Gặp anh tại hội thi công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2024, thật vui khi biết rằng sáng kiến của anh là một trong những sáng kiến xuất sắc của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Hà Nam được cấp trên đánh giá cao và đạt giải Nhì toàn quân. Vui hơn là sáng kiến này được mở rộng ứng dụng trong hoạt động công tác quân y ở các cơ quan, đơn vị quân đội và hoạt động của LLVT tỉnh khi hành quân dã ngoại, huấn luyện tới những vùng xa xôi, hẻo lánh.
Đó là sáng kiến “Hệ thống hút đờm, rãi trên xe cứu thương trong cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân” và nay tiếp tục được cải tiến sáng kiến “Hệ thống hút đờm, rãi cơ động” của Trung tá chuyên nghiệp, bác sĩ chuyên khoa cấp I Nguyễn Xuân Sinh, Ban Quân y, Phòng Hậu cần – Kỹ thuật Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh.
Chia sẻ với chúng tôi về quá trình nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến của mình, bác sĩ quân y Nguyễn Xuân Sinh cho biết: Hơn 30 năm công tác trong ngành quân y đã giúp anh đúc rút được nhiều kinh nghiệm để có thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao. Quá trình công tác, anh rất thấu hiểu sự cần thiết của việc ứng dụng hệ thống trang thiết bị trong điều trị, cấp cứu bệnh nhân, trong khi đó, trên xe cứu thương chủ yếu mới được trang bị những thiết bị cấp cứu thông thường. Nhận thức đó cùng sự tận tâm, trách nhiệm với nghề đã khiến anh luôn trăn trở nghiên cứu cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến để có thể ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn công tác cũng như cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Anh luôn tâm niệm với người bệnh, sự sống và cái chết có thể chỉ trong gang tấc nếu không được cấp cứu kịp thời, nhất là với người mắc bệnh đường hô hấp, mắc dị vật làm tắc nghẽn đường thở thì việc nhanh chóng khai thông đường hô hấp mới có thể kịp thời cứu bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch, hạn chế nguy cơ tiến triển nặng của bệnh.
Từ thực tiễn công tác, năm 2022 anh đã nghiên cứu, cho ra đời sáng kiến “Hệ thống hút đờm, rãi trên xe cứu thương trong cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân”. Sáng kiến được Bộ CHQS tỉnh cho ứng dụng trên xe cứu thương của đơn vị (trước đó máy hút đờm, rãi chỉ có thể được sử dụng tại phòng khám). Để dùng được trên xe cứu thương, anh đã tận dụng bình ắc quy của xe để lấy nguồn điện. Sử dụng bộ chuyển đổi nguồn điện một chiều 12V thành dòng xoay chiều 220V để có thể sử dụng trong quá trình vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân trên xe. Sáng kiến này vừa bảo đảm tính khoa học, thiết thực, tiết kiệm, giá thành rẻ, phù hợp, có thể ứng dụng rộng rãi trên các loại xe cứu thương trong và ngoài quân đội, giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, dẫn đến những tai biến trong quá trình vận chuyển bệnh nhân.
Không dừng lại ở đó, cuối năm 2023, đầu năm 2024, anh tiếp tục trăn trở cải tiến sáng kiến của mình với mục đích để sáng kiến được ứng dụng hiệu quả, rộng rãi và dễ dàng nhất. Từ suy nghĩ bộ đội thường phải hành quân thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, dân vận ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, có địa bàn xe cứu thương khó tiếp cận nên anh đã nghiên cứu cải tiến để có thể dễ dàng mang theo hệ thống máy móc bên mình tới những địa hình hiểm trở nhất, kể cả nơi không có điện để sử dụng. Vậy là sáng kiến “Hệ thống hút đờm, rãi cơ động” tiếp tục ra đời. Hệ thống mới này được thiết kế trên cơ sở sáng kiến cũ nhưng thay đổi một số tính năng để có thể thu gọn vào ba lô và dễ dàng mang theo khi hành quân. Các thiết bị của hệ thống được bố trí hết sức khoa học trong một chiếc hộp gỗ được thiết kế riêng đựng vừa vặn trong chiếc ba lô dã ngoại (gồm: bình ắc quy 12V; bộ chuyển đổi nguồn; máy hút đờm, rãi; hộp đựng dụng cụ y tế), khi có tình huống, chỉ cần mở nắp balô, bật công tắc nguồn là có thể sử dụng rất thuận tiện.
Cùng với sáng kiến, cải tiến “Hệ thống hút đờm, rãi trên xe cứu thương trong cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân”, “Hệ thống hút đờm, rãi cơ động”, thời gian qua bác sĩ quân y Nguyễn Xuân Sinh còn có nhiều sáng kiến, cải tiến được áp dụng vào thực tiễn công tác, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quân y tại đơn vị cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điển hình như năm 2020, trong quá trình làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 anh đã nghiên cứu, cho ra đời sáng kiến: “Các biện pháp giải quyết yếu tố tâm lý cho công dân về cách ly tại các khu cách ly y tế tập trung, phòng chống dịch Covid-19”; năm 2021 anh có sáng kiến: “Quy trình công tác tiếp nhận, quản lý công dân tại các khu cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch Covid-19”; năm 2022 có sáng kiến: “Đánh giá nguyên nhân loại sức khỏe trong khám tuyển sức khỏe công dân thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự”. Các sáng kiến của anh trong quá trình phòng, chống dịch đã góp phần không nhỏ ngăn chặn, giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, động viên người dân trong khu cách ly tập trung yên tâm, ổn định tâm lý, thực hiện nghiêm quy định cách ly phòng dịch. Nhờ đó đã góp phần giúp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đạt hiệu quả cao, hạn chế lây lan ra cộng đồng.
Với sáng kiến “Lắp đặt hệ thống hút đờm, rãi trên xe cứu thương trong vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân”, năm 2023 được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 cấp Giấy chứng nhận tác giả sáng kiến đạt loại A, được Chính uỷ Quân khu 3 tặng Bằng khen và được lựa chọn tham gia dự thi sáng kiến cấp toàn quân. Vừa qua, sáng kiến đã xuất sắc đạt giải Nhì toàn quân, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; UBND tỉnh Hà Nam ra quyết định công nhận sáng kiến khoa học có hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh.
Với những thành tích đạt được trong công tác, bác sĩ Nguyễn Xuân Sinh đã nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, như lời anh tâm sự, phần thưởng lớn nhất với anh đó là có thể chăm sóc tốt nhất sức khỏe của đồng đội và nhân dân.
Phương Dung