Sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng xã An Ninh, huyện Bình Lục, bố mẹ là nông dân, ngay từ nhỏ chị Hà Thị Lục, Giám đốc HTXDVNN An Ninh đã quen với công việc đồng áng vất vả, nhọc nhằn. Chị Lục tâm sự: “Cổ cày vai bừa” là hình ảnh gắn với công việc vất vả, cực nhọc hằng ngày của người nông dân thuở trước.
Chứng kiến nỗi nhọc nhằn, vất vả của những người nông dân “hai sương một nắng”, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chị Lục quyết tâm theo học khoa trồng trọt, Trường Trung cấp Nông nghiệp 1 Hà Nam Ninh với mong muốn tiếp thu được nhiều kiến thức sau này về hướng dẫn, giúp đỡ bà con nông dân, góp phần đổi thay “cách nghĩ, cách làm” trên đồng ruộng. Sau 3 năm học tập, năm 1980, chị tốt nghiệp, trở về địa phương làm cán bộ kỹ thuật, sau đó tham gia Ủy ban quản lý của HTX. Năm 2003, chị được giao đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm HTX; từ năm 2009 đến nay chị là Chủ nhiệm, sau là Giám đốc HTXDVNN An Ninh.
Nhờ có sự quản lý, điều hành hiệu quả của Giám đốc Hà Thị Lục, nhiều năm liên tục HTXDVNN An Ninh là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của huyện. Nổi bật, để giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, năm 2008, HTXDVNN An Ninh lần đầu tiên đưa mô hình gieo thẳng vào thử nghiệm trên đồng ruộng.
Chị Lục nhớ lại: Do chưa có kinh nghiệm, thời gian đầu mô hình không được người dân tiếp nhận. Bằng sự kiên trì thuyết phục, vận động, rồi chứng minh bằng hiệu quả thực tế, đến nay nông dân An Ninh thực hiện gieo sạ gần 100% cả hai vụ xuân và mùa. Hưởng ứng thực hiện phong trào xây dựng cánh đồng mẫu, từ năm 2013 đến nay HTXDVNN An Ninh đã xây dựng và mở rộng thành công mô hình mẫu lớn rộng 100ha, thực hiện theo phương pháp ba cùng trong sản xuất, đó là: Cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc. Phương pháp này giúp nông dân thuận tiện trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch.
Chị Lục chia sẻ: Trước kia, nông dân “mạnh ai nấy làm”, nhất là trong việc phòng trừ sâu bệnh (thường nông dân cứ thấy có sâu là phun thuốc). Sản xuất theo phương pháp “3 cùng” nông dân gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của HTX. Đặc biệt, việc phun thuốc trừ sâu phải tuân thủ nghiêm theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách) vừa bảo đảm hiệu quả, lại bảo đảm sức khỏe, hạn chế thấp nhất tình trạng gây ô nhiễm môi trường sống.
Để khắc phục tình trạng đất manh mún, nhỏ lẻ, xa khu dân cư, năng xuất cây trồng thấp…, năm 2014, HTXDVNN An Ninh thực hiện tích tụ được 5ha tại vùng Xa Giang để trồng cam canh. Từ năm 2017, những vườn cam canh đã cho thu hoạch, giá trị bình quân đạt khoảng 150 triệu đồng/ha/năm (trước kia chỉ đạt khoảng 20 triệu đồng/ha/năm).
Từ vụ mùa năm 2016, ngoài việc duy trì tốt các khâu dịch vụ nông nghiệp theo quy định (đó là: Khuyến nông, bảo vệ thực vật, thủy nông…) HTXDVNN An Ninh mở rộng thêm dịch vụ thỏa thuận làm đất, gặt máy, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Năm 2018, trực tiếp gia đình chị Lục đứng ra đảm nhận xây dựng mô hình nhà kính (rộng 512m2) trồng 2 vụ dưa lưới, 1 vụ dưa chuột/năm.
Chị Lục tâm sự: Ông bà, bố mẹ tôi đều là nông dân. Công việc nhà nông ngày trước hết sức vất vả, cực nhọc mà vẫn không đủ ăn. Nhiều người sinh ra ở nông thôn chứng kiến cảnh vất vả muốn được thoát ly đồng ruộng, nhưng tôi thì không. Tôi yêu nghề nông, muốn gắn bó với đồng đất quê hương nơi tôi sinh ra, nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành.
Bằng nỗ lực, cố gắng không ngừng trong thực hiện điều hành, quản lý hiệu quả hoạt động của HTX, chị Lục đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Nhưng với chị, phần thưởng có ý nghĩa nhất đó là niềm tin của bà con nông dân; là hiệu quả kinh tế trên đồng ruộng ngày càng được nâng lên. Theo chị Lục, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngoài kiến thức, năng lực, giám đốc HTX trong thời kỳ mới phải là người năng động, "dám nghĩ, dám làm", "không ngại khó, không sợ khổ", tâm huyết, trách nhiệm trong mọi công việc. Giám đốc HTXDVNN là giám đốc của nông dân vì vậy luôn phải sát dân, lắng nghe ý kiến của người dân. Đặc biệt, trong mọi công việc phải gương mẫu, thực hiện nói đi đôi với làm.
Phạm Hiền
Phạm Hiền