Những 'kẻ thù' của nội thất ôtô khó ngờ tới

Sản phẩm khử mùi, nước hoa, xịt chống muỗi, kem chống nắng là những thứ có thể khiến nhiều chi tiết nội thất hư hại không thể khắc phục.

Các sản phẩm khử mùi, làm thơm nội thất là một trong những phụ kiện phổ biến trên ôtô, giúp át đi những mùi khó chịu trong xe. Tuy nhiên, nếu không dùng một cách cẩn thận, những sản phẩm tạo mùi này có thể gây hư hỏng nội thất, không thể khôi phục lại như trạng thái ban đầu.

Những kẻ thù của nội thất ôtô khó ngờ tới
Táp lô bị chảy nhựa do tiếp xúc trong thời gian dài với sáp thơm treo ở ngoài trời nắng. Ảnh: Reddit/brewinguptrouble

Các sản phẩm tạo mùi hương trong ôtô phổ biến bao gồm dạng treo ở gương hậu, sáp thơm gắn ở họng gió điều hòa và dạng dung dịch ở trong bình khuếch tán thụ động. Trong thành phần chất tạo mùi của những sản phẩm này thường chứa dung môi dễ bay hơi, nhằm giúp mùi hương lan tỏa hiệu quả trong không khí. Những dung môi này có tính chất chung là ăn mòn các bề mặt vải, nhựa, sơn hoặc các bề mặt có đánh bóng, ví dụ như gỗ đánh vecni.

Chính vì thế, nếu các sản phẩm tạo mùi tiếp xúc trực tiếp với phần nội thất, ví dụ như các nút bấm, bệ tì tay, họng gió, hiện tượng bong tróc bề mặt có thể xảy ra. Thậm chí nếu để tiếp xúc lâu đi kèm với điều kiện thời tiết nóng ẩm, các chi tiết nhựa có thể bị chảy vì bị dung môi ăn mòn.

Do đó, khi sử dụng các sản phẩm tạo mùi, nên treo một cách chắc chắn ở vị trí gương chiếu hậu nếu dùng sản phẩm dạng treo, trong trường hợp tầm nhìn bị cản trở có thể để ở vị trí khác như hộc để đồ, lưu ý không nên treo các vị trí như cần số, trước họng gió điều hòa vì những vị trí này sản phẩm bị tiếp xúc trực tiếp với các chi tiết nội thất.

Những kẻ thù của nội thất ôtô khó ngờ tới
Không nên treo sáp thơm gần các chi tiết nhựa. Ảnh: Audiworld

Nếu dùng nước hoa dạng dung dịch khuếch tán, không nên để ở vị trí táp-lô vì trong trường hợp va chạm, lọ nước hoa sẽ bắn khắp khoang xe gây nguy hiểm cho hành khách, ngoài ra nếu trời nắng nóng chai thủy tinh như thấu kính hội tụ có thể làm cháy xém bề mặt táp-lô. Vị trí an toàn nhất là ở hộc để đồ, hoặc chỗ để cốc.

Nếu sử dụng nước hoa gắn ở khe họng gió điều hòa, cần lưu ý chọn dạng sáp để hạn chế nguy cơ dung dịch nước hoa chảy vào các chi tiết nhựa trên họng gió. Sau mỗi lần thay thế lõi tạo mùi mới tài xế cũng nên kiểm tra để đảm bảo các chi tiết nhựa không bị chảy, ố hoặc hư hỏng do dung môi từ nước hoa.

Bên cạnh các sản phẩm tạo mùi cho nội thất, mỹ phẩm hay sử dụng hằng ngày cũng có thể gây ra hư hại. Các loại bình xịt chống muỗi, kem chống muỗi chứa hợp chất DEET, có tính ăn mòn cao đối với nhiều loại vật liệu bao gồm nhựa, cao su, da, vải nhân tạo và sơn ôtô. Điều này tương tự với nước hoa, có chứa nhiều cồn cũng là một chất có tính ăn mòn cao. Ngoài ra, kem chống nắng có chứa thành phần titan oxide có thể phản ứng với bề mặt nhựa và dầu tự nhiên có trong vật liệu ghế da, đặc biệt ở nhiệt độ cao, gây phai màu. Qua đó không nên sử dụng những mỹ phẩm trên khi ở trong xe.

Theo vnexpress.net

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy