Nhớ những lần đón Tết trong nhà lao đế quốc

Nhập ngũ ngày 10/4/1962, khi mới 18 tuổi, bị địch bắt ngày 5/1/1968, 5 năm 6 tháng bị giam cầm trong nhà lao đế quốc, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hữu Úc, thôn Đạt Hưng, xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm phải đón 6 Tết cổ truyền của dân tộc trong cảnh tù ngục.

Trò chuyện với chúng tôi về những lần đón Tết nơi chiến trường, trong nhà lao, CCB Nguyễn Hữu Úc khẳng định: Đó là những năm tháng vô cùng gian khổ và ác liệt. Xa nhà, xa quê hương, đón Tết nơi chiến trường hay đón Tết chốn lao ngục tôi luôn có đồng đội sát cánh kề bên. Chúng tôi luôn động viên nhau, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững phẩm chất người lính Cụ Hồ, tuyệt đối tin tưởng cách mạng sẽ giành thắng lợi, Bắc – Nam sẽ thống nhất một nhà.

Thời gian rảnh rỗi bác Úc làm vườn, vui tuổi già.

Đón Tết trên đường hành quân

75 tuổi, sức khỏe đã yếu nhiều nhưng ông Úc vẫn nhớ lần cùng đồng đội đón Tết trên đường hành quân ra trận. Đó là Tết năm 1964, đơn vị ông Úc hành quân bí mật bằng xe ô tô từ Thọ Xuân (Thanh Hóa) tới làng Ho (Quảng Bình). Năm đó, ông Úc cùng đồng đội đón Tết tại các trạm dừng chân trên đường ra trận.

Theo ông Úc, Tết trên đường ra trận cũng có đầy đủ: bánh chưng, gà, giò…, đặc biệt là có nhiều món cá (vì các tỉnh đơn vị hành quân qua đều có biển). Đêm 29 Tết, ông Úc cùng đồng đội đón Tết ở Vinh (Nghệ An). Sáng ngày mùng một đón Tết ở làng Ho (Quảng Bình). Tết nơi chiến trường thiếu thốn tình cảm gia đình, làng xóm, nhưng lại ấm tình đồng chí, đồng đội. Mọi người luôn gắn bó, đoàn kết động viên nhau cùng đón Xuân mới trong niềm phấn khởi với quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Tết năm 1964, ăn Tết trên đường hành quân, Tết năm 1965, đơn vị ông Úc lại tổ chức ăn Tết trước tại Hoài Ân (Bình Định) để chuẩn bị tham gia đánh trận Đèo Nhông - Dương Liễu. Đón Tết sớm nơi căn cứ nhưng đơn vị vẫn tổ chức gói bánh chưng, gói giò…; tổ chức liên hoan văn hóa văn nghệ. Biết rõ ngày mai phải đối mặt với rất nhiều gian khổ, ác liệt, thậm chí cả hy sinh, nhưng những người lính vẫn cùng nhau đón Xuân mới trong niềm vui, niềm tin, trong tâm thế luôn sẵn sàng ra trận. 

Ăn Tết cùng dân

Năm 1966 đơn vị chúng tôi về ăn Tết với nhân dân ở Phù Mỹ, Bình Định – ông Úc nhớ lại. Về ăn Tết với dân, chúng tôi vô cùng xúc động trước tình cảm của nhân dân dành cho bộ đội Cụ Hồ. Ngày Tết, có món gì ngon, có món gì lạ dân đều thết đãi bộ đội, nhường cho bộ đội. Ăn Tết với người dân Bình Định, chúng tôi được ăn bánh Tét (giống bánh chưng ngoài Bắc nhưng gói hình dạng giống chiếc giò), bánh in (ăn giống bánh khảo), bánh ít lá gai (giống bánh gai nhưng gói nhỏ hơn)… Theo phong tục, người miền Nam cũng làm cơm cúng tổ tiên với các món như: gà, giò, bánh… nhưng khi ăn thường có thêm các món cuốn (như: tôm, mực, cá... cuốn với các loại rau thơm) chấm mắm. Khách đến chơi nhà gặp bữa là ngồi quây quần vào ăn vui vẻ, đầm ấm.

Về đón Tết, vui liên hoan văn nghệ cùng dân, anh em trong đơn vị ai cũng cảm nhận được tình quân dân thắm thiết, đậm đà.

Tết trong nhà lao đế quốc

Theo lời kể của ông Úc, ngày mùng 5/1/1968, ông bị địch bắt tại thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An, Bình Định, sau đó địch đưa về giam tại trại giam Phú Tài (Quy Nhơn, Bình Định). Sáng ngày mùng 2 Tết năm 1968, ông bị đầy ra đảo Phú Quốc. 5 năm, 6 tháng bị giam cầm, đón 6 cái Tết trong nhà lao, ông Úc nhớ nhất lần đón Tết năm 1970 và Tết năm 1971.

Ông Úc bồi hồi nhớ lại: Để được biểu diễn các tiết mục văn nghệ, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng trong nhà lao, anh em tù nhân đã tổ chức đấu tranh với giám thị đòi được ca hát, được chế tạo nhạc cụ như: sáo, nhị, đàn… bằng các vật liệu phế thải mà anh em lượm được trong lúc đi làm.

Tết năm 1970, trong các tiết mục văn nghệ, tôi ấn tượng nhất tiết mục biểu diễn bài hát “Trước ngày hội bắn”. Tiết mục đó do đồng chí Hùng thủ vai cô gái Thái. Hùng ngày đó trẻ lắm, là đoàn viên trong tổ chức nhà lao. Một bạn tù khác vào vai nam. Cả hai đều hát hay, múa dẻo. Khi tiết mục bắt đầu, Hùng “xúng xính”, “xinh đẹp” xuất hiện trong bộ váy áo người Thái, bạn nam trong bộ quần áo thanh niên Thái với cây khèn điệu nghệ trên tay.

Khúc sáo dạo đầu vang lên, “cô gái” Thái như “từ trên trời bay xuống” thánh thót cất lời ca: “Tiếng chim rừng chào mừng bình minh/Hót trên cành rộn ràng đây đó/Hạt sương thấm ướt cành đào/Tưởng như ta bước lạc vào động tiên/Quê hương ta ơi, núi cao suối ngàn của ta/Kìa ai như bóng anh chàng/Ngày mai thi bắn xuống làng làm chi?”.

Sau lời ca, tiếng vỗ tay vang lên như sấm. Lính quân cảnh trực tuần tra trong trại và giám thị tưởng tù binh bạo động chạy đến lăm le, nhưng anh em vẫn ngồi yên lắng nghe, vỗ tay cổ vũ nhiệt tình nhưng rất có trật tự. Thấy vậy, bọn quân cảnh và bọn giám thị tò mò đứng lại xem biểu diễn. Xem xong tiết mục bọn chúng cũng phải trầm trồ thán phục.

Năm 1971, vào đêm giao thừa có tiết mục tuồng do đoàn tuồng khu 5 biểu diễn. Thủ vai Trần Hưng Đạo là nghệ sỹ, đạo diễn Võ Vỹ Thừa, quê Bình Định. Vào vai Trần Bình Trọng là chú Liên, diễn viên đoàn tuồng Đào Tấn (chúng tôi được nghe kể lại các nghệ sỹ trên bị địch bắt khi đang biểu diễn phục vụ bộ đội – ông Úc nói). Trong tù không có phấn son, không sẵn đồ hóa trang, anh em sáng tạo, tự may váy, áo, làm cân đai, cung kiếm từ những bộ quần áo, mùng, mền cũ rách của địch phát cho tù binh sử dụng.

Để trang trí thêm những họa tiết hoa văn lấp lánh anh em để ý, lượm gom những mảnh giấy bạc, giấy màu khi đi làm rồi cắt dán lên trang phục... Nhờ chuẩn bị trang phục, nội dung hết sức công phu nên tiết mục thực sự đem lại nhiều cảm xúc cho người xem. Đặc biệt, tới đoạn Trần Bình Trọng kiên cường trả lời tướng giặc Nguyên: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc”, anh em lại đồng loạt vỗ tay, lính canh và giám thị lại xông đến hăm dọa.

Tết đến, trong tù anh em rất nhớ nhà, nhớ quê hương, nhất là anh em mới bị đầy ra đảo. Vật chất thiếu thốn đủ bề, chỉ có cơm với cá khô vừa mục vừa mốc. Nếu không phải cá khô thì phải ăn cá liệt (loại cá nhỏ, cũng đã bị ươn). Riêng Tết năm 1973, mỗi bữa cơm tù nhân được thêm một miếng thịt nhỏ như đầu ngón tay. Vật chất thiếu thốn, lại thường xuyên bị tra tấn, đánh đập dã man, tàn bạo, nhưng anh em tù nhân vẫn giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng, tổ chức học tập, sinh hoạt văn hóa văn nghệ… động viên nhau phải giữ vững tinh thần kiên trung, bất khuất của người chiến sỹ cộng sản, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. 

Tôi may mắn là có ngày trở về - ông Úc xúc động nói, được chứng kiến, được tận hưởng những cái Tết độc lập tự do của dân tộc, giữa tình thân gia đình, tình thân làng xóm. Trong niềm vui, niềm hạnh phúc khi thấy quê hương, đất nước đổi mới, người dân đón Tết cổ truyền dân tộc ngày càng đầy đủ hơn tôi lại nhớ về những Tết xưa, những cái Tết sát cánh bên đồng đội nơi chiến trường, trong lao ngục. Đó là những cái Tết không thể phai mờ trong ký ức của tôi. 

Phạm Hiền (ghi)

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy