Thuộc quân số Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh nhưng để gặp được chị tôi phải tìm về tận vùng rừng núi xa xôi Thanh Bồng (xã Thanh Nghị, Thanh Liêm), nơi chị đang đảm nhiệm, triển khai dự án "Áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo" do Bộ CHQS tỉnh thực hiện từ năm 2017. Chị là Thượng tá Nguyễn Thị Hà, nhân viên Ban Quân nhu, Phòng Hậu Cần, Bộ CHQS tỉnh.
Tới khu căn cứ hậu cần của Bộ CHQS tỉnh vừa đúng lúc Thượng tá Nguyễn Thị Hà đang cùng cán bộ, chiến sĩ chuyển những bó cỏ to về đưa vào máy cắt nhỏ cho bò ăn. Vừa trải qua đợt mưa to nên đường lên khu trồng cỏ khá lầy lội, xe không vào được tận nơi, anh chị em phải vác cỏ ra xe một quãng khá dài, mồ hôi ướt đầm lưng áo.
Chị Hà cho biết, công việc chính của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây là tập trung chăm sóc thật tốt cho đàn bò sinh sản, bò vỗ béo theo chương trình dự án, sao cho đàn bò ngày càng nhân rộng, phát triển. Nghe thì đơn giản vậy nhưng khi tìm hiểu tôi thấy thật không hề đơn giản chút nào.
Chị Nguyễn Thị Hà chăm sóc đàn bò tại trang trại.
Dự án "nuôi bò" thực hiện với tổng đàn 200 con (100 con nuôi tại trang trại Bộ CHQS tỉnh, 100 con nuôi tại gia đình quân nhân xuất ngũ ở các địa phương).
Để dự án được ứng dụng, phát huy hiệu quả tốt trong thực tiễn, chị Hà là người trực tiếp theo sát, cùng thủ trưởng đơn vị thuyết trình bảo vệ từ khi còn trên lý thuyết. Khi được phê duyệt, chị cũng là người xung phong đảm nhận việc chăm nuôi đàn bò cùng anh em tại khu tăng gia. Đảm nhận một việc mới không hề đơn giản, nhất là việc không thuộc chuyên môn của mình, nhưng chị Hà cùng anh em trong tổ không quản ngại, tranh thủ tiếp cận, vừa học vừa làm, động viên, giúp nhau vượt qua khó khăn.
Đầu năm 2017, khi bò chưa đưa về, chị Hà cùng anh em trong tổ phải trồng trước 8 ha cỏ VA06 (do Viện Chăn nuôi về hướng dẫn, chuyển giao công nghệ), rồi vận chuyển vật liệu xây dựng chuồng trại. Chưa có đường rộng nên vật liệu tập kết dưới chân đồi, chị cùng anh em dùng xe cải tiến chở gạch, cát, xi măng lên lưng đồi để xây dựng chuồng trại.
Tháng 4/2018, chuồng trại cơ bản bảo đảm, bò được đưa về nuôi, chị cùng anh em lại bước sang giai đoạn mới, đó là tập trung chăm sóc, bảo đảm bò sinh trưởng, phát triển tốt. Sau hơn 4 tháng đưa về chăn nuôi, đến nay đàn bò phát triển tốt, một số con phối giống thành công. Vậy là, dù khó khăn, vất vả nhưng nhờ quyết tâm nên chị Hà và anh em trong tổ đã thực hiện tốt công việc mới, đem lại thành quả bước đầu rất đáng phấn khởi.
Cùng với nuôi bò, tổ của chị còn nuôi đàn dê hơn 2 chục con và mấy chục con gà thả để cải thiện bữa ăn cho anh em. Đồng thời san đất trồng rau, củ sạch phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội. Là phụ nữ, đảm nhận công việc bận rộn, vất vả nhưng chị Hà lúc nào cũng vui vẻ, động viên anh em khắc phục khó khăn. Nơi nghỉ trưa của chị là chiếc võng mắc ngoài sân, giường chiếu trong nhà chị nhường cho anh em. Chỗ ăn nghỉ tạm bợ như vậy nhưng chị không hề nản lòng.
Nói về chị, Thượng úy Phạm Quý Thu (nhân viên tổ tăng gia) cho biết: Là phụ nữ, phải đảm nhiệm công việc vất vả của nam giới nhưng chị Hà không hề phàn nàn mà còn luôn nhỏ nhẹ động viên anh em làm việc. Không chỉ quán xuyến, sâu sát trong quản lý, điều hành, khi anh em làm việc gì chị cũng xắn tay cùng tham gia. Thấy chị như vậy nên anh em càng cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
28 năm tuổi quân, 22 năm tuổi Đảng, từng là nhân viên kế toán tài chính trước khi đảm nhận công việc ở tổ tăng gia, Thượng tá Nguyễn Thị Hà luôn sẵn sàng, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ. Dù điều kiện nơi làm việc mới còn hết sức khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực nhưng chị vẫn kiên trì, quyết tâm cùng anh em khắc phục, thu xếp ổn thỏa cả việc nhà lẫn việc đơn vị.
Hy vọng một ngày không xa, dự án do tổ tăng gia sản xuất của chị đảm nhiệm sẽ đạt hiệu quả tích cực. Đàn bò sẽ ngày càng phát triển không chỉ trong các đơn vị mà còn nhân rộng trong nhiều gia đình quân nhân xuất ngũ, gia đình hoàn cảnh khó khăn… qua đó góp phần thiết thực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phương Dung
Phương Dung