555 năm danh xưng Duy Tân tiền thân thị xã Duy Tiên (1469 - 2024)

Cách đây 555 năm (1469 - 2024), vào năm Quang Thuận thứ 10 đời Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497), triều đình nhà Lê, sau khi định bản đồ, đổi đạo thành 12 thừa tuyên, đất Duy Tiên, Hà Nam thời đó thuộc Thừa Tuyên Thiên Trường.

Cùng năm, triều đình đặt danh các phủ huyện trong đó có huyện Duy Tân, tiền thân của thị xã Duy Tiên ngày nay.

Sự kiện trên được tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) quê làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, Tổng đốc tỉnh Hải Dương, ngài là ông nội của Tổng Bí thư Trường Chinh (1907 - 1988), ghi trong sách Sử học bị khảo, do Viện Sử học, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành, Hà Nội 1997.

555 năm danh xưng Duy Tân tiền thân thị xã Duy Tiên 1469  2024
Phong cảnh núi Đọi - sông Châu. Ảnh: Thế Tuân

Theo sách Phương đình dư địa chí của danh nhân Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872), thời đó, Sơn Nam Thừa Tuyên có 9 phủ, 36 huyện, phủ Lý Nhân lĩnh 5 huyện Duy Tiên, Nam Xương (Lý Nhân), Kim Bảng, Bình Lục, Thanh Liêm, gồm 244 xã; Duy Tân (Duy Tiên), có 49 xã.

Thư tịch Hán Nôm về sự kiện trên còn được thấy trong bài thơ “Lê Lăng Ngự sử tiến ngôn” của quan Ngự sử Lê Lăng, vị quan thân cận với Vua Lê Thánh Tông, ngài đã dâng lời bàn đặt danh huyện và mừng sự kiện này, bài thơ do nhà nghiên cứu Dương Văn Vượng, chuyên gia bảo tàng Nam Định, sưu tầm, dịch.

Lời dâng lên Vua Lê Thánh Tông của quan Ngự sử Lê Lăng

 Trông thánh khoan nhân mới dám tỏ bày

  Xét tường uẩn khúc chuyện xưa nay

  Xây nền gió bụi không hề ít

  Giữ nghiệp gian truân vẫn thấy đầy

  Ải Bắc quanh năm thu khóa khéo

  Phương Nam nhiều sự xếp cho hay

  Chúng thần sớm tối xin chờ đợi

  Mong mỏi thanh tâm với dạ này!

Năm Quang Thuận thứ 10 Kỷ Sửu (1469), danh xưng Duy Tân xuất hiện trong hồng đồ nhà Lê, năm sau Canh Dần (1470), cầu đá Trác Bút, phường Châu Giang bắc qua sông Thiên Mạc, được xây cất. Đến năm Tân Sửu (1481) triều đình đổi Thừa Tuyên thành xứ, đất Duy Tiên, Hà Nam thuộc xứ Sơn Nam.

555 năm danh xưng Duy Tân tiền thân thị xã Duy Tiên 1469  2024
Chùa Long Đọi Sơn tọa lạc trên đỉnh núi Đọi, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên.
Ảnh: ĐCSVN

Thời nhà Mạc (1527), Mạc Đăng Dung duy trì thiết chế chính quyền theo nhà Lê, cả nước có 13 đạo Thừa Tuyên, Duy Tân trong Thừa Tuyên Thiên Trường.

DANH XƯNG DUY TIÊN

Danh xưng Duy Tân sau 132 năm, đến năm Tân Sửu (1601), Duy Tân đổi tên là Duy Tiên. Nguyên do, Vua Lê Kính Tông (1599 - 1619), mẹ là Hoàng hậu Ý Đức, ở ngôi 20 năm thọ 32 tuổi. (Đại Việt sử ký tục biên, bản in Nội các quan bản, khắc in Chính Hòa, 1697).

Lê Kính Tân tên húy là Duy Tân, người là con thứ của Lê Thế Tông, Tả tướng của chúa Trịnh Tùng, người có công trong việc trung hưng nhà Lê, sử sách gọi là thời kỳ vua Lê, chúa Trịnh.

Ngày định danh Duy Tiên còn được chép rõ là ngày 12 tháng Giêng năm 1601, cách đây 423 năm (1601-2024).

Sự kiện liên quan đến đất Duy Tiên, năm Giáp Thân (1644), Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (1623 - 1657), thời Vua Lê Thần Tông, nhà chúa ra lệnh chỉ, củng cố Ty Hiến sát xứ Sơn Nam, đặt ở xóm Dinh, xã Trác Văn, thường gọi là dinh Tường Thụy, cơ quan quản lý toàn xứ.

TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA RỰC RỠ

Đất đai Duy Tiên ngày nay có diện tích tự nhiên 120,92km2, dân số 154.000 người (2023), mật độ dân số 1.283 người/km2.

Đây là vùng đất cổ, bằng chứng là phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ học, mộ thuyền, trống đồng ở Đọi Sơn, Yên Bắc, Châu Giang. Có thể nói Duy Tiên, Hà Nam là “quê hương” của cổ vật văn hiến Đông Sơn. Ngoài những giá trị đặc biệt của Trống đồng Ngọc Lũ, đất Duy Tiên phát hiện thêm 7 trống đồng, có nơi như cương vực phường Yên Bắc, phát hiện được 5 trống cổ… Theo các nhà khảo cổ học, Trống đồng Vũ Xá, Yên Bắc có kiểu dáng và trang trí giống Trống Ngọc Lũ I, II…

555 năm danh xưng Duy Tân tiền thân thị xã Duy Tiên 1469  2024
Sản phẩm lụa của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá, xã Mộc Nam (Duy Tiên).
Ảnh: Thế Trang

Những phát hiện gần đây cho biết, khu vực đất Bài Nhiễm, phường Bạch Thượng từng là nơi đặt bộ máy cai trị của nhà Đường. Trên địa bàn Duy Tiên có gần 300 di tích tôn giáo, tín ngưỡng. Chùa Long Đọi Sơn, di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích quốc gia, 16 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, ngoài ra còn 322 di tích chưa được xếp hạng, từng là trung tâm của cộng đồng làng xã, với nghi lễ thờ các vị có công với nước với dân, nơi diễn ra các lễ hội truyền thống mang đậm sắc thái của vùng sông Châu, núi Đọi.

Sự phát triển của đạo Phật, Tổ đình Đọi Sơn từng là trung tâm Phật giáo từ thời Lý, với 80 ngôi chùa, thu hút số lượng phật tử chiếm 17% dân số thị xã.

Văn học Hán Nôm phát triển, hình thành các vùng đất học quê hương của 22 nhà khoa bảng, 9 vị có tên trên bia Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội và Văn Miếu Cố đô Huế, còn hàng trăm các vị tiên hiền được nêu danh trên các bia Văn từ chùa Đọi. Các làng nghề danh tiếng như trống Đọi Tam, lụa Nha Xá, gắn với những sự kiện nhân vật từ thời tiền Lê, thời Trần, còn giá trị lâu bền cho dân sinh nền văn hóa.

Truyền thống văn hiến rực rỡ được phát huy cao dưới ánh sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Duy Tiên còn được xem là cái nôi của cách mạng Hà Nam, quê hương của những nhà trí thức yêu nước, tiêu biểu là nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến (1901 - 1941), quê làng Lũng Xuyên, phường Yên Bắc, cùng nhiều người con ưu tú của đất này, góp phần vào trang sử vàng truyền thống của quê hương, đất nước.

Nguyễn Thế Vinh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy