40 năm gắn bó, phát triển kinh tế trên vùng đất đồi rừng

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Thanh Nghị, từ nhỏ ông Vũ Văn Hanh đã gắn bó với rừng cây, núi đồi. Với bản chất cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người nông dân, ông Hanh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại, thử nghiệm những mô hình làm kinh tế hiệu quả, quyết tâm làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất của mình.

Thanh Nghị là xã nằm ở phía Tây Đáy của huyện Thanh Liêm, giáp ranh với 2 tỉnh Ninh Bình và Hòa Bình. Ở vị trí địa lý “con gà gáy 3 tỉnh đều nghe”, mặc dù có tài nguyên khoáng sản dồi dào, nhưng để trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất đa canh thì lại “khó kén chọn” được con giống, cây giống phù hợp thổ nhưỡng để đưa vào trồng, chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Thanh Nghị, từ nhỏ ông Vũ Văn Hanh đã gắn bó với rừng cây, núi đồi. Với bản chất cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người nông dân, ông Hanh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại, thử nghiệm những mô hình làm kinh tế hiệu quả, quyết tâm làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất của mình.

Ông Vũ Văn Hanh chăm sóc vườn đào.

Từ năm 1985, ông Hanh bắt đầu tìm cơ hội trên vùng đất khô cằn, thuộc thôn Thanh Sơn, xã Thanh Nghị. Ban đầu ông chọn trồng cây chè tươi, nhưng khí hậu và đồng đất không phù hợp, cây chè không cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế thấp. Sau một thời gian, ông mạnh dạn chuyển sang trồng hơn 1ha bưởi. Tuy nhiên, sau mỗi vụ thu hoạch, năng suất không cao, giá quả bưởi lại xuống thấp, hiệu quả kinh tế không được như mong muốn. Nhiều đêm nằm suy nghĩ, không lẽ lại có thể bỏ buông mảnh đất mà mình đã từng vun vén, xới trồng, ông quyết định chuyển hướng sang trồng cây hoa đào cảnh. Ban đầu, ông trồng cây đào trên khoảng 5 – 7 sào đất đồi rừng và trồng đan xen thêm các cây ăn quả khác, như: nhãn, vải và một số cây bóng mát. Sau một vài năm, cây đào đã không phụ công người chăm sóc.

Ông Hanh cho biết, có những gốc đào cổ thụ cỡ vài chục năm, cây đào càng già thì càng cho giá trị kinh tế cao. Xác định đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, ông tiếp tục cải tạo vườn tạp và trồng thêm hơn 1ha đào rừng với đa dạng kiểu, loại đào, từ đào truyền thống, đào thế, đào dáng huyền, kết hợp trồng đan xen một số cây bóng mát, cây ăn quả. Nhiều năm trở lại đây, vườn đào của gia đình ông Hanh là địa chỉ quen thuộc của người dân trong tỉnh mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, khách vào mua đào đông, ông phải thuê thêm nhân công cắt cành, vận chuyển đào đến tận nơi cho khách. Bông hoa đào Thanh Nghị cánh to và có màu đẹp, giá lại rẻ hơn so với đào Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu… Người chơi đào Tết mấy năm trở lại đây rất “chuộng” đào rừng vùng Thanh Nghị bởi hoa có thời gian chơi bền, cánh to, màu hồng phai rất đẹp.

Bác Vũ Văn Hanh kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của đàn ong.

Không chỉ trông chờ vào cây đào là nguồn thu nhập chính, năm 2022, thực hiện dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam thuộc Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025 “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong xây dựng mô hình chăn nuôi đà điểu sinh sản thương phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Nam”, ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 150 con đà điểu giống để nuôi. Ông Hanh tâm sự: Tôi thấy đà điểu là con vật nuôi hiền lành, dễ nuôi, chịu được nắng nóng, phù hợp với khí hậu và nguồn thức ăn cho đà điểu lại sẵn có tại địa phương, như: cỏ voi, cây chuối, rau, ngô… Bởi vậy, tôi đã lên tận Ba Vì (Hà Nội) tham quan các trang trại, mô hình để học tập kinh nghiệm chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho đà điểu. Lứa đầu tôi nhờ cán bộ kỹ thuật về chăm sóc, hướng dẫn cả tháng; đến lứa thứ 2, cùng với kinh nghiệm đã học hỏi được, tôi chỉ cần cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn khoảng 10 ngày. Qua quá trình chăn nuôi, tự mình học hỏi, kiên trì tìm hiểu đặc tính của đà điểu, hiện tại tôi đã làm chủ được kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư 4 chuồng, duy trì nuôi 160 con đà điểu. Sau khi nuôi khoảng 10 – 11 tháng, trọng lượng đà điểu bình quân đạt 100kg/con, có thể xuất bán thịt thương phẩm với giá dao động từ 85 – 90 nghìn đồng/kg thịt hơi - ông Hanh cho biết. Nuôi đà điểu là một mô hình mới, nhưng cho hiệu quả kinh tế, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với thu nhập ổn định.

Khu chăn nuôi đà điểu của gia đình bác Vũ Văn Hanh.

Cùng với phát triển đàn đà điểu, gia đình ông Hanh còn tận dụng nguồn hoa nhãn, hoa vải, hoa keo, bạch đàn và các loài cây khác để duy trì gần 100 thùng nuôi ong. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng từ các nguồn. Ông dự định mở rộng trang trại nuôi đà điểu nhằm tăng lượng con giống và con nuôi thương phẩm. Ông Vũ Văn Hanh chia sẻ: Tôi gắn bó với vùng đất này đến nay đã gần 40 năm, trải qua nhiều gian khó, thử thách. Chăn nuôi, trồng trọt nhiều lúc không đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhưng nhờ kiên trì, bám đất, bám rừng kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi nên đất cũng không phụ công người. Làm nông nghiệp giờ đây không khó, mọi người cùng “đồng cam, cộng khổ” đoàn kết, tìm ra những cách làm mới, như phát hiện giống cây, con mới phù hợp với đồng đất và địa thế vùng miền là điều hết sức quan trọng, quyết định thành công. Thực hiện được điều đó, khoảng chục năm trở lại đây, kinh tế các hộ dân quanh vùng đều có thu nhập tương đối ổn định từ nuôi dê, trồng đào, nuôi ong lấy mật…

Nói về những đóng góp tích cực trong phong trào nông dân làm kinh tế giỏi, ông Lưu Văn Ninh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Nghị cho biết: Ông Vũ Văn Hanh là một hội viên cần cù, chịu khó học hỏi, không quản khó khăn, vất vả. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Hanh còn nêu cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ những kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân ở địa phương, giúp nhau cùng làm giàu, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.

Với nhiều đóng góp cho địa phương và phong trào nông dân của xã Thanh Nghị, ông Vũ Văn Hanh đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2023.

Lê Dũng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy