Duy Hoan mà toàn bộ mệnh lệnh quan trọng của lãnh đạo Bộ được truyền đi nguyên vẹn đến chỉ huy các chiến trường, góp phần không nhỏ vào chiến thắng có tính quyết định cuối cùng trong Chiến dịch Xuân hè năm 1972.

Sau cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, người lính thông tin Trần Duy Hoan được ra Bắc và thi đỗ vào Học viện Quân sự. Tốt nghiệp, ông được giao trọng trách Đại đội trưởng thông tin cho mạng lưới thông tin tại Hà Nội, Hà Tây (cũ) và Vĩnh Phú (cũ). Trước khi nghỉ hưu, sỹ quan thông tin Trần Duy Hoan có quãng thời gian 10 năm liên tục làm chủ nhiệm thông tin của Bộ CHQS tỉnh Hà Nam Ninh. Ở cương vị nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Duy Hoan và chiến tích kết nối mệnh lệnh chiến đấu
Anh hùng LLVTND Trần Duy Hoan (thứ hai, từ trái sang) và cán bộ
Lữ đoàn 134
. Ảnh: QDND.VN     

Với những thành tích tiêu biểu trong chiến đấu và công tác, sỹ quan thông tin Trần Duy Hoan được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 1973, ông vinh dự được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đoạn dây thông tin có lõi bằng đồng được bọc nhựa màu đen, có rất nhiều vết nối - vật chứng về chiến công vang dội tại chiến trường đã được ông trao tặng Bảo tàng tỉnh Hà Nam ngày 9/12/2009, hiện được trưng bày tại không gian chuyên đề "Đảng bộ và nhân dân Hà Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ".

Tuy đã bước sang tuổi 74, trên mình còn mang những vết thương chiến tranh, song phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, Anh hùng LLVTND Trần Duy Hoan vẫn tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài của xã Vũ Bản, lặng lẽ đóng góp tâm sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp. 

Hoàng Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.